Việc dạy học tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh DTTS tại địa bàn còn nhiều khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, các trường chủ động gỡ khó, có nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo mang lại hiệu quả tích cực.
Sáng tạo nhiều giải pháp
Năm học 2020 - 2021, Trường Mầm non Quảng An (xã Quảng An, huyện Đầm Hà) có 348 trẻ, trong đó hơn 76% trẻ là người DTTS. Trường có 6 điểm lẻ nằm cách xa nhau từ 3 - 6 km. Theo cô Hoàng Thị Tâm - Hiệu trưởng nhà trường, việc dạy học tiếng Việt cho trẻ có nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính do cơ sở vật chất của nhà trường còn hạn chế; đời sống nhân dân trên địa bàn khó khăn, phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em.
Tuy nhiên, với mục đích tăng cường cho HS kiến thức, kỹ năng sử dụng tiếng Việt để các em hoàn thành chương trình GD mầm non, vững vàng ngôn ngữ tiếp cận chương trình giáo dục ở các bậc học tiếp theo, nhà trường chủ động khắc phục khó khăn. Ngoài việc tham gia tập huấn đề án, kêu gọi sự giúp đỡ, hỗ trợ của các đoàn thể, địa phương, thầy cô cũng linh hoạt, vận dụng nhiều phương pháp tạo hứng khởi trong việc học tiếng Việt cho trẻ.
Theo đó, GV chú trọng trang trí lớp, tạo môi trường trong và ngoài lớp với các góc trang trí phù hợp vùng miền. Các góc học tập phong phú về hình ảnh, đa dạng về chất liệu, kết hợp chữ song ngữ ở tên các bảng biểu, đồ dùng đồ chơi, tên các cây hoa, cây xanh quanh khuôn viên nhà trường. Ở mỗi góc chơi, GV sử dụng nguyên vật liệu sẵn có của địa phương để trẻ tạo ra các sản phẩm đậm bản sắc văn hóa, giúp trẻ tăng cường tiếng Việt và tăng thêm lòng tự hào về dân tộc mình.
Cô Tô Thị Thanh Hương - GV Trường Mầm non Quảng An chia sẻ: Học sinh của trường thường nhút nhát, ngại giao tiếp. Môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt hạn chế và không thuần nhất là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành, phát triển kĩ năng sử dụng tiếng Việt ở trẻ gặp nhiều khó khăn.
“Ngay từ đầu năm học, tôi lên kế hoạch để duy trì sĩ số học sinh đạt tỉ lệ chuyên cần 97%. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, tôi tuyên truyền cho cha mẹ trẻ nội dung của các môn học, hoạt động ở bậc học mẫu giáo nhất là lớp 4 - 5 tuổi để phụ huynh hiểu và đồng hành”, cô Hương cho hay.
Trong giờ dạy, cô Hương thường đọc thơ, kể chuyện cho học trò. Cô lựa chọn bài thơ, câu chuyện ngắn, có nội dung hấp dẫn và luôn tạo ra tình huống vui nhộn để lôi cuốn trẻ vào giờ học bằng giọng nói lúc thanh, lúc trầm. Ngoài thời gian dạy học, cô còn tự tay làm đồ chơi cho học trò. Những món đồ chơi mới mẻ, lạ mắt thu hút trẻ. Qua vui chơi, trẻ thêm mạnh dạn, tự tin giúp trẻ được tăng cường tiếng Việt.
Linh hoạt gỡ khó
Trường Tiểu học Quảng Lâm (xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà) có 6 điểm trường, điểm xa nhất cách trường chính là 9km. Trường có 295 HS, trong đó học sinh DTTS chiếm 98%.
Cô Trần Thị Hiền - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS tại nhà trường còn khó khăn. Cụ thể, số HS trong độ tuổi chưa ra lớp và nghỉ học cách nhật còn cao; vẫn còn hiện tượng HS lưu ban, bỏ học. Cơ sở vật chất phòng học, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi, sách, tài liệu... còn thiếu nhiều.
Khắc phục tồn tại, từ đầu năm nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai công tác tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS. Đồng thời tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền và điạ phương đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ cho dạy và học; tranh thủ mọi sự ủng hộ cho giáo dục. Nhà trường luôn tạo điều kiện cho đội ngũ được tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận.
Bên cạnh việc giảng dạy chính khoá, nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khoá, nhằm phát huy được năng lực toàn diện, kỹ năng sống cho HS như: Thể dục dân vũ 24 bước, hoạt động giữa giờ, giao lưu bóng chuyền, đêm hội trăng rằm, quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung….
Theo cô Hiền, Trường Tiểu học Quảng Lâm đã lồng ghép nhiều giải pháp: Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ DTTS trong hè, trước khi vào lớp 1; tạo điều kiện cho học sinh DTTS học thêm buổi thứ hai; xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho HS thông qua dạy học và hoạt động giáo dục; tổ chức các trò chơi, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ; sử dụng hiệu quả các phương tiện hỗ trợ các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết... Tham mưu với các cấp lãnh đạo triển khai bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên là người Kinh công tác ở vùng DTTS.
“Nhờ đó, chất lượng dạy học cho học sinh DTTS có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 100%. Tỷ lệ HS lưu ban, bỏ học, HS chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng các môn học giảm so với năm học trước. Học sinh hoàn thành xuất sắc nội dung các môn học và rèn luyện tăng.
Qua các hoạt động, HS thêm tự tin, mạnh dạn, khả năng sử dụng tiếng Việt của các em được nâng lên. Khoảng cách chênh lệch về chất lượng đã thu hẹp một bước so với vùng đồng bằng”, cô Hiền nhận định.