Những bước chuẩn bị
Để có bài dạy với bản đồ tư duy thực sự hiệu quả, việc đầu tiên là phải chuẩn bị chu đáo trước giờ dạy ở cả học sinh và giáo viên.
Học sinh chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng cần thiết để vẽ bản đồ tư duy (BĐTD) trong tiết học Lịch sử bao gồm: Bút chì, tẩy, bút màu hoặc sáp vẽ; chất liệu như giấy khổ A4 hoặc giấy bìa (lịch cũ, ...)
Cùng với đó là chuẩn bị kĩ bài học ở nhà bằng cách đọc thông tin, sưu tầm tư liệu, tranh ảnh liên quan đến sự kiện hay nhân vật lịch sử của bài học trên sách báo, mạng internet, ...
Chủ động trong các kỹ năng hoạt động như: nghiên cứu, thảo luận, tranh luận, làm việc theo nhóm, làm việc cá nhân; trình bày, báo cáo kết quả...; có thái độ hợp tác vui vẻ, thoải mái, chủ động, tích cực.
Đối với giáo viên, để sử dụng BĐTD vào dạy học đạt hiệu quả, cần xây dựng kế hoạch bài giảng chu đáo, thiết kế bài giảng chi tiết, phù hợp với yêu cầu kiến thức cần đạt và đối tượng học sinh trong lớp.
Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các thiết bị dạy học, tư liệu, thông tin cần thiết để hướng dẫn học sinh xây dựng được BĐTD một cách hiệu quả nhất.
Hoạt động củng cố là một hoạt động vô cùng quan trọng trong việc củng cố và khắc sâu kiến thức trọng tâm của bài học. Tuy nhiên, thời gian dành cho hoạt động củng cố là rất ít, chỉ khoảng từ 3 - 5 phút.
Vì vậy, khi thiết kế trò chơi bằng BĐTD để củng cố bài, giáo viên có thể thiết kế bằng nhiều hình thức khác nhau thông qua việc phối kết hợp nhịp nhàng giữa thầy và trò để đảm bảo về thời gian cũng như kiến thức trọng tâm cần củng cố.
Cần có thời gian tổ chức cho học sinh làm quen và hướng dẫn học sinh tìm hiểu về BĐTD để thấy được vai trò, sự cần thiết của BĐTD trong giờ học Lịch sử, từ đó hướng dẫn các em biết cách thiết kế và sử dụng BĐTD sao cho hiệu quả.
Bên cạnh đó, sử dụng thành thạo phần mềm iMindmap để thiết kế BĐTD khi dạy học bằng giáo án điện tử hoặc thiết kế trò chơi dạy học bằng BĐTD trong các phần củng cố bài học.
Hướng dẫn học sinh làm quen với BĐTD
Để thực hiện bước này, trước tiên giáo viên cho học sinh quan sát hình ảnh về BĐTD, tìm hiểu về BĐTD trong tài liệu do giáo viên chuẩn bị.
Trong quá trình quan sát, giáo viên lưu ý học sinh chú ý đến các cụm từ ngắn gọn (từ khóa, ý chính), hình vẽ, màu sắc, hình ảnh liên tưởng đến nội dung thể hiện trong BĐTD.
Giáo viên có thể cho học sinh làm quen, đọc hiểu BĐTD bằng cách giới thiệu cho học sinh một số BĐTD do mình tự thiết kế sẵn hoặc sưu tầm.
Cho học sinh quan sát, tìm hiểu một vài BĐTD và tập thuyết trình, diễn giải mạch lạc nội dung, chi tiết kết hợp với thao tác chỉ dẫn kiến thức có trong BĐTD.
Hướng dẫn học sinh cách đọc BĐTD: Nếu không có số thứ tự, đọc từ trong (chủ đề chính) ra ngoài, từ trái sang phải, từ trên xuống dưới; có số thứ tự, đọc theo các số từ bé đến lớn.
Hướng dẫn học sinh vẽ BĐTD
Trước tiên, giáo viên dạy học sinh cách thiết kế BĐTD bằng cách cho học sinh hoàn thiện các BĐTD do giáo viên vẽ sẵn nhưng thiếu nhánh, thiếu nội dung…
Học sinh dùng bút chì, bút màu vẽ thêm nhánh, điền thêm kiến thức, vẽ thêm hình ảnh liên tưởng,... theo gợi ý của giáo viên.
Cần để học sinh vẽ thật thoải mái sau đó ngắm lại “tác phẩm”của mình và hoàn thiện gọn gàng bố cục.
Học sinh thực hành vẽ BĐTD trên giấy, bìa, bảng
Việc này có thể qua các thao tác cụ thể như sau :
Thao tác 1: Chọn từ trung tâm ( từ khóa, hình vẽ, biểu tượng) cho một nội dung lớn của bài học.
Ví dụ: Cuộc phản công ở kinh thành Huế; Nội dung cơ bản Hiệp định Pa-ri; Phan Bội Châu, …
Thao tác 2: Vẽ nhánh cấp 1. Các nhánh cấp 1 thể hiện các nội dung chính của bài hay của từng phần.
Thao tác 3: Vẽ nhánh cấp 2, cấp 3,… Thao tác này là quá trình lặp lại của thao tác 2, các cụm từ ghi ở thao tác 2 trở thành từ khoá của nhánh cấp 3, cấp 4.
Thao tác 4: Hoàn thiện Bản đồ tư duy.
BĐTD là một sơ đồ mở, mỗi người có thể vẽ theo một cách khác nhau, dùng hình ảnh khác nhau, màu sắc khác nhau để chuyển tải nội dung phù hợp với năng khiếu thẩm mỹ riêng. Vì vậy có thể bổ sung nhánh, tô màu, hoặc bớt nhánh nếu cần thiết.
Các hoạt động dạy học trong tiêt Lịch sử có thể sử dụng BĐTD
Các hoạt động dạy học trong tiêt Lịch sử có thể sử dụng BĐTD gồm:
Kiểm tra bài cũ: Dùng sơ đồ mở (giáo viên vẽ sẵn, học sinh điền thông tin) ; học sinh vẽ BĐTD đơn giản theo nội dung yêu cầu.
Dạy kiến thức mới: Nếu theo hình thức cuốn chiếu, giáo viên hướng dẫn học sinh vẽ sơ đồ theo từng phần của nội dung bài học. Một bài học có thể vẽ vài BĐTD khác nhau.
Nếu theo hình thức mảnh ghép: Có thể cho mỗi nhóm vẽ một phần nội dung của bài học rồi tổng hợp lại thành nội dung bài học lớn.
Phần củng cố: Có thể cho học sinh vẽ BĐTD để tổng hợp, củng cố kiến thức từng phần hoặc cả bài. Hoặc cũng có thể tổ chức trò chơi hình thành BĐTD theo hệ thống câu hỏi gợi mở.
Các hoạt động trong bài ôn tập: Có thể cho học sinh vẽ BĐTD để ôn tập từng sự kiện hay cả một giai đoạn lịch sử.
Thiết kế các bước học tập bằng BĐTD khi dạy Lịch sử lớp 5
Sau khi giúp học sinh nắm vững được phương cách xây dựng BĐTD và quy trình tự xây dựng BĐTD trong học tập, giáo viên có thể thiết kế cho học sinh các bước học tập trên lớp với BĐTD trong phân môn Lịch sử như sau:
Bước 1: Chuẩn bị
Căn cứ vào nội dung, lượng kiến thức yêu cầu, giáo viên chia nhóm học sinh cho phù hợp. Chú ý sắp xếp vị trí ngồi, khoảng cách của các nhóm cho hợp lí. Yêu cầu nhóm trưởng lấy đồ dùng, dụng cụ học tập cho các nhóm.
Bước 2: Lập Bản đồ tư duy
Học sinh lập BĐTD theo nhóm hay cá nhân với gợi ý của giáo viên: Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc sách giáo khoa, hoặc quan sát hình ảnh, tìm hiểu thông tin, từ đó nêu tình huống có vấn đề (liên quan đến chủ đề chính)
Gợi mở, hướng dẫn học sinh đặt tên cho chủ đề cần tìm hiểu; gợi ý, định hướng để học sinh vẽ tiếp các nhánh chính cấp 1, cấp 2, ... ; học sinh hoàn thiện BĐTD.
Bước 3: Báo cáo kết quả
Học sinh hoặc đại diện của các nhóm học sinh lên báo cáo, thuyết trình về BĐTD mà nhóm mình đã thiết lập.
Bước 4: Chốt kiến thức
Học sinh cả lớp thảo luận, bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện BĐTD về kiến thức của bài học đó. Giáo viên sẽ là người cố vấn, là trọng tài giúp học sinh hoàn chỉnh BĐTD, từ đó dẫn dắt đến kiến thức của bài học.
Bước 5: Củng cố kiến thức
Giáo viên cho lớp củng cố kiến thức vừa tìm hiểu bằng một BĐTD mà giáo viên đã chuẩn bị sẵn hoặc một BĐTD mà cả lớp đã tham gia chỉnh sửa hoàn chỉnh, cho học sinh lên trình bày, thuyết minh về phần nội dung kiến thức đó.
Một số lưu ý với học sinh khi xây dựng BĐTD
Trong quá trình hướng dẫn học sinh vẽ BĐTD, giáo vên cần lưu ý học sinh một số vấn đề sau:
Bắt đầu vẽ từ trung tâm BĐTD với hình ảnh của chủ đề. Dùng từ khoá và ý chính. Viết cụm từ, không viết cả câu. Có thể dùng các từ viết tắt.
Luôn sử dụng màu sắc bởi màu sắc cũng có tác dụng kích thích não như hình ảnh.
Nối các nhánh chính (cấp một) đến hình ảnh trung tâm, nối các nhánh cấp hai đến các nhánh cấp một, nối các nhánh cấp ba đến nhánh cấp hai,… Mỗi từ/ảnh/ý nên đứng độc lập và được nằm trên một đường nối.
Tạo ra một kiểu bản đồ riêng cho mình (Kiểu đường kẻ, màu sắc…). Nên dùng các đường kẻ cong thay vì các đường thẳng vì các đường cong sinh động thu hút được sự chú ý của mắt hơn rất nhiều các đường thẳng buồn tẻ.
Bố trí thông tin đều quanh hình ảnh trung tâm, mỗi thông tin cần ghi ngắn gọn, tránh viết dài dòng.
Có thể đánh số thứ tự các ý cho cụ thể ; khi liên kết các ý nên dùng mũi tên. Sử dụng màu sắc cho sinh động, mỗi nhánh cấp một cùng với các nhánh cấp hai, ba của nó tô cùng một màu.