(GD&TĐ)-Công an TP Hà Nội đã bắt đầu triển khai việc phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, phòng, chống đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, phòng, chống bạo lực học đường tại một số trường học trên địa bàn.
Tình trạng vi phạm quy định về trật tự ATGT ở HSSV diễn ra phổ biến |
Hiện nay, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm TTATGT nói riêng, vi phạm pháp luật nói chung ngày càng đáng báo động. Số vụ việc vi phạm luật giao thông do học sinh gây ra chưa giảm. TNGT liên quan đến người điều khiển phương tiện trong lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường chiếm đến hơn 30% số vụ.
Theo số liệu của CA thành phố, trong vòng hơn một năm qua, đã có gần 50 vụ việc có tính chất bạo lực học đường xảy ra. Trong khi đó, các biện pháp giáo dục, kỷ luật học sinh mới chỉ dừng lại ở góc độ nhà trường nên chưa hiệu quả.
Theo đánh giá của cơ quan CA, hầu hết các vi phạm, tai nạn trong lĩnh vực giao thông xảy ra đối với học sinh, sinh viên là do thiếu hiểu biết về luật cũng như các quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông. Với các loại vi phạm pháp luật khác, nhất là nạn bạo lực học đường, nhiều học sinh vi phạm cũng không hiểu hết tính chất nguy hiểm của hành vi, nhiều em vi phạm pháp luật do bột phát, bị lôi kéo, rủ rê mà không ý thức được mình đang vi phạm.
Vì thế, CA TP sẽ tiến hành tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, phòng, chống đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh. Các báo cáo viên của CA TP sẽ trình bày trực tiếp kết hợp với phát tờ gấp có nội dung giới thiệu những quy định cụ thể về xử phạt một số hành vi vi phạm hành chính đối với người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ; xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ, người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, các nội dung của Bộ luật Hình sự về người chưa thành niên vi phạm pháp luật…
Theo Đại tá Nguyễn Đức Chung - Phó Giám đốc CATP Hà Nội thì biện pháp tuyên truyền, giáo dục cho HSSV cần phải ngắn gọn, súc tích và sinh động; báo cáo viên tuyên truyền pháp luật đến trường không cần nói quá dài, nên cô đọng lại trong khoảng 1 giờ, nêu bật được cho các em: Cái gì được làm và cái gì không được phép làm.
Tại buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật đầu tiên được tổ chức điểm tại Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) ngày 12-9 vừa qua, lãnh đạo các sở, ngành và nhà trường đều thừa nhận một thực tế khó phủ nhận là công tác giáo dục pháp luật về TTATGT trên ghế nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, dường như cả xã hội lẫn gia đình đều chỉ trông chờ vào các biện pháp giáo dục, kỷ luật của nhà trường. Như cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú tâm sự thì nhà trường đang khá "đơn thương độc mã" trong việc giáo dục pháp luật cho học sinh.
Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại nhà trường, vai trò phối hợp của gia đình trong công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật là rất quan trọng. Trung tá Lương Đình Hợi, báo cáo viên của Phòng CSGT - CATP cho biết, thực tế là nhiều vi phạm của học sinh do chính gia đình "vô tình" dung túng. Chẳng hạn, phụ huynh học sinh chở con em đi học bằng mô tô mà không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành các quy định về giao thông... Những hành vi "dễ dãi" đó của phụ huynh sẽ phá hỏng công sức tuyên truyền, giáo dục của nhà trường và các cơ quan chức năng, góp phần tạo nên lối sống vô kỷ luật, hình thành những nhận thức sai lệch của học sinh trong việc chấp hành pháp luật trên nhiều lĩnh vực khác.
Hồng Ngọc