Dạy xác suất và thống kê cho học sinh: Đòi hỏi của giáo dục hiện đại

GD&TĐ - Nội dung thống kê và xác suất là một trong 3 mạch kiến thức quan trọng của môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông mới và học sinh sẽ được tiếp cận, học tập từ năm học lớp 2. 

Kiến thức về thống kê và xác suất giúp HS có nhận thức và khả năng đưa ra quyết định đúng đắn. Ảnh: T.G
Kiến thức về thống kê và xác suất giúp HS có nhận thức và khả năng đưa ra quyết định đúng đắn. Ảnh: T.G

Trong khi một số phụ huynh băn khoăn, lo lắng trước sự thay đổi mới này thì các nhà chuyên môn khẳng định, đưa thống kê và xác suất vào chương trình sẽ tăng cường tính thiết thực và hiện đại của việc học toán. 

Phù hợp với lứa tuổi

Việc Chương trình giáo dục phổ thông mới đưa kiến thức xác suất và thống kê vào môn Toán từ lớp 2 gây sự chú ý của nhiều giáo viên, phụ huynh và dư luận xã hội. Bởi lẽ, cụm từ “xác suất thống kê” được hiểu theo cách rộng, phức tạp và quá cao siêu. Nguyên nhân theo chia sẻ của các giáo viên, trước đây xác suất và thống kê xuất hiện trong chương trình Toán bậc THCS và THPT nhưng khá nặng nề, nặng lý thuyết và thiếu tính ứng dụng thực tế. Do đó, khi nhắc tới xác suất, thống kê, ai cũng sợ vì nghĩ nó khó, khô cứng và thiếu thực tế!

Tuy nhiên, xác suất, thống kê cho học sinh từ lớp 2 trong Chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng “chơi mà học, học mà chơi”. Sau khi nghiên cứu, nhiều người mới vỡ lẽ rằng, chương trình không hề nặng nề hay cao siêu mà chỉ cho các em làm quen và quan sát, liên hệ thực tế cuộc sống.

“Qua nghiên cứu chương trình cho thấy, dạy xác suất. thống kê cho học sinh từ lớp 2 là cách để trẻ làm quen với thao tác thu thập, kiểm đếm đơn giản. Ví như trò chơi đếm dụng cụ học tập, đếm số bạn nam, bạn nữ trong lớp hay đếm số động vật trong nông trại qua hình vẽ… Đó chỉ là những yêu cầu ở dạng đơn giản có trong cuộc sống hàng ngày mà trẻ tiếp thu được nhằm hình thành khái niệm ban đầu, khả năng quan sát.

Nói dạy xác suất, thống kê ai cũng sợ, nhưng thực chất nó đơn giản, nhẹ nhàng như thế. Đó là cách để trẻ có khái niệm ban đầu về tư duy logic, tính khoa học và khả năng quan sát. Nó không chỉ có trong Toán mà còn có trong các môn học khác như Tự nhiên xã hội và gắn với cuộc sống hằng ngày...”, cô Lê Như Ngọc, giáo viên Trường TH Bình Thủy (TP Cần Thơ) chia sẻ. 

Các em HS tiểu học cùng nhau sáng tạo robot trong giờ học thực hành. Ảnh: T.G
 Các em HS tiểu học cùng nhau sáng tạo robot trong giờ học thực hành. Ảnh: T.G

Nghề nào cũng cần

Chia sẻ về xác suất thống kê, anh Nguyễn Văn Nên, kỹ sư xây dựng ở quận Cái Răng (TP Cần Thơ), cho biết: Khi học ở lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, bản thân tôi và các bạn đều nhận thấy mình còn thiếu và yếu về tư duy số liệu thống kê và khả năng ước lượng. Vì chuyên ngành này đòi hỏi người học, sau này khi ra công trường phải biết tính toán từ vật liệu cho đến kiến trúc nội cảnh, ngoại cảnh và sự hợp lý của kiến trúc, cảnh quan.

Một tòa nhà dân dụng một trệt, một lầu tính ra biết bao là chi tiết, vật liệu và cả quá trình thi công; ai có kiến thức tốt về xác suất thống kê sẽ quán xuyến được quá trình thiết kế, thi công, giám sát. “Do đó, chương trình toán xác suất thống kê cần được tiếp cận sớm với học sinh từ cấp tiểu học theo hướng từ đơn giản đến phức tạp. Học trò làm quen dần sẽ không còn “sợ” như thế hệ “tiền bối” khi nghe đến xác suất thống kê”, kỹ sư Nên cho biết.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xác suất thống kê đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của khoa học, công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Lấy minh chứng cho vấn đề này, anh Đoàn Ngọc Hải - kỹ sư công nghệ thông tin Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Các thuật toán trên không gian mạng, hệ thống máy tính đều sử dụng đến xác suất thống kê.

Minh chứng là các mạng xã hội hiện nay, bằng các thuật toán thống kê từ phức tạp đến đơn giản nhằm có thể đáp ứng nhu cầu một cách tốt nhất cho mỗi người dùng. Mạng xã hội dù là ảo nhưng nó rất “hiểu” người sử dụng trạng thái như thế nào, muốn ăn gì, muốn mua sắm gì, làm gì và cả kế hoạch đi du lịch ở đâu… tất cả từ xác suất thống kê mà ra”.

Theo kỹ sư Đoàn Ngọc Hải, xác suất, thống kê quan trọng không chỉ với Khoa học tự nhiên mà với cả môn Khoa học xã hội, thậm chí trong đời sống hằng ngày. Dựa vào dữ liệu thống kê, người dân có thể đánh giá khả năng có thể xảy ra để phân tích, đối chiếu, so sánh, qua đó hỗ trợ rất nhiều trong quá trình nghiên cứu khoa học và phát triển xã hội.

Đối với chương trình giáo dục, dạy trẻ con học Toán từ lớp nào thì dạy xác suất và thống kê từ lớp đó. Ban đầu đối với các em chỉ là khái niệm để làm quen và tiếp cận dần theo từng cấp độ và lứa tuổi. Quan trọng là làm sao để các em học mà có thể hiểu, có hứng thú và áp dụng vào thực tế cuộc sống là thành công.

HS tiểu học TP Cần Thơ đang học lập trình trên máy tính. Ảnh: T.G
 HS tiểu học TP Cần Thơ đang học lập trình trên máy tính. Ảnh: T.G

Sự thay đổi cần thiết

Trước đây, thống kê được dạy rải rác ở lớp 4 và lớp 5. Lên bậc THCS học sinh được học ở lớp 7 và lên THPT học ở lớp 10. Còn nội dung xác suất chỉ xuất hiện trong chương trình lớp 11.

PGS.TS Ngô Hoàng Long – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (giảng viên cốt cán tập huấn Chương trình giáo dục phổ thông mới) cho biết: Chương trình môn Toán ở Chương trình phổ thông mới được tổ chức lại thành 3 mạch kiến thức chính là: Đại số và một số yếu tố giải tích; Hình học và đo lường; Thống kê và xác suất (trong đó chú trọng tới nội dung thống kê).

Thống kê và xác suất sẽ là một trong ba mạch kiến thức quan trọng của môn Toán. Trong đó, thống kê và xác suất là mạch kiến thức có sự thay đổi lớn nhất trong 3 mạch kiến thức và so với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Việc tăng kiến thức và độ khó trong chương trình là không đáng kể. Sự thay đổi chủ yếu là tăng về thời lượng để học sinh có thời gian xây dựng những kỹ năng thống kê cơ bản như thu thập dữ liệu, đọc, vẽ biểu bảng và nêu một số nhận xét đơn giản về số liệu thu thập được. Cùng đó, thời lượng và mạch kiến thức thống kê, xác suất sẽ tăng dần theo từng khối lớp. 
 PGS.TS Ngô Hoàng Long 

PGS.TS Ngô Hoàng Long nêu cụ thể vấn đề: Trong chương trình phổ thông mới, thống kê sẽ được đưa vào giảng dạy bắt đầu từ lớp 2 cho đến lớp 12. Như vậy 11 năm học, học sinh đều được học những nội dung về xác suất và thống kê với chương trình mang tính đồng tâm và nâng cao dần. So với chương trình hiện hành, các nội dung về thống kê như thu thập, phân tích và xử lý số liệu; các loại bảng biểu đồ, các số đặc trưng của mẫu… ở chương trình mới về cơ bản sẽ không có nhiều thay đổi. Chỉ một số lượng ít kiến thức mới chủ yếu nằm ở lớp 12.

Với nội dung xác suất, học sinh lớp 2 sẽ bắt đầu làm quen với các phép thử và chương trình mới đặt ra yêu cầu nhận thức được kết quả của những phép thử đơn giản. Ví như gieo một con xúc xắc 6 mặt thì học sinh nhận biết được có những khả năng nào có thể xảy ra? Hoặc giáo viên có thể hỏi số chấm xuất hiện có thể nhiều hơn 7 không? Học sinh sẽ trả lời được là: Không. Tức là học sinh sẽ nhận biết được một sự kiện đơn giản nào đó có thể xảy ra hay không…

Với nội dung thống kê, học sinh lớp 2 sẽ làm quen với biểu đồ tranh. Trong một bức tranh cụ thể, học sinh có thể thống kê bao nhiêu bông hoa, cái bút… Cùng đó phân biệt được có bao nhiêu bút đỏ, bao nhiêu bút vàng, xanh… Đây là những thao tác kiểm đếm đơn giản mà học sinh hoàn toàn có thể tiếp nhận phù hợp theo đúng lứa tuổi.

Lên lớp 3, sẽ nâng dần lên là học thu thập, kiểm đếm với sự ấn định tiêu chí... Đọc và mô tả được các số liệu ở dạng bảng. Nêu được một số nhận xét đơn giản từ bảng số liệu.

Ở lớp 4, học sinh sẽ kiểm đếm được số lần lặp lại của một khả năng xảy ra (nhiều lần) của một sự kiện khi thực hiện (nhiều lần) thí nghiệm, trò chơi đơn giản…

Và đến lớp 12, nội dung thống kê sẽ giúp học sinh tính được các số đặc trưng đo mức độ phân tán cho mẫu số liệu ghép nhóm; khoảng biến thiên, khoảng tứ phân vị, phương sai, độ lệch chuẩn…; Ở nội dung xác suất giúp học sinh nhận biết được khái niệm về xác suất có điều kiện; giải thích được ý nghĩa các xác suất có điều kiện trong những tình huống thực tiễn quen thuộc…

Xã hội hiện đại ngày càng có nhiều luồng thông tin và các vấn đề đặt ra, vì vậy mỗi người không chỉ dừng lại ở tiếp nhận thông tin mà cần phải biết phân tích, xử lý các thông tin mình nhận được. Có kiến thức về thống kê, xác suất sẽ giúp học sinh có nhận thức và khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn và tốt hơn. Vì vậy, thống kê, xác suất được định hướng là một trong ba mảng kiến thức quan trọng của môn Toán ở Chương trình giáo dục phổ thông mới.
                                                                   PGS.TS Ngô Hoàng Long

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.