Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài

GD&TĐ - Đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số là nội dung quan trọng trong Chỉ thị về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chỉ thị  14/CT-TTg do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kí ngày 25/5/2021 nêu rõ: Trong giai đoạn 2011-2020, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã được Hội Khuyến học Việt Nam cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành tích cực triển khai trên địa bàn 63 tỉnh/thành phố của cả nước.

Dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự hỗ trợ hiệu quả của các doanh nghiệp, sự vào cuộc, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, ngành Giáo dục và các cấp Hội Khuyến học đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong nhân dân; qua đó nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của chủ trương xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi người.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; chú trọng nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo từ xa, tăng cường xây dựng, khai thác, tích hợp, chia sẻ nguồn học liệu mở, các khóa học trực tuyến mở đại chúng trong các cơ sở giáo dục đại học.

Đa dạng hóa nội dung giáo dục, đào tạo, đổi mới các hình thức học tập, thực hành phong phú, linh hoạt, coi trọng tự học và giáo dục từ xa trong các cơ sở giáo dục thường xuyên nhằm bảo đảm cơ hội cho mọi người, nhất là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, các đối tượng chính sách được học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng cuộc sống.

Tăng cường ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động dạy và học; chỉ đạo địa phương có kế hoạch giảng dạy và học tập cho phù hợp với yêu cầu thực tế của học sinh, sinh viên, học viên, phụ huynh và xã hội, cũng như yêu cầu phòng, chống dịch trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý giáo dục theo hướng tiếp cận công nghệ, quản lý nhà trường theo hướng mở, kết nối, dùng chung hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu lớn. Huy động đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trong ngành Giáo dục chủ động, tích cực tham gia xây dựng, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên giáo dục mở và tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập của các địa phương; rà soát, hoàn thiện quy chế kiểm tra, công nhận kết quả học tập giáo dục thường xuyên.

Chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tham mưu Thủ tướng Chính phủ có giải pháp liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ hội học tập liên tục nhằm nâng cao trình độ.

Nghiên cứu đổi mới mô hình trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả và tổ chức thí điểm để triển khai nhân rộng trong cả nước. Tăng cường công tác chỉ đạo và đề ra những giải pháp thiết thực nâng cao tỷ lệ và chất lượng xóa mù chữ; chú trọng đối tượng là người mù chữ  vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc, bồi dưỡng thường xuyên đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Xem văn bản tại đây >>>

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ