Dạy Văn: Dành quyền chọn lựa tác giả, tác phẩm cho người dạy, người học

GD&TĐ - Với chương trình mở, chỉ nên quy định những nội dung mang tính khái quát và những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng mà học sinh phải đạt được sau khi học xong chương trình; không áp đặt cách chọn lựa tác giả, tác phẩm cụ thể nào mà dành quyền đó cho người dạy và cả người học.

Dạy Văn: Dành quyền chọn lựa tác giả, tác phẩm cho người dạy, người học

Chương trình chỉ hướng dẫn và gợi mở những nội dung khái quát chung, còn việc lựa chọn những nội dung cụ thể sẽ do thầy và trò tự quyết định khi cùng nhau làm việc.

Đó là quan điểm của PGS.TS Đào Thủy Nguyên (Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên) dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu cũng như góc nhìn một nhà quản lý cấp khoa.

Chương trình phải mềm dẻo, linh hoạt

Mục tiêu quan trọng nhất của chương trình Ngữ văn đối với học sinh phổ thông là các kĩ năng giao tiếp.

Trong chương trình môn Ngữ văn, mục tiêu giao tiếp được đặt lên hàng đầu vì đó là đặc trưng cơ bản của môn Ngữ văn và đó cũng là yêu cầu có tính mở đường đối với các mục tiêu khác.

Chương trình coi “trục chính” là việc rèn tập cho người học thành thạo bốn kĩ năng giao tiếp (đọc - viết - nghe - nói, trong đó bao gồm cả năng lực trình bày và tiếp nhận thông tin qua các kênh nghe - nhìn), còn tiếng Việt và văn học là hai trục bổ trợ, là chất liệu cho việc hình thành kĩ năng giao tiếp.

Nhấn mạnh điều này, PGS.TS Đào Thủy Nguyên cho rằng: Theo định hướng tiếp cận năng lực cá nhân, chương trình đào tạo cần phải được thiết kế mềm dẻo, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu cá thể hóa.

Với người học, tiến trình đào tạo có thể co dãn tùy theo nhu cầu và khả năng của họ với nỗ lực đạt được các năng lực theo chuẩn đầu ra.

Trong quá trình này, người học được lựa chọn các môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực và sở thích cá nhân ...

Với người dạy, từ những hoàn cảnh, những điều kiện cụ thể được linh hoạt điều chỉnh chương trình đào tạo trong phạm vi nhất định, được chủ động lựa chọn sử dụng các phương pháp, cách thức giảng dạy khác nhau... nhằm giúp người học đạt được các mục tiêu về năng lực theo chuẩn đầu ra.

Chương trình mở giúp người học phát huy tính năng động và sáng tạo trong học tập, rèn các năng lực tự học, năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mỹ, năng lực hiểu biết và phát triển bản thân, năng lực phản biện, năng lực tư duy độc lập..., giúp họ được đối thoại, tranh luận, diễn thuyết một cách chủ động, tự tin...

"Trong dạy học theo chương trình mở cần chú ý tính tương tác nhiều chiều qua trao đổi thảo luận: Tương tác giáo viên - học sinh, tương tác học sinh - học sinh, tương tác trong và ngoài lớp học..

Muốn vậy, giáo viên phải biết cách khơi gợi hứng thú và tạo ra môi trường học tập thân thiện có khả năng kích thích đối thoại, tranh luận, kích thích tư duy phản biện để giúp người học tìm ra chân lý đời sống" - PGS.TS Đào Thủy Nguyên chia sẻ quan điểm.

Không chú trọng kiểm tra kiến thức và khả năng ghi nhớ

Việc xây dựng chương trình mang tính mở hướng đến việc đánh giá năng lực và kĩ năng của học sinh chứ không chú trọng kiểm tra kiến thức và khả năng ghi nhớ. Vì thế cách đánh giá cũng phải thay đổi cho phù hợp.

Sự thay đổi này, theo PGS.TS Đào Thủy Nguyên, chủ yếu là tập trung đánh giá năng lực tư duy, kĩ năng đọc viết của người học qua việc vận dụng kiến thức chứ không chú ý đến việc trình bày nội dung kiến thức thuần túy.

Văn bản được dùng làm ngữ liệu để kiểm tra không chỉ là tác phẩm văn học mà đa dạng, phong phú, gắn với môi trường học thuật và đời sống thực tế của người học.

Những thay đổi của chương trình đào tạo Ngữ văn mới

Trên cơ sở những nhận thức mới về đòi hỏi của giáo dục phổ thông trong thời kì mới, PGS.TS Đào Thủy Nguyên, Trường ĐHSP Thái Nguyên đã phát triển chương trình đào tạo ngành Ngữ văn với khá nhiều điểm thay đổi so với chương trình cũ.

Theo đó, cấu tạo lại hệ thống môn học, giảm số môn học có thời lượng 2 tín chỉ, tăng cường các môn học với thời lượng 3, 4, 5 tín chỉ. Các học phần trong chương trình đào tạo được rà soát kỹ để không còn có sự trùng lặp giữa các khối kiến thức trong các học phần.

Việc xây dựng chương trình mới hướng tới mục tiêu vừa chú trọng đi sâu khai thác các giá trị thẩm mĩ vừa đi sâu khai thác các giá trị nhân văn để vừa đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạỵ môn Ngữ văn ở trường phổ thông vừa đáp ứng các yêu cầu liên ngành hoặc mở ra các cơ hội việc làm cho người học.

Cùng với đó, tăng cường nhiều môn học mới; điều chỉnh nội dung và phương pháp tiếp cận. Một số môn học tuy tên môn không thay đổi nhiều nhưng có điều chỉnh nhiều trong nội dung và phương pháp tiếp cận.

Nội dung đã giảm đi những kiến thức quá hàn lâm, chỉ tập trung vào các đơn vị kiến thức cơ bản, đồng thời tăng cường rèn nghề qua các hoạt động thảo luận, thực hành nhằm vừa đảm bảo lượng kiến thức cần thiết, vừa có thời gian thực hành các kỹ năng nghề nghiệp và phát huy năng lực người học.

Việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cũng được tăng cường. Đồng thời, thay đổi phương pháp giảng dạy. Tất cả các học phần trong chương trình đều được xây dựng theo hướng giảm nhiều giờ lý thuyết, tăng cường giờ bài tập, thảo luận, thực hành lên từ 30% đến 50%.

Tuy vậy, PGS.TS Đào Thủy Nguyên cũng chia sẻ, dù đã đi được một bước nhưng chương trình này vẫn còn nhiều điều chưa ổn, chưa thể hài lòng.

Nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan cần được tháo gỡ để việc phát triển chương trình giáo dục đại học có điều kiện thực hiện được tốt hơn.

"Chúng tôi không có chuyên gia phát triển chương trình đào taọ theo đúng nghĩa. Đội ngũ giảng viên, những người trực tiếp phát triển chương trình có thể phát hiện và đề xuất những ý tưởng mới, nhưng từ việc đề xuất đến việc thực thi ý tưởng cần có thời gian cho việc chuẩn bị: Xây dựng đề cương chi tiết, xây dựng đề cương bài giảng, rồi viết giáo trình.

Yêu cầu “ngay” và “luôn” dù biết là chính đáng vì phải theo cho kịp tiến độ đổi mới của phổ thông nhưng quả thực là yêu cầu rất khó đối với chúng tôi, nhất là trong thực tế đội ngũ giảng viên trẻ rất đông, họ tuy có bằng cấp cao nhưng vẫn đang trong quá trình tự đào tạo sau khi đã được đào tạo" - PGS.TS Đào Thủy Nguyên cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ