Khi con còn bé, chúng không hề có ý thức gì về giờ giấc, chúng hoạt động theo bản năng, từ học tập, vui chơi đến những sinh hoạt khác. Lúc này, mọi hành vi của con đều hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ.
Chúng ta cần dạy cho con hiểu rõ và tuân thủ giờ giấc ngay từ lúc trẻ còn nhỏ vì việc tuân thủ giờ giấc không những là một thói quen tốt có lợi cho trẻ mà có ảnh hưởng, liên quan trực tiếp, chặt chẽ với mọi người xung quanh.
Không thể cả nhà đi ngủ mà chúng còn xem tivi hay chơi game, không thể các bạn vào lớp học mà chúng còn nhởn nhơ ngoài sân trường…
Rất nhiều phương pháp hướng dẫn cho con biết tuân thủ giờ giấc và quý trọng thời gian. Nên bắt đầu ngay từ nhỏ để trẻ dần hình thành thói quen tốt
Để trẻ không tùy tiện xem thường giờ giấc, chúng ta nên tạo cho trẻ phản xạ có điều kiện ngay từ nhỏ. Chẳng hạn như sáng thức dậy phải đi vệ sinh, ăn sáng, đi học, trưa về dùng cơm đúng bữa với các thành viên trong gia đình, đi chơi phải về đúng giờ như lời hứa…
Tạo nền nếp này không khó, chỉ cần cha mẹ phải bền bỉ, thường xuyên ngay khi con còn nhỏ. Chúng ta vận dụng kỹ năng sao cho chúng thấy tuân thủ giờ giấc là sự mặc định một cách thoải mái, xem đó là điều tốt, là điều tự nhiên. Đứa trẻ nào cũng thích khen ngợi, hay nhận quà từ cha mẹ nên khi chúng thực hiện tốt giờ giấc qui định, chúng ta nên có phần thưởng, lời khen, nhằm khích lệ con.
Sự thiếu ý thức về giờ giấc còn phát sinh nhiều thói quen xấu. Thực tế cho thấy những đứa trẻ tỏ ra sợ khuôn phép giờ giấc thường học tập kém. Càng học tập kém, trẻ càng sợ giờ giấc. Đến giờ đi học là căng thẳng, nặng nề, tìm mọi cách đối phó để nghỉ học. Khi được nhắc nhở là chúng tìm cách trì hoãn, viện lý do này khác bằng cách nói dối.
Có câu: “thời giờ là vàng bạc”. Chúng ta cần giải thích cho trẻ hiểu rõ khái niệm này
Có câu: “thời giờ là vàng bạc”. Chúng ta cần giải thích cho trẻ hiểu rõ khái niệm này, phải cụ thể hóa một cách thuyết phục nhất. Có thể là nên nêu những tấm gương biết coi trọng thời gian đi đến thành đạt, thậm chí thành danh xung quanh trẻ, tạo cho chúng sự ngưỡng mộ với các nhân vật này.
Tôi có người bạn, vợ chồng anh đều là giáo viên. Anh luôn coi trọng thời gian sinh hoạt cho bản thân cũng như con cái. Thường thì anh lên lịch sinh hoạt cho con trong một tuần. Trong đó có vui chơi, giải trí, đi dã ngoại… Đầu tuần là anh thông qua khiến cho hai đứa con anh thích thú. Từ đó chúng luôn tuân thủ, tự điều tiết thời gian một cách vui vẻ, thoải mái trong mọi sinh hoạt. Anh còn tặng con những quyển sách viết về gương danh nhân, gương kiên nhẫn từ những nhân vật biết quí trọng thời giờ học tập, làm việc một cách nghiêm túc.
Từ sự hình thành nền tảng như thế ngay từ nhỏ nên các con của bạn tôi rất có ý thức về việc tuân thủ giờ giấc và quý trọng thời gian. Thường chúng có thói quen dứt khoát với lời rủ rê đi chơi của bè bạn khi chúng đang phụ việc nhà hay đang học bài. Chúng luôn coi trọng thời gian học tập và phụ giúp gia đình.
Sự thiếu ý thức về giờ giấc còn phát sinh nhiều thói quen xấu.
Rất nhiều phương pháp hướng dẫn cho con biết tuân thủ giờ giấc và quý trọng thời gian. Tuy nhiên, dù là phương pháp nào cũng nên bắt đầu ngay từ nhỏ để trẻ dần hình thành thói quen tốt trở thành bản chất. Có câu: “Gieo hiện tượng, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận”. Nếu vậy thì số phận của đứa trẻ phần lớn là do cha mẹ chúng quyết định.