Khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, hội nhập với khu vực và thế giới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều quyết sách nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung, dạy và học ngoại ngữ nói riêng.
Kể từ khi chính thức triển khai tới nay, đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” đã đi được một chặng đường 4 năm, theo đuổi mục tiêu “Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân,.... biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Giải pháp quan trọng nhất, khó khăn nhất để đảm bảo thực hiện thành công Đề án, theo Thứ trưởng, là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh.
Góp phần vào giải pháp này, Hội thảo VietTESOL lần thứ nhất đã kết nối các chuyên gia, giảng viên, giáo viên trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh từ tiểu học tới đại học trong nước và quốc tế, nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh trong môi trường giáo dục của Việt Nam.
Tiếp nối thành công trên, Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng, hội thảo VietTESOL lần thứ hai sẽ tiếp tục góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động dạy học tiếng Anh, cụ thể là nâng cao năng lực tiếng Anh và nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên các cấp, từ đó nâng cao năng lực tiếng Anh của người học, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong nước và quốc tế trong thời kỳ toàn cầu hóa.
Tại hội thảo, 4 vấn đề chính được trao đổi, thảo luận, gồm: Truyền thông và công nghệ giảng dạy tiếng Anh; các vấn đề đương đại trong dạy và học tiếng Anh; vấn đề văn hóa trong giảng dạy tiếng Anh và phát triển, bồi dưỡng chuyên môn.
Xoay quanh 4 chủ đề trên, những nội dung được quan tâm liên quan đến việc học trực tuyến; sử dụng phương tiện truyền thông và công nghệ, khai thác nguồn tài liệu từ internet, sử dụng mạng xã hội trong giảng dạy tiếng Anh; phát triển kỹ năng và các thành tố của tiếng Anh; các vấn đề thực tiễn trên lớp học như kiểm tra, đánh giá, soạn giáo án, quản lý lớp học; thiết kế chương trình, tài liệu giảng dạy.
Các đại biểu cũng đề cập nhiều đến phát triển kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và tư duy phản biện; sáng tạo trong lớp học tiếng Anh; dạy tiếng Anh cho trẻ em; sự khác biệt về văn hóa trong giảng dạy tiếng Anh...
Hội thảo VietTESOL lần thứ hai được tổ chức trong khuôn khổ Đề án Ngoại ngữ 2020 với mục đích hướng tới việc kết nối các chuyên gia, giảng viên, giáo viên trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh thuộc các cấp, từ tiểu học tới đại học ở Việt Nam và quốc tế.
Mục đích hội thảo nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam; tạo diễn đàn cho các chuyên gia, giảng viên, giáo viên giảng dạy tiếng Anh trao đổi kinh nghiệm chuyên môn và phát triển ý tưởng về đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh; tăng cường trao đổi văn hóa và hiểu biết lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi học thuật giữa các cá nhân trong Ngành.
Hội thảo cũng nhằm thực hiện mục tiêu Đề án Ngoại ngữ 2020 để ra cho năm học 2015 - 2016 với trọng tâm là đổi mới chương trình và hệ thống kiểm tra đánh giá cho giáo dục phổ thông, đại học và sau đại học trên cả nước.