Dạy môn Giáo dục địa phương không còn truyền thụ một chiều

GD&TĐ - Tuy là nội dung mới nhưng các tiết học môn Giáo dục địa phương đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía học sinh và giáo viên.

Học sinh Trường THCS Duy Tân (Hải Dương) tìm hiểu về nghệ thuật múa rối nước của Hải Dương.
Học sinh Trường THCS Duy Tân (Hải Dương) tìm hiểu về nghệ thuật múa rối nước của Hải Dương.

Phát huy phẩm chất, năng lực

Tiết học giáo dục địa phương lớp 7 của học sinh Trường THCS Duy Tân (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) về múa rối nước nằm trong chủ đề “Nghệ thuật truyền thống của Hải Dương” diễn ra rất sôi động. Trên bục giảng được sân khấu hóa, em Phạm Quỳnh Anh vừa đóng vai nghệ nhân vừa hát vừa điều khiển con rối. Hưởng ứng tiết mục này, các bạn trong lớp cùng vỗ tay, hát đối.

Quỳnh Anh cho biết, nhóm đã mất hơn 1 ngày để chuẩn bị mô hình và nội dung thuyết trình. “Khi làm mô hình, em và các bạn đã nắm được nhiều thông tin về nghệ thuật múa rối nước của Hải Dương. Môn học rất hữu ích, giúp em hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, con người nơi mình sinh sống, đồng thời cũng giải tỏa sau những giờ học căng thẳng”, Quỳnh Anh tâm sự.

Để hấp dẫn học sinh, giáo viên bắt đầu tiết học bằng trò chơi khởi động nhằm ôn lại kiến thức cũ. Thông qua tranh vẽ, sơ đồ tư duy, mô hình múa rối nước, video, đại diện 3 nhóm trong lớp lần lượt trình bày về 3 phường múa rối nước ở Hải Dương. Học sinh đóng vai khán giả, nghệ nhân để hỏi và trả lời. Giáo viên nhận xét, đồng thời rút ra bài học và kiến thức cần ghi nhớ.

Cô Lê Thị Hồng Nhung, giáo viên Trường THCS Duy Tân cho biết: Tiết học không còn truyền thụ một chiều mà chuyển sang dạy cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất cho học sinh. Giáo viên linh hoạt phương pháp giảng dạy nhưng vẫn bảo đảm học sinh tự hoàn thành nhiệm vụ, tự chiếm lĩnh kiến thức.

Tiết học giáo dục địa phương tại Trường THPT Thanh Miện (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) cũng sôi động không kém. Để kiểm tra kiến thức cũ và dẫn dắt vào bài học mới, giáo viên cho học sinh khởi động với những câu hỏi và trả lời về một số di tích nổi tiếng trong tỉnh như Côn Sơn, Kiếp Bạc.

Vào bài học, học sinh được xem video giới thiệu về Văn miếu Mao Điền, truyền thống khoa bảng của xứ Đông xưa. Sau đó, học sinh được tìm hiểu về những bảo vật quốc gia tiêu biểu của Hải Dương. Từ thông tin tìm hiểu trước, các em thuyết trình về những bảo vật quốc gia của tỉnh. Giáo viên liên tục đặt câu hỏi hoặc gợi mở để học trò trả lời những thông tin về văn hóa, lịch sử có liên quan đến bài học.

Em Đặng Đức Hiếu, học sinh lớp 10D, Trường THPT Thanh Miện chia sẻ: “Môn học giúp em hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, truyền thống, đời sống tinh thần của người dân địa phương. Môn học còn bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, tự hào truyền thống hiếu học của xứ Đông, đồng thời thôi thúc em cố gắng học tập để phát huy văn hóa tốt đẹp của quê hương”.

Học sinh Trường THCS Hoàng Mai (Hà Nội) tìm hiểu về những đặc sản của quận Hoàng Mai qua giờ học giáo dục địa phương.

Học sinh Trường THCS Hoàng Mai (Hà Nội) tìm hiểu về những đặc sản của quận Hoàng Mai qua giờ học giáo dục địa phương.

Bảo tồn giá trị văn hóa quê hương

Giờ học giáo dục địa phương của các em học sinh lớp 6A1, Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) diễn ra sôi nổi, hào hứng. Dưới sự dẫn dắt của cô Trần Thị Thu Trang, học sinh được tìm hiểu về đời sống xã hội của cư dân Hà Nội từ thời tiền sử đến thời Văn Lang Âu Lạc.

Với các bức tranh mô phỏng 3D cuốn hút, cuộc sống sinh hoạt vật chất và tinh thần của cư dân Văn Lang xưa được diễn tả rõ ràng. Qua bài học, học sinh còn được tìm hiểu về đời sống vật chất của cư dân địa phương, học về kiểu dáng, hoa văn, họa tiết của trống đồng, quá trình biến đổi thích nghi trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Văn Lang.

Tại lớp 6A2, cô Bùi Thị Hà đã dẫn dắt các em đến với nét đẹp, độc đáo tinh tế trong phong cách, nếp sống người Hà Nội cùng với những tính cách hiền hòa, chịu thương chịu khó của người dân Kẻ Chợ - kinh thành Thăng Long xưa. Đặc biệt, các em được xem những thước phim thấm thía về tình cảm gia đình.

Nhiều em đã xúc động và gọi điện chia sẻ, cảm ơn thầy cô đã giúp bản thân cảm nhận được tình yêu thương gia đình; hiểu sợi dây tình cảm gắn bó trong mỗi gia đình người Hà Nội qua bao thế hệ. Các em còn được tìm hiểu về nét đặc trưng ẩm thực của Hà Nội nói chung và Hoàng Mai nói riêng như món ăn: Chả cá lã Vọng, cốm làng Vòng hay món bánh cuốn Thanh Trì gần gũi, giản dị mà thân thương.

Còn tại lớp 6A3, học sinh tham gia tiết học tìm hiểu về văn học dân gian thời kỳ dựng nước qua sự hướng dẫn của cô giáo Bùi Thị Cúc. Học sinh được tham gia trò chơi mini game khám phá nền văn học Việt Nam cổ đại với các câu chuyện cổ tích, thần thoại phong phú, đặc sắc. Tìm hiểu hệ thống thể loại các tác phẩm văn chương thời kỳ dựng nước không phải bằng những khái niệm đơn thuần, các em được trực tiếp nghe các làn điệu dân ca, câu đối đáp đầy biến tấu của nhân dân trong hội làng, dịp lễ. Tiết học sáng tạo như một cuộc dạo chơi, khiến học sinh hào hứng.

Cô Phạm Trâm Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Mai chia sẻ: Giáo dục địa phương rất cần thiết, bổ ích bởi đem lại nhiều kiến thức về địa phương cho các em. Những nội dung gần gũi với cuộc sống đã giúp trò hiểu bài, có những trải nghiệm thú vị.

Trước khi triển khai chương trình mới, ban giám hiệu nhà trường đã cùng các thầy cô giáo xây dựng hệ thống bài giảng xuyên suốt 4 năm học liên tiếp. Với sự dạy dỗ ân cần, tận tình, trách nhiệm của các thầy cô, nội dung giáo dục địa phương thực sự giúp học sinh tự tin, hiểu biết hơn, thêm gắn bó, yêu thương mảnh đất nơi mình đang sinh sống.

Sau gần 1 học kỳ triển khai môn Giáo dục địa phương, thầy Vũ Trọng Tùng, giáo viên Trường THPT Thanh Miện nhìn nhận: Hoạt động dạy học đã ổn định, nền nếp, thu hút được sự quan tâm của học sinh. Để giảng dạy môn học hiệu quả, thầy đã áp dụng phương pháp dạy học hiện đại thông qua các mô hình, bức vẽ, sơ đồ tư duy, tạo cơ hội cho học sinh trình bày trước lớp để nhớ kiến thức lâu hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ