Dạy thực chất, học thực chất

GD&TĐ - Dạy thực chất, học thực chất, đó là những gì chúng tôi cảm nhận được từ sự quyết tâm của các nhà giáo ngay trước thềm năm học 2019 - 2020. 

HS vùng lũ Quan Sơn (Thanh Hóa) trong lớp học lắp ghép. Ảnh: Thế Lượng
HS vùng lũ Quan Sơn (Thanh Hóa) trong lớp học lắp ghép. Ảnh: Thế Lượng

Điều đó càng được nhấn mạnh trong ngày khai giảng năm học mới. Hỏi một nữ GV vùng bán sơn địa thuộc tỉnh Bắc Giang về phương châm hành động cho năm học mới, chúng tôi ấn tượng mạnh với câu trả lời ngắn gọn, dứt khoát của cô rằng: Tất cả vì học thân yêu!

Cô nói, đó không chỉ là tâm nguyện, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của những người đứng trên bục giảng. Lý lẽ đơn giản của cô là, HS hạnh phúc mỗi khi đến lớp, đến trường là các cô cũng thấy hạnh phúc vô bờ. Và chỉ có vì HS thì mọi khó khăn, vất vả GV đều có thể vượt qua. Suy cho cùng, HS chính là nguồn cảm hứng, là động lực và là mục tiêu để các thầy cô phấn đấu hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, đó là “trồng người”.

Với đội ngũ nhà giáo, 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản của Bộ GD&ĐT chính là kim chỉ nam để họ thực hiện nhiệm vụ dạy - học trong năm học này. Chẳng thế mà trên khắp mọi miền của Tổ quốc, các trường học đã ổn định việc dạy - học ngay từ buổi học đầu tiên. Nhiều trường ngay sau lễ hội khai giảng năm học mới, đã có những bài học đầu tiên về “Tiên học lễ, hậu học văn” dành cho những học trò thân yêu.

Đó cũng là hiện thực hóa lời nhắn nhủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong ngày khai giảng: Năm học mới, bên cạnh tiếp tục dạy, học hiệu quả các môn văn hóa, mà người ta gọi là dạy chữ thì các thầy cô cũng cần quan tâm hơn đến GD đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS tức là dạy người, để các em HS phát triển toàn diện, phát huy năng lực sáng tạo. Dạy chữ đã quan trọng rồi, dạy người, dạy đạo đức, dạy lối sống văn hóa càng quan trọng hơn trong thời kỳ chúng ta hội nhập sâu rộng.

Trò chuyện với các GV từ miền ngược, cho đến miền xuôi, từ những vùng “rốn lũ” cho đến những vùng núi cao mới thấy, khí thế quyết tâm của các nhà giáo. Với họ, nghiêm túc, chất lượng ngay từ bài học đầu tiên sẽ là nguồn cảm hứng và động lực để họ bắt nhịp với những nhiệm vụ mới của năm học này.

Ai cũng biết, năm học 2019 - 2020 là năm học “nước rút” chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình GDPT mới. Nói như nhiều GV thì đây là năm học của niềm tin, hy vọng với những “bội thu” cả về chất và lượng; tạo tiền đề vững chắc để sang năm học tới chúng ta thực hiện Chương trình GDPT, SGK mới.

Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương luôn quan tâm, đầu tư về đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học. Niềm vui như được nhân đôi khi mà GD ngày càng nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự chung tay của toàn xã hội. Chẳng thế mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhấn mạnh, sự nghiệp GD, phát triển đất nước là sự nghiệp chung của 54 dân tộc anh em.

Chứng kiến cuộc thảo luận nhanh của tổ nhóm lớp 1 ở một trường vùng cao trong ngày đầu tiên của năm học mới tôi thấy, đội ngũ GV của chúng ta luôn sẵn sàng chủ động và sáng tạo. Những trăn trở của GV về việc dạy theo phương pháp này hoặc phương pháp kia để sát với Chương trình GDPT, SGK mới đã gieo thêm niềm tin về những thành công đang đón đợi ở phía trước. Dẫu biết rằng, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng khi thầy cô giáo chúng ta đồng lòng, quyết tâm vượt qua thì chắc chắn GD sẽ có những chuyển biến rõ nét cả về chất và lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ