Tăng nguồn thu cho cơ sở đào tạo từ khoa học - công nghệ

GD&TĐ - Nguồn thu của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay chủ yếu là từ nguồn thu học phí, chiếm khoảng 90%; mức thu có tăng trưởng nhưng chủ yếu là do tăng học phí. Nguồn thu từ khoa học và chuyển giao công nghệ thường rất thấp. 

Tăng nguồn thu cho cơ sở đào tạo từ khoa học - công nghệ

Trong khi đó, nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

Nguồn thu mất cân đối và thiếu tính bền vững

Đánh giá về thực trạng một số chỉ số đảm bảo chất lượng chính từ kết quả đánh giá và thẩm định 20 trường ĐH tốp trên (trong năm 2016), theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐHQG Hà Nội: “Nguồn thu của các trường mất cân đối và thiếu tính bền vững, chủ yếu là từ học phí, chiếm trên 90%; mức thu có tăng trưởng nhưng chủ yếu là do tăng học phí, chính vì vậy còn thiếu đa dạng và có tính rủi ro cao do dựa vào kết quả và quy mô tuyển sinh.

Nguồn thu từ khoa học và chuyển giao công nghệ thấp, trung bình khoảng 10 tỷ/trường, chiếm khoảng dưới 10% tổng thu, có nhiều trường chỉ khoảng 3%; cân đối thu – chi từ khoa học công nghệ âm, tức là thu không đủ chi cho khoa học, lạm chi vào nguồn học phí và nguồn khác; hầu hết các trường chưa có những sản phẩm khoa học công nghệ đem lại nguồn thu đáng kể”.

Có một tình trạng chung của các cơ sở GDĐH là cơ cấu chi mất cân đối, chủ yếu chi cho đào tạo với trên 95%; “chi cho bồi dưỡng cán bộ, mua sắm học liệu quá thấp, thậm chí chỉ vài chục ngàn/người học/năm; chi tiêu cho học bổng, chi tiêu cho nghiên cứu khoa học của cán bộ và sinh viên thấp hơn nhiều so với quy định” – GS.TS Nguyễn Quý Thanh nhận xét.

PGS.TS Võ Trung Hùng - Trưởng ban Khoa học Công nghệ, ĐH Đà Nẵng nhận xét: “Khâu yếu nhất của các trường ĐH hiện nay là mảng ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Chúng ta không có kinh nghiệm “bán hàng” nên để sản phẩm có thể ứng dụng thì phải thông qua các công ty, doanh nghiệp có thế mạnh về kinh doanh, có một lượng lớn khách hàng thì mới có thể nhanh chóng đến tay người dùng.

Ở các trường ĐH, viện nghiên cứu ở nước ngoài, mỗi lần có hội thảo nghiên cứu khoa học là doanh nghiệp tự tìm đến, thấy đề tài nào có thể ứng dụng trong thực tiễn được là họ đặt vấn đề mua ngay. Ở Việt Nam, nếu giảng viên nào muốn đề tài nghiên cứu của mình được ứng dụng trong thực tế thì thường phải tham gia từ khâu nghiên cứu cho đến khi có sản phẩm hoàn chỉnh”.

Gắn kết chặt chẽ trong NCKH

Chỉ tính riêng trong năm 2016, doanh thu từ các trung tâm NCKH và chuyển giao công nghệ của ĐH Đà Nẵng là trên 35 tỷ đồng. Đây là cơ hội để ĐH Đà Nẵng đa dạng hóa nguồn thu khi nguồn thu từ thu phí và lệ phí chỉ chiếm từ 55 - 57%. GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: “ĐH Đà Nẵng đã thiết lập được các mối quan hệ chặt cẽ với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trong vùng.

Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học công nghệ, ĐH Đà Nẵng đã đẩy mạnh hợp tác với các sở ban ngành và các doanh nghiệp lớn tại các tỉnh, thành miền Trung – Tây Nguyên triển khai nhiều đề tài nghiên cứu gắn với thực tiễn địa phương và doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực, tiêu biểu là các khu công nghiệp, công nghệ cao Đà Nẵng, khu Lọc hóa dầu Dung Quất, Ô tô Chu Lai Trường Hải, FPT Đà Nẵng…”.

Tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp, kết hợp với địa phương trong hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ cũng như gắn hoạt động nghiên cứu với thực tiễn, tăng cường hợp tác quốc tế là “công thức” chung của các trường ĐH để tăng nguồn thu từ NCKH.

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đang hoàn tất thủ tục sáp nhập các trung tâm chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) của trường để thành lập Viện KHCN trường ĐH Bách khoa. Từ năm 2012 đến nay, nguồn thu từ các trung tâm chuyển giao KHCN của nhà trường tăng đều qua các năm, từ 12,2 tỷ đồng năm 2012 lên đến 23,1 tỷ đồng năm 2015. PGS.TS Nguyễn Đình Lâm – Trưởng phòng KHCN và Hợp tác quốc tế, trường ĐH Bách khoa - cho biết: “Sản phẩm KHCN của nhà trường rất đa dạng và gắn liền với các lĩnh vực đào tạo, đặc biệt là trong các lĩnh vực điện, xây dựng, cơ khí và nhiệt điện lạnh”.

Việc tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học theo như đánh giá của PGS.TS Nguyễn Đình Lâm, đã góp phần đắc lực cho việc ký kết và triển khai hợp tác giữa nhà trường với các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục và nghiên cứu trong và ngoài nước. Như chỉ với Hội thảo Các tiến bộ trong kỹ thuật vì sự phát triển bền vững, nhà trường đã ký kết 7 văn bản hợp tác với doanh nghiệp và trường ĐH trong và ngoài nước.

Trong hệ thống phân loại xếp hạng các trường đại học, NCKH luôn chiếm vị trí, vai trò quan trọng. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nêu quan điểm: “NCKH trong các trường ĐH, trước hết là nhằm tạo tác động trở lại để nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới phương pháp, đổi mới nội dung kiến thức được truyền thụ đến người học, bảo đảm rằng đó là kiến thức luôn luôn mới, không lạc hậu với bối cảnh phát triển nhanh chóng của thời đại, song song đó, phải huấn luyện các kỹ năng của môi trường lao động hiện đại”.

Chính vì vậy, cơ sở để Chính phủ giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH luôn xem xét đến khả năng đa dạng hóa nguồn thu từ hoạt động NCKH, chứ không chỉ đơn thuần là nguồn thu từ học phí. Đây cũng chính là kinh nghiệm tự chủ của các trường ĐH trên thế giới.

Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng là một trong 16 trường trong nhóm các trường thí điểm thực hiện tự chủ đại học, PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên – Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Nhà trường vẫn xem hợp tác quốc tế và NCKH là một hướng chủ đạo để tăng cường năng lực tài chính của mình. Nhà trường đã chuẩn bị vấn đề này trong nhiều năm qua thông qua kinh nghiệm các dự án quốc tế và các đề tài khoa học trong nước. Nhà trường cũng đã tuyển những nghiên cứu viên để thực hiện các hoạt động nghiên cứu song hành với hoạt động giảng dạy”.

Năm 2016, tổng nguồn thu của trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng từ hoạt động NCKH từ các đề tài khoa học ở các địa phương và nguồn thu từ các dự án quốc tế của trường ĐH Kinh tế là 10,7 tỉ đồng – một con số khá ấn tượng của một trường thuộc khối kinh tế.

Đào tạo và NCKH là hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các trường đại học. Trong đó, NCKH là để tác động trở lại nâng cao chất lượng đào tạo rồi mới tính đến chuyển giao sáng chế, phát minh, nghiên cứu ra bên ngoài. Trong đó, tăng nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ là một trong những dấu hiệu thể hiện sự phát triển của khoa học và công nghệ của một cơ sở giáo dục ĐH.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ