Dạy học trực tuyến ở Hải Phòng: Còn nhiều khó khăn khi triển khai

Dạy học trực tuyến ở Hải Phòng: Còn nhiều khó khăn khi triển khai

Hiệu quả khi ôn tập

Trước diễn biến phức tạp của dịch CoVid-19, TP Hải Phòng đã quyết định cho học sinh nghỉ học hết tháng 2. Nhằm củng cố kiến thức và hỗ trợ học sinh tự học ở nhà nhiều trường học đã áp dụng hình thức dạy học online và hướng dẫn cho học sinh ôn tập.

 Mới đây, trường THCS Chu Văn An, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng tổ chức buổi tập huấn cho giáo viên toàn trường nhằm thống nhất cách dạy học trực tuyến (DHTT) cho học sinh. Cụ thể, hình thức DHTT sẽ được tập trung chủ yếu vào các môn Toán, Văn, Anh, các môn còn lại dạy học theo kiểu quay video. Việc DHTT cho học sinh được nhà trường triển khai trên tất cả các khối lớp. 

Dạy học trực tuyến hiệu quả khi ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh
Dạy học trực tuyến hiệu quả khi ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh 

Theo thầy giáo Phạm Văn Quân, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An: Nhà trường tổ chức DHTT trên phần mềm Zoom. Thời khóa biểu được sắp xếp cụ thể cho từng lớp. Các giáo viên sẽ đến trường, ngoài giờ phòng dịch, sinh hoạt chuyên môn, các cô thầy môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh sẽ lên lớp dạy online cho học sinh. Nội dung bài học tập trung vào ôn tập, củng cố kiến thức.

Hiện, việc DHTT của trường THCS Chu Văn An đã thực hiện được 1 tuần, có khoảng 80% học sinh tham gia lớp học. Phần mềm Zoom mà trường THCS Chu Văn An đang sử dụng có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh nên các em rất hứng thú, thầy Quân chia sẻ. 

Theo lịch, mỗi buổi học sinh được học 3 tiết, mỗi tiết 40-45 phút. Bài giảng chia làm 4 phần: nhắc lại kiến thức cho học sinh về phòng chống dịch, chữa bài, hướng dẫn nội dung đã học cùng kiến thức cần đạt, giao bài tập về nhà. Giữa hai giờ học, trò sẽ được ra chơi 30 phút. Thời gian ra chơi, trò được nghỉ ngơi, thư giãn mắt và sạc pin điện thoại, laptop.

Ông Cao Văn Rôi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng cho biết: Tại huyện Tiên Lãng có nhiều trường học đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào DHTT, đem lại hiệu quả bước đầu. Trường THCS thị trấn Tiên Lãng, trường Tiểu học Minh Đức được ngành giáo dục huyện đánh giá cao trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy.

Buổi lên lớp trực tuyến của giáo viên trường THCS thị trấn Tiên Lãng
Buổi lên lớp trực tuyến của giáo viên trường THCS thị trấn Tiên Lãng 

Cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt, Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng) cho biết: Từ khi có chỉ đạo từ Sở GD&ĐT Hải Phòng về việc DHTT cho học sinh, giáo viên nhà trường đã được tập huấn để triển khai. Phần mềm DHTT được trường chọn là phần mềm Zoom. Với các lớp đầu khối, học sinh tham gia học đạt 70%.

Theo thời khóa biểu được phân công, giáo viên chủ động lên lớp. Sau 10 phút điểm danh, cô trò cùng nhau ôn bài khoảng 45-60 phút.

Thời gian đầu triển khai còn bỡ ngỡ, các cô giáo, thầy giáo của trường THCS thị trấn Tiên Lãng thực hiện ôn bài cho học sinh bằng cách dùng điện thoại quay trực tiếp quá trình cô thầy giao bài và hướng dẫn học sinh làm bài qua bảng đen. Sau đó,  nhà trường dùng  phần mềm PowerPoint và hướng dẫn học sinh ôn bài qua máy tính thì hiệu quả hơn, cô Nguyệt chia sẻ.

Theo đánh giá của cô Nguyệt, việc triển khai DHTT có nhiều thuận lợi đặc biệt liên quan đến ôn luyện cho học sinh, ôn đội tuyển học sinh giỏi.

Khó khả thi khi dạy bài mới

Theo chia sẻ của một số trường học trên địa bàn thành phố Hải Phòng, việc DHTT sẽ giúp học sinh ôn tập kiến thức, nối mạch kiến thức cho học sinh trong thời gian nghỉ học dài ngày. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, cũng như nhận thức của phụ huynh nên việc triển khai không đồng đều ở các trường.

Theo thầy Phạm Văn Quân, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An, DHTT có nhiều thuận lợi như: có sự tương tác hai chiều giữa giáo viên và học sinh, việc dạy học trực tuyến giáo viên sẽ chủ động được kiến thức cho học sinh.

Nhưng còn đó nhiều khó khăn: bản thân thầy cô được đào tạo DHTT rất gấp, chỉ trong một ngày; đường truyền chậm, hệ thống mạng của nhà trường không đủ tải, các thầy cô phải bỏ tiền cá nhân ra để dùng 3G phục vụ việc dạy học; do chưa làm chủ được công nghệ, học sinh vào mạng làm việc riêng, giáo viên không thể kiểm soát được.

Nhiều phụ huynh của trường chưa cho con em theo học vì không có phương tiện để học, không có mạng internet. Bên cạnh đó, tâm lý phụ huynh lo sợ giao máy tính, điện thoại, con em sẽ chỉ tập trung chơi trò trên mạng mà không học.

Nhiều học sinh hứng thú tham gia học bài cùng cô
Nhiều học sinh hứng thú tham gia học bài cùng cô 

DHTT chỉ dừng lại ở việc ôn luyện kiến thức, còn về lâu dài nếu dạy bài mới sẽ rất nhiều bất cập. Do, học sinh theo học không đông đủ, khiến việc quản lý học sinh khó khăn. Thiếu thốn trang thiết bị dạy học, thầy cô mất nhiều thời gian chuẩn bị bài, thầy Quân chia sẻ.  

Theo ghi nhận, trường THCS Chu Văn An có khoảng 30% thầy cô giáo trang bị phương tiện dạy hiện đại như camera, tai nghe. Nhiều giáo viên coi đây chỉ là hình thức dạy học tình thế nên dùng thiết bị sẵn có như máy tính, điện thoại. Do học sinh vào học đông, đường truyền luôn quá tải nên hiệu quả mang lại chưa cao.

Trường Tiểu học Minh Đức (huyện Tiên Lãng) là trường tiểu học ngoại thành, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng nhà trường chủ động điều kiện giúp học sinh ôn bài trực tuyến. Cô giáo Nhữ Thị Luyến, giáo viên văn hóa lớp 5, thầy Nguyễn Công Thoàn, giáo viên văn hóa lớp 4 là hai giáo viên tích cực xây dựng bài dạy cho học sinh qua mạng.

Do đặc thù vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, nên nhà trường triển khai ôn tập trực tuyến được hai khối 4 và 5 với khoảng 30% tham gia. Phương pháp truyền thống vẫn được nhà trường sử dụng như giao bài về nhà qua mạng, in bài cho phụ huynh đến trường mang về cho con làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ