Dạy trò cách tiêu tiền

GD&TĐ - Mới đây, Bộ GD Trung Quốc cho biết sẽ phối hợp với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán trong nước để tăng cường kiến thức tài chính cho giới trẻ nước này ngay từ cấp tiểu học. Theo đó, kiến thức về thị trường chứng khoán trong nước cũng như các thị trường tương lai sẽ bắt đầu được cung cấp trong SGK ở bậc tiểu học và THCS.

Trong giờ học giới thiệu về vùng phát triển kinh tế tại Việt Nam tại Trường TH Lý Thái Tổ (Hà Nội). Ảnh: Hữu Cường
Trong giờ học giới thiệu về vùng phát triển kinh tế tại Việt Nam tại Trường TH Lý Thái Tổ (Hà Nội). Ảnh: Hữu Cường

Không phải ngẫu nhiên mà thế hệ trẻ thường là nhóm đối tượng ưu tiên của các quốc gia thực thi Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. GD tài chính cho trẻ sẽ xây dựng kiến thức, kỹ năng, văn hóa nền tảng, hỗ trợ sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính và nền kinh tế, là tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của quốc gia. Ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Israel, Singapore, Malaysia…, trẻ em được GD về tiền và các kỹ năng quản lý tài chính, để thấm nhuần những thói quen tốt và có cách ứng xử đúng đắn về tiền ngay từ sớm, từ đó sống có trách nhiệm về tài chính với chính mình, gia đình và xã hội.

Mặc dù lợi ích thấy rõ cho mỗi gia đình và xã hội nhưng GD tài chính lại là một vấn đề khá mới mẻ tại Việt Nam. Quan niệm “trẻ em thì cần gì tiền”, “trẻ em biết đến tiền sớm là hư”, đã dẫn đến thực trạng không ít thanh thiếu niên thiếu hiểu biết về tài chính. Nhiều thanh thiếu niên chưa hiểu được giá trị của sức lao động, thiếu cân nhắc khi chi tiêu; không có kỹ năng quản lý tiền bạc một cách hiệu quả; chưa được cha mẹ quan tâm, hướng dẫn, ủng hộ tự quản lý tiền…

Đưa kiến thức về quản lý tài chính vào chương trình giảng dạy trong thời gian qua đã và đang được nhiều trường học nỗ lực, với mong muốn giúp cho HS nhận thức đúng về giá trị của tiền và sức lao động và từ đó biết sử dụng tiền một cách đúng đắn và hiệu quả. Tuy vậy, nhìn trên tổng thể, GD tài chính cho trẻ ở nước ta vẫn chưa đi vào một hệ thống có tính chiến lược, mà chỉ dùng lại ở sự nỗ lực của từng tổ chức trong xã hội, nhà trường, thậm chí từng giáo viên và phụ huynh.

Bởi lẽ, dù được GD tích hợp trong các môn học trong nhà trường, sinh hoạt ngoại khóa hay tới đây trong Chương trình GDPT mới sẽ dự kiến tích hợp xuyên môn, thì vấn đề quan trọng nhất của giáo dục tài chính là khung chương trình và giáo viên vẫn còn bỏ ngỏ.

GD tài chính cá nhân cần được định hình một khung chương trình giảng dạy GD xuyên suốt các cấp học, từ cấp 1 cho đến CĐ, ĐH với mục tiêu hình thành kiến thức tài chính vững mạnh và có hệ thống, định hình thói quen tốt cho thế hệ trẻ ngay từ bé. Tùy theo năng lực tiếp thu, tiếp nhận nguồn kiến thức ở mỗi cấp học mà đưa ra các chương trình học phù hợp. Để GD tài chính hiệu quả, cần đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo kĩ năng sư phạm nâng cao khả năng hiểu biết tài chính cá nhân cho giáo viên, để từ đó truyền đạt lại kiến thức cho HS.

Điều này rất quan trọng và hiệu quả, bởi nếu giáo viên không có đủ trình độ thì rất khó khăn trong việc giúp đỡ HS học tập đúng hướng và đạt kết quả cao nhất. Cần thiết phải phối hợp hài hòa giữa GD kiến thức trên lớp qua các môn học bắt buộc, các buổi hoạt động ngoại khóa và công nghệ thông tin cùng sự cộng hưởng của xã hội.

Để bắt kịp xu hướng thế giới, tăng cường hiểu biết tài chính, qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện và hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững, cần thiết phải sớm xây dựng và triển khai Chiến lược GD tài chính ở Việt Nam.

Thời gian qua, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức xã hội đã tổ chức nhiều hội thảo để nâng cao nhận thức về chiến lược GD tài chính học đường trong khuôn khổ chương trình đổi mới GDPT. Tuy nhiên, kinh nghiệm các quốc gia thực thi Chiến lược GD tài chính cũng cho thấy trách nhiệm không chỉ riêng mỗi nhà trường. Cần có sự chung tay góp sức của mỗi cơ quan công quyền cũng như của mỗi người dân, mới có thể triển khai thành công Chiến lược GD tài chính trên phạm vi toàn quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.