Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật: Kết quả còn khiêm tốn

Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật: Kết quả còn khiêm tốn

(GD&TĐ) - Người khuyết tật (NKT) là đối tượng xã hội luôn tồn tại. Dạy nghề và tạo việc làm, hỗ trợ, giúp đỡ NKT ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng là việc làm có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội và tính nhân văn sâu sắc. Để làm tốt việc này, theo ý kiến của các chuyên gia thì cần phải có khảo sát, thống kê phân loại NKT theo dạng tật và khả năng lao động, từ đó nghiên cứu ban hành các danh mục nghề đào tạo phù hợp, phát triển các mô hình dạy nghề tạo việc làm cho NKT…

Nhiều khó khăn

Phát triển các mô hình dạy nghề và tạo việc làm sẽ mở ra nhiều cơ hội hòa nhập cho người khuyết tật
Phát triển các mô hình dạy nghề và tạo việc làm sẽ mở ra nhiều cơ hội hòa nhập cho người khuyết tật

Mặc dù có hệ thống chính sách hỗ trợ, tuy nhiên kết quả dạy nghề và giải quyết việc làm cho NKT những năm qua còn rất khiêm tốn. Ông Đào Mạnh Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Công tác HSSV - Tổng cục Dạy nghề cho biết: Hiện số người được dạy nghề cả nước hàng năm đã đạt khoảng 1,5 triệu người/năm, nhưng số NKT được dạy nghề chỉ khoảng 5 - 6 nghìn người/năm, chiếm 0,4% trên tổng số người được dạy nghề hàng năm, trong khi đó tỷ lệ NKT chiếm tới 8% dân số. Theo báo cáo của các địa phương giai đoạn 2006 – 2010, tổng số NKT được dạy nghề gần 30 nghìn người, chỉ đạt 37,5% mục tiêu đề ra theo quyết định số 239/2006/QĐ - TTg ngày 24/10/2006 của Chính phủ, trong đó chỉ gần 16 nghìn người được tạo việc làm, số còn lại là cải thiện việc làm.

Lý giải cho những kết quả còn rất khiêm tốn này, ông Thủy đã chỉ ra một số nguyên nhân: Đại bộ phận NKT có hoàn cảnh khó khăn, trình độ văn hóa thấp nên dù có chính sách hỗ trợ nhưng nhiều NKT vẫn không thể tự đảm bảo các chi phí cần thiết cho việc học nghề và tạo việc làm; NKT là đối tượng đặc thù, tuy số lượng lớn nhưng có nhiều dạng khuyết tật và cư trú rải rác rộng khắp trên cả nước, mỗi dạng tật chỉ phù hợp với một số nghề nhất định nên dạy nghề cho họ có nhiều khó khăn và chi phí cũng cao hơn so với dạy nghề thông thường.

Thêm vào đó là cơ chế thị trường hướng tới mục tiêu lợi nhuận, đã trở thành “lực cản” đối với dạy nghề và giải quyết việc làm cho NKT; sự quan tâm chưa đúng mức của các bộ, ngành liên quan… Còn ông Nguyễn Đình Liêu - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết: Hiện nay, với NKT ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, việc đào tạo nghề và tạo việc làm sau học nghề đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Nếu như NKT khu vực thành thị có cơ hội tìm việc làm phù hợp trong nhiều công ty với mô hình và loại hình công việc đa dạng, thì ở vùng sâu vùng xa, ngay cả người khỏe mạnh bình thường muốn tìm công việc ổn định cũng là điều khó. Đây được cho là một trong những khó khăn lớn mà nếu không có sự chung tay của cả cộng đồng, thì NKT dù có nỗ lực đến đâu cũng khó thoát cảnh thất nghiệp và nghèo khó.

Giải pháp bền vững

Từ thực tế này cho thấy, cần có những giải pháp và hành động mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng, tạo điều kiện cho NKT phát huy khả năng bản thân, ổn định cuộc sống và hòa nhập. Trong đó việc phát triển các mô hình dạy nghề và tạo việc làm cho NKT của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm mở rộng cơ hội cho NKT là nhóm giải pháp mang tính bền vững để thực hiện mục tiêu đến 2015, dạy nghề và tạo việc làm cho 250 nghìn NKT, giai đoạn 2016-2020 là 300 nghìn NKT, theo quyết định 1019/QĐ – TTg ngày 5/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, cũng cần hỗ trợ và nhân rộng những cách làm hiệu quả của những tổ chức, doanh nghiệp đã có thành tích trong công tác hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Nguyễn Trọng Đàm cho rằng: Thời gian tới, các bộ, ngành chức năng cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các trường tạo điều kiện, cơ hội để NKT được học nghề hòa nhập với người bình thường, phát huy tiềm năng của các cơ sở dạy nghề, đa dạng hóa ngành nghề và cách thức thực hiện, phải có cơ chế đặt hàng đối với các tổ chức, cá nhân, cơ sở hội của người khuyết tật và hình thành một mạng lưới có sự tham gia của các tổ chức hội.

Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2009 do Tổng cục Thống kê tiến hành thì số người khuyết tật (NKT) trên phạm vi cả nước là 6,7 triệu người. Đa số NKT ở nước ta sống ở nông thôn (chiếm 87,3%) với các điều kiện về cơ sở hạ tầng, điều kiện sống, phương tiện sinh hoạt chuyên dùng còn nhiều thiếu thốn, do vậy họ gặp nhiều trở ngại về đi lại và giao tiếp với cộng đồng, xã hội. Khoảng 70% NKT không thể sống tự lập, phải sống dựa vào gia đình, chỉ khoảng 25% trong số này có hoạt động tạo thu nhập, tuy nhiên nhìn chung công việc không ổn định và thu nhập thấp.

Anh Quang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.