Dạy và học Ngoại ngữ bậc Đại học từ góc nhìn từ thực tiễn

GD&TĐ - Từ ngày 28-29/3, tại Trung tâm số Đại học Thái Nguyên đã diễn ra Hội thảo quốc gia với chủ đề: “Dạy và học Ngoại ngữ bậc Đại học góc nhìn từ thực tiễn”.

PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên trao biểu trưng và chứng nhận cho các đơn vị đồng tổ chức.
PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên trao biểu trưng và chứng nhận cho các đơn vị đồng tổ chức.

Hội thảo do Trường Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên phối hợp cùng với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Thương mại và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên khẳng định: Với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và các giảng viên đến từ nhiều trường đại học, học viện trong cả nước, Hội thảo là dấu ấn quan trọng, tiếp nối sự đổi mới trong nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ của các cơ sở giáo dục đại học đến từ trung tâm thủ đô Hà Nội, vùng trung du miền núi phía Bắc và miền đồng bằng Sông Hồng.

PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại hội thảo.
PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại hội thảo.

Giám đốc Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh: Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự bùng nổ của nền tảng công nghệ, IoT, Big Data, AI... đã tác động mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực của đời sống nhân loại, trong đó có giáo dục đại học. Vì vậy, việc dạy và học ngoại ngữ không chỉ là yếu tố then chốt để hội nhập quốc tế mà còn là công cụ thiết yếu để phát triển kinh tế, văn hóa và giáo dục. Hội thảo không chỉ đánh dấu những nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ngoại ngữ mà còn là minh chứng cam kết đối với sự phát triển không ngừng của giáo dục đại học tại Việt Nam.

TS Lê Hồng Thắng, Hiệu trưởng trường Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên thông tin: Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 126 bài báo cáo đến từ 19 trường Đại học, học viện trong cả nước như Đại học Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Kiểm sát Hà Nội, Đại học Đại Nam, Đại học Công nghiệp Việt Trì, Đại học Hồng Đức, Đại học Hải Phòng, Học viện chính sách và phát triển.

Trong đó Tiếng Anh có 93 bài, Tiếng Trung Quốc: 27 bài, Tiếng Hàn: 02 bài, tiếng Nga: 02 bài, tiếng Pháp 01 bài, các môn khoa học cơ bản: 03 bài. Ngoài ra, Hội thảo còn có 03 workshops và 15 báo cáo posters tiếng Anh; 11 posters tiếng Trung Quốc.

Hội thảo đã thu hút đông đảo các diễn giả, nhà khoa học trên toàn quốc.

Hội thảo đã thu hút đông đảo các diễn giả, nhà khoa học trên toàn quốc.

Hội thảo là một diễn đàn học thuật chất lượng, là nơi các diễn giả, nhà khoa học gặp gỡ và trao đổi, để cùng nhau đề xuất các giải pháp, tham mưu các chính sách để nâng cao việc dạy và học ngoại ngữ ở bậc đại học ngày càng hiệu quả hơn.

Tại Hội thảo, các diễn giả, nhà khoa học đã trao đổi, chia sẻ xoay quanh các chủ đề về: Phương pháp giảng dạy ngoại ngữ ở bậc đại học; phương pháp và nội dung giảng dạy các môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ; thiết kế bài giảng và nội dung giảng dạy ngoại ngữ; kinh nghiệm và những khó khăn, thách thức trong quá trình giảng dạy ngoại ngữ; chuẩn đầu ra ngoại ngữ; công cụ kiểm tra đánh giá quá trình giảng dạy ngoại ngữ và các chủ đề khác liên quan đến nghiên cứu và bồi dưỡng ngoại ngữ.

Là một đơn vị thuộc Đại học Thái Nguyên, Trường Ngoại ngữ có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngoại ngữ, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, phục vụ đắc lực cho chiến lược phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế, đặc biệt là khu vực trung du, miền núi phía Bắc Việt Nam”. Trường Ngoại ngữ đã và đang cùng Đại học Thái Nguyên khẳng định vị thế và uy tín của mình trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

'Đánh cắp' tuổi thơ

GD&TĐ - Trong văn bản hướng dẫn chuyên môn cấp tiểu học năm học 2024 - 2025, Sở GD TPHCM đặc biệt đề nghị các trường giảm những cuộc thi cho GV và HS.