Dạy trực tuyến cho HS tiểu học: Để không lúng túng, bị động

Dạy trực tuyến cho HS tiểu học: Để không lúng túng, bị động

Còn nhiều bỡ ngỡ

Anh Nguyễn Trí Dũng có con đang học lớp 1 Trường Tiểu học (TH) Phúc Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: HS tiểu học thiếu kĩ năng học trên máy tính nên hầu hết các buổi học bố mẹ phải ngồi cạnh hỗ trợ. Cô giáo yêu cầu HS tắt mic, khi cô gọi tên và yêu cầu trả lời mới được bật nhưng HS thường “quên” khiến tiếng rú mic lấn át cả giọng cô giảng bài. Chỉ một trường hợp như thế sẽ ảnh hưởng tới sự tập trung của HS khác, giảm chất lượng buổi học.

Cũng theo phản ánh của anh Dũng, thời lượng học trực tuyến được bố trí chưa hợp lý. Phải học online cả tuần, một ngày 2 ca sáng, chiều thậm chí có buổi ban ngày bị trục trặc kĩ thuật thì lịch học lại tăng thêm cả buổi tối khiến HS mỏi mệt, chán nản.

Theo chị Võ Minh Thu Hằng có con học Trường TH Newton (Khu ĐTM Hoàng Quốc Việt, Bắc Từ Liêm, Hà Nội): Theo dõi việc học online của con gái đang học lớp 2 nhận thấy, HS tiểu học ý thức tự học, sự tập trung còn hạn chế. Các con chưa mạnh dạn tương tác trong quá trình học. Nhiều khi HS bật máy lên học chỉ như hình thức điểm danh cho đủ sau đó làm việc riêng (ăn vặt, ngủ gật…). Có HS cô gọi đọc bài, phát biểu ý kiến… nhưng e dè ấp úng gây mất thời gian cho buổi học và những HS khác.

Dạy trực tuyến cho HS tiểu học: Để không lúng túng, bị động ảnh 1

GV tránh tạo áp lực với HS tiểu học khi dạy trực tuyến.

Đề cao sự tương tác

Thời khóa biểu cũng là một vấn đề mà nhiều phụ huynh đang phản ánh, đòi hỏi các nhà trường trong quá trình triển khai dạy học trực tuyến cần cân nhắc để phù hợp hơn. HS học đủ 8 môn, buổi tối học các môn chính như Toán, Tiếng Anh, Tiếng Việt; các môn như Âm nhạc, Đạo đức, Mỹ thuật, Tự nhiên và Xã hội, Thủ công học ban ngày. Có trường còn yêu cầu HS quay video bài thể dục, ghi âm bài luyện đọc tiếng Anh rồi gửi lại để GV sửa...

Rõ ràng, việc dạy học trực tuyến bên cạnh việc căn cứ theo nội dung tinh giản của Bộ GD&ĐT hướng dẫn còn cần sự cân đối theo đặc điểm của HS từng khối lớp để GV có phương pháp và thời lượng dạy học phù hợp. Bên cạnh triển khai học trực tuyến đại trà cần có sự kiểm soát chương trình học và sự tập trung học của HS để tiết học đạt hiệu quả. Tránh tình trạng nhà trường đẩy trách nhiệm cho phụ huynh HS trong việc kèm cặp, hỗ trợ bài giảng với GV. Bởi đa số phụ huynh vẫn phải đi làm, hoặc làm việc trực tuyến ở nhà. Thậm chí, không ít phụ huynh thiếu kĩ năng CNTT và không nhớ kiến thức để có thể hướng dẫn con học hiệu quả.

Sau thời gian triển khai dạy học trực tuyến cho HS tiểu học ở Hà Nội cho thấy, việc sử dụng CNTT của nhiều GV và phụ huynh còn hạn chế. GV vừa dạy vừa mày mò rút kinh nghiệm khiến hiệu quả từng tiết học chưa được như mong muốn. HS chưa có kĩ năng học trực tuyến, phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của gia đình trong suốt quá trình học nên bị động.

Đặc biệt, ở nhiều gia đình thiếu thiết bị kỹ thuật nên các con khó khăn khi học trực tuyến.

HS tiểu học với tâm lý, nhận thức… có đặc thù riêng nên GV ngoài việc xây dựng kế hoạch dạy chuẩn về thời lượng, dung lượng còn cần có phương pháp dạy phù hợp (vừa dạy vừa dỗ). Những điều kiện này trên thực tế còn nhiều GV chưa được tập huấn kịp thời.

Cô Lê Thị Kim Ngọc - GV Trường TH An Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm giúp việc dạy học online hiệu quả. Trước hết, để HS giảm tải khi học trực tuyến, GV xây dựng phiếu học tập gửi trước cho HS (giống như lịch báo giảng với HS cả lớp). Phiếu học tập sẽ thông báo cho HS chuẩn bị học bài gì, cần có đồ dùng học tập nào, sau khi học xong sẽ làm bài tập nào? Sau đó, dựa theo đặc điểm của HS, tình hình học tập trong tuần mà GV có lưu ý, hướng dẫn và yêu cầu luyện tập phù hợp với các em. Bên cạnh đó, GV lập phiếu đánh giá tuần để được trao đổi với phụ huynh, giúp họ nắm bắt việc học của con. Phiếu đánh giá học tập theo tuần cũng còn hỗ trợ GV trong việc kiểm tra, nhắc nhở, giám sát để việc học của HS đạt hiệu quả.

Phụ huynh đồng hành

TS chuyên ngành Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh – Tổng Giám đốc Học viện Thành công (Hà Nội) khẳng định: Để dạy học trực tuyến cho HS tiểu học đạt hiệu quả không hề dễ dàng. Các em dễ nhớ nhanh quên, ý thức tự giác học tập chưa ổn định nên để dạy học trực tuyến có hiệu quả cần sự đồng hành, hỗ trợ của phụ huynh.

Bên cạnh đó, vai trò của GV trong quá trình dạy học trực tuyến vô cùng quan trọng. Các bài giảng trực tuyến cần kết hơp cả hoạt động vui chơi với phương pháp giáo dục để cuốn hút các em vào buổi học. Điều đó cũng giúp tăng cường tính tương tác giữa GV và HS, HS với HS trong buổi học trực tuyến.

TS Vũ Việt Anh cũng nhấn mạnh: Để có một buổi dạy trực tuyến hiệu quả thì nội dung bài giảng cần được thiết kế có sự thay đổi, kết hợp đa dạng hợp lý các phương pháp giảng dạy khác như đồ họa, video, trò chơi, trắc nghiệm… Mỗi bài giảng là một sự chuẩn bị chu đáo của cả chuyên môn lẫn kĩ năng giảng dạy. Đặc biệt, với HS tiểu học đôi khi chỉ cần những lời nói ân cần, khích lệ pha lẫn hài hước… cũng đủ làm các em hứng thú hơn với học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ