CHLB Đức
Ở Đức, mỗi bang đều có một chương trình “Tiếng mẹ đẻ” riêng. HS các trường phổ thông Đức đọc không nhiều, nhưng sâu. Các em bắt đầu đọc các tác phẩm văn học đương đại trước, sau đó mới đến văn học cổ điển. Bài luận là công đoạn cuối cùng của quá trình phát triển ngôn ngữ viết.
Giáo viên là người quyết định việc đọc của học sinh. Học sinh Đức bắt đầu đọc các tác phẩm cổ điển từ năm lớp 8. Từ lớp 9, các em phải đọc Goethe, Schiller, Hoffmann, Büchner, Lessing, Fontane, Storm, Hauptmann, Schnitzler, Kafka, Brecht. Trong số các tác giả đương đại có: Frisch, Suskind, Timm, Kelmann, Schlink, Grass.
Trong các bài luận về những tác phẩm đã đọc, điều quan trọng không phải là nắm vững nội dung hoặc tiểu sử của nhà văn, mà là kỹ năng diễn giải những gì đã đọc, trình bày rõ ràng ý tưởng, kỹ năng tranh luận và bảo vệ quan điểm của mình. Ở trường trung học, độ khó của các bài luận của HS ngày càng tăng. HS tìm hiểu phương pháp xây dựng các loại văn bản như: Thư từ, báo cáo, biên bản, bài phát biểu trước công chúng, diễn văn... và tập viết một cái gì đó tương tự.
Pháp
Đóng vai trò to lớn trong việc bảo tồn nền văn hóa của người Pháp là thái độ tôn trọng và sáng tạo đối với truyền thống văn hóa dân tộc. Sự tôn trọng này, cùng với tinh thần sẵn sàng đối thoại, được giáo dục ở Pháp ngay trên ghế nhà trường. Các giờ học văn ở trường phổ thông Pháp có ý nghĩa quan trọng bởi chúng lôi cuốn con người vào mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa.
Danh mục các tác phẩm cần đọc được Bộ Giáo dục Pháp quy định khá chặt chẽ, nhưng GV tự xây dựng chương trình. Cũng như ở Đức, ở Pháp, tiểu sử của tác giả không được đặt lên hàng đầu. Thay vào đó, văn phong và ngôn ngữ của tác phẩm được chú trọng. Ví dụ, ngay trong những bài học đầu tiên ở trường phổ thông, HS được giao bài tập: Hoàn thành một đoạn văn theo phong cách Moliere, theo phong cách Racine, theo phong cách của Voltaire...
Ở các lớp cuối cấp, việc phân tích ngôn ngữ tác phẩm được chú ý đặc biệt. Đồng thời, đối với các tác phẩm lớn, đồ sộ, GV cho phép HS quyền lựa chọn đọc hay không đọc. Việc đánh giá vẻ đẹp của ngôn từ có thể được thực hiện qua những đoạn trích hoặc tác phẩm nhỏ.
Các giờ học văn ở trường phổ thông Pháp thường được hình thành theo những chủ đề nhất định: “Kể chuyện bản thân”, “Lời tỏ tình”, “Thành phố”, “Sự mỉa mai”, “Tự do tư tưởng”...
Anh
Kế hoạch dạy học quốc gia được xây dựng bởi Chính phủ Anh và được sửa đổi vài năm một lần. Kế hoạch quy định những kỹ năng và kiến thức cần thiết về môn văn mà HS cần nắm vững. Ví dụ: “HS phải đọc và hiểu ít nhất một vở kịch của Shakespeare, hoặc một cuốn tiểu thuyết thế kỷ XIX được xuất bản ở bất kỳ đâu, hay một tác phẩm kịch được viết sau năm 1914 ở Vương quốc Anh”. Vương quốc Anh không có sách giáo khoa môn văn. GV quyết định HS đọc gì.
Theo kế hoạch dạy học quốc gia, để đánh giá được sự sâu sắc và sức mạnh của di sản văn học Anh, GV cần chú ý đến các tác phẩm cổ điển, các tác giả phi hư cấu và các văn bản báo chí. HS Anh phải viết các bài khóa luận về Shakespeare, về thơ chiến trận, về kịch và truyện ngắn. Điều này không dễ, nhất là đối với HS nhập cư.
Từ tiểu học, HS Anh được dạy cách viết và phân tích một bài luận. Ngay sau khi học xong bảng chữ cái, HS đã phải viết tập làm văn. Đầu tiên là về bản thân, gia đình. GV dạy HS xây dựng cốt truyện, miêu tả nhân vật, địa điểm xảy ra câu chuyện, cách viết một bài văn biểu cảm. HS Anh không bị nhồi nhét kiến thức, thậm chí trong các kỳ thi, các em được mang theo những cuốn sách có chủ đề liên quan.
Mỹ
Trong phần giới thiệu danh mục các tác phẩm cần đọc của Trường công lập quận Polk, tiểu bang Florida, ghi rõ: “GV phải lưu ý sự đa dạng thế giới quan của HS”. Danh mục này được hình thành trước ngày 31/8 hàng năm và phải có ít nhất 10 cuốn sách được lựa chọn theo 10 tiêu chí. Danh sách được đề xuất rất dài, gồm hàng chục tác giả và tác phẩm. Ngoài các tác giả Mỹ còn có các nhà văn nước ngoài: Pasternak, Tolstoy, Turgenev, Dostoyevsky, Remarque, Poe, Moliere, Le Guin, Kafka, Homer, Hugo...
Các cuốn sách nằm trong danh mục khuyến nghị HS cần đọc chủ yếu phản ánh những vấn đề cơ bản đối với nhân loại và cá nhân, truyền cảm hứng và có ý nghĩa giáo dục. Môn văn ở Mỹ rất được chú trọng. Để được vào trường trung học bình thường, HS phải đáp ứng một số yêu cầu. Ví dụ: “Đọc và hiểu các tác phẩm văn học liên quan đến các thời đại, xã hội và khuynh hướng tư tưởng khác nhau”, cũng như “biết trình bày ý tưởng của mình về các chủ đề khác nhau bằng văn bản”. Ngoài ra, cần “biết lắng nghe và trò chuyện một cách hiệu quả trong các tình huống khác nhau” và “nắm được ngôn ngữ ở mức độ cần thiết để tiếp thu và chuyển tải những thông tin khác nhau.
Nhật Bản
Mục tiêu của nhà trường phổ thông Nhật Bản là giáo dục tinh thần dân tộc của người Nhật, hình thành các chuẩn mực đạo đức phù hợp với HS của mình, đặt nền móng và phát triển những đặc điểm của tính cách dân tộc.
Điều thú vị là năm học mới ở Nhật Bản bắt đầu vào mùa xuân, ngày 1/4. Cả nước có một sách hướng dẫn giáo học pháp thống nhất. Ví dụ, HS lớp hai phải “thích thú nghe đọc truyện thiếu nhi và truyện cổ tích; hiểu được diễn biến của câu chuyện; kể lại nội dung đã nghe bằng ngôn ngữ của mình, nêu được ý chính; hiểu các câu hỏi về nội dung đã nghe và trả lời chúng”.
Văn học cổ điển là môn học xuất hiện trong thời khóa biểu của trường trung học phổ thông dành cho HS từ 15 - 17 tuổi. Trong văn học Nhật Bản được giảng dạy ở trường phổ thông, không có những tác phẩm sử thi đồ sộ như “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoy. Người Nhật vốn hướng nội, vì vậy đối với họ ý nghĩa quan trọng nhất của tác phẩm nằm ở cấu trúc tư duy của nhân vật.
Mặc dù sách giáo khoa ở các trường phổ thông có thể khác nhau, nhưng cũng có những điểm chung. Ví dụ, tất cả HS Nhật đều đọc tiểu thuyết “Trái tim” của nhà văn Natsume Soseke, truyện ngắn “La Sinh Môn” của Akutagawa. Các tác giả đương đại (thế kỷ XX - XXI): Mukoda Kuniko, Haruki Murakami, Shiba Ryotaro, Seityo Matsumoto cũng được dạy ở trường phổ thông.