ĐBQH chuyên trách thảo luận cho ý kiến về dự án Luật GD ĐH

ĐBQH chuyên trách thảo luận cho ý kiến về dự án Luật GD ĐH

(GD&TĐ)-Chiều nay (9/1), Hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách đã thảo luận về một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục Đại học.

Đại biểu quốc hội chuyên trách thảo luận về Luật GD ĐH chiều 9/1. Ảnh: gdtd.vn
Đại biểu quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật GD ĐH chiều 9/1. Ảnh: gdtd.vn

Báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Giáo dục Đại học như: Vấn đề về cơ cấu hệ thống và phân tầng cơ sở giáo dục đại học; về cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục đại học; về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học; vấn đề xã hội hóa và tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học; vè bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng đại học; về giảng viên, cán bộ quản lý và người học; quản lý nhà nước về giáo dục đại học. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến phương án chỉnh lý bước đầu như: Dự kiến bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của ĐH, ĐHQG; sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể các nội dung tự chủ tại các điều khoản cụ thể; quy định cụ thể đối tượng và lộ trình thực hiện tự chủ; sửa đổi, bổ sung và cụ thể hóa các hình thức hợp tác quốc tế của cơ sở giáo dục đại học; bổ sung, chỉnh lý quy định về cơ sở giáo dục đại học tư thục (tại khoản 7, Điều 5) để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam nhằm khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục đại học nhưng đồng thời vẫn bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư; sửa đổi bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong việc đảm bảo chất lượng; cụ thể hóa quy định về mục tiêu, nguyên tắc và đối tượng kiểm định chất lượng, đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện kiểm định chất lượng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; sửa đổi bổ sung về thời gian làm việc kéo dài của giảng viên có trình độ cao nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện làm việc và khi cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu; đề ra các nguyên tắc cơ bản của chính sách đối với giảng viên và giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với thực tiễn và tình hình phát triển kinh tế xã hội cũng như nhu cầu của đất nước trong từng giai đoạn; bổ sung chính sách ưu đãi đối với người học…

Tại hội nghị, các đại biểu đã đề cập đến nhiều vấn đề trong dự thảo Luật, đặc biệt là vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong trường đại học.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Luật Giáo dục đại học sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đổi mới quản lý Nhà nước về giáo dục đại học, đổi mới quản lý của các cơ sở giáo dục, đẩy mạnh phân cấp quản lý giáo dục đại học và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học để từng bước phát triển về quy mô, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo đại học. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao cho đất nước.

Nhiều ý kiến nhất trí việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học và đề nghị quy định chi tiết ngay trong luật các điều kiện, tiêu chí để cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Theo GS Trần Thị Tâm Đan (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng) nên nhìn nhận quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm dưới góc độ cơ chế quản trị của các trường. Nếu Nhà nước đã xác định thực hiện cơ chế quản trị các trường đại học theo tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì phải đi kèm 2 thiết chế là Hội đồng quản trị và Hiệu trưởng; trường nào cũng phải thực hiện theo cơ chế quản lý này; phải xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng quản trị và Hiệu trưởng...

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cũng nhấn mạnh, cốt lõi của việc tổ chức lại giáo dục đại học là thực hiện quyền tự chủ. Dự thảo mới chỉ đưa ra một số khía cạnh trong thực hiện quyền tự chủ, trong khi nhiều khía cạnh khác cũng có thể thực hiện được như: tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức tuyển sinh.

Xử lý được những bất cập trong quá khứ

Sau nhiều ý kiến của các đại biểu về vấn đề tự chủ trường đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, quyền tự chủ là thuộc tính của trường đại học, một trường đại học được thành lập và đi vào hoạt động đương nhiên có quyền tự chủ. Tuy nhiên, trong điều kiện nước ta hiện nay, có trường mới thành lập chưa đủ năng lực quản lý thực hiện quyền tự chủ thì chúng ta giới hạn quyền tự chủ của họ, sau đó sẽ giao khi có đủ điều kiện.

Về những quyền tự chủ như tuyển sinh, tự chủ về chỉ tiêu, bằng cấp, mở ngành, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Luật có xu hướng giao hết cho các trường. Hiện, dù Luật Giáo dục đại học chưa ban hành nhưng Bộ GD&ĐT đã triển khai việc này, cụ thể, đã giao cho các trường tự xác định chỉ tiêu trên cơ sở những tiêu chí mà Bộ đã quy định.

“Việc tự chủ tuyển sinh cũng đã giao cho một số trường đại học trọng điểm 2 năm nay nhưng cho tới nay vẫn chưa có trường nào đưa phương án tự tuyển sinh lên Bộ”. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay.

Riêng đối với vấn đề tạo điều kiện để các trường ngoài công lập khó tuyển sinh có thể tuyển sinh được, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, điều này phải xét về khía cạnh chất lượng nhân lực và khả năng đào tạo của các trường. Như vậy, Bộ GD&ĐT chỉ quy định lượng tối thiểu có thể đảm bảo chất lượng đào tạo, Bộ không thể thả ngưỡng chất lượng đó được. Nếu làm vậy, chất lượng nguồn nhân lực sẽ không đảm bảo.

Về mở ngành đào tạo, Bộ GD&ĐT đã giao cho nhiều trường mở ngành. Nhưng nếu giao cho các trường tự mở ngành, tự tổ chức thẩm định sẽ không thể thực hiện được quy hoạch về nhân lực vì các trường sẽ mở những ngành dễ tuyển sinh, ít đầu tư và dễ thu hút thí sinh…

Vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là lợi nhận và phi lợi nhuận, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, các nước có trường ĐH phi lợi nhuận bởi họ có phương tiện khổng lồ của “quà biếu, quà tặng”. Nước ta hiện nay, những trường tư thục có nguồn biếu tặng lớn để xây dựng trường là không có nên phải góp vốn huy động. Trong dự thảo Luật Giáo dục đại học có định nghĩa: không chia lợi tức cho cổ đông hoặc là chia bằng 1,5 lần lãi suất ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định trong năm đó thì gọi là phi lợi nhuận. Trên cơ sở như vậy, chúng ta có thể có những chính sách phù hợp để ưu đãi những trường phi lợi nhuận này. Mặc khác, cũng đã tính đến phương án trường tư thục trích 25% chênh lệch thu chi để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục, số tiền đó không chia và ngày càng tăng dần lên và trong vòng thời gian năm bảy chục năm, số tiền đó sẽ lớn lên và trở thành tài sản xã hội, từ đó chúng ta sẽ có trường đại học phi lợi nhuận thực sự trong tương lai. Như vậy, vấn đề lợi nhuận, phi lợi nhuận đã được xử lý.

Việc các trường tư thục phải dành kinh phí để đầu tư đóng thuế như một số đại biểu đề cập thì trong luật đã quy định không đóng thuế những phần tiền dành cho đầu tư, tái đầu tư cơ sở giáo dục. Những vấn đề bất cập trong quá khứ chúng ta chưa xử lý hết được thì trong luật này chúng ta đã xử lý.

Về phân tầng đại học, Thứ trưởng Bùi Văn Ga lý giải, ý nghĩa của phân tầng đại học là chia ra đại học nghiên cứu và đại học theo hướng ứng dụng, ĐH nghề nghiệp chứ không phải là xếp hạng đại học. Tầng trên cùng là các đại học nghiên cứu đào tạo ra những nhà nghiên cứu, tạo ra những tổng công trình sư, những cán bộ hàng đầu… Tiếp theo là những đại học theo hướng nghề nghiệp ứng dụng để tạo ra những kỹ sư phục vụ trực tiếp. Phân tầng như vậy là cần thiết để có chế độ đầu tư phù hợp.

Với việc thu hút sinh viên vào học các ngành khó tuyển sinh như khoa học cơ bản, nông lâm, thủy sản, sư phạm, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, Bộ GD&ĐT sắp tới sẽ có chủ trương về việc mở ngành; thiết kế chính sách phù hợp như trao học bổng, tài trợ về học phí và cuối cùng là có chính sách sử dụng nhân lực phù hợp. 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ