Dạy học tiếng Anh: Nhiều giải pháp đáp ứng yêu cầu mới

GD&TĐ - Năm học 2015 - 2016, Sở GD&ĐT Bến Tre đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Anh trước yêu cầu tăng tiết và thực hiện chương trình tiếng Anh thí điểm cho cấp học THCS và THPT. 

Dạy học tiếng Anh: Nhiều giải pháp đáp ứng yêu cầu mới

TS Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre - chia sẻ với báo Giáo dục và Thời đại về vấn đề này.

Ưu tiên giáo viên có năng lực cho chương trình thí điểm

- Chương trình, sách giáo khoa tiếng Anh thí điểm khá nặng so với học sinh tham gia chương trình và mới mẻ với giáo viên trực tiếp giảng dạy. Giải pháp của Bến Tre với khó khăn này như thế nào, thưa ông?

Với chương trình Tiếng Anh thí điểm, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các phòng GD&ĐT có kế hoạch điều chuyển giáo viên tiếng Anh đủ năng lực tiếng Anh và phương pháp dạy để dạy chương trình Tiếng Anh thí điểm lớp 6, 7,8 và 9.

"Các trường cũng cần xây dựng kế hoạch tăng tiết theo hướng xã hội hoá như hợp đồng giáo viên nước ngoài hoặc tăng cường tiết bồi dưỡng để giúp học sinh đạt được yêu cầu đầu ra của chương trình".
Theo yêu cầu, giáo viên phải đạt trình độ bậc 4/6 (B2) hoặc tiệm cận bậc 4/6 (B2) theo khung năng lực ngoại ngữ dùng cho Việt Nam. Ưu tiên chọn các giáo viên được đào tạo về phương pháp dạy và đạt trình độ bậc 4/6 (B2) và các chứng chỉ quốc tế tương đương.

Chương trình sách giáo khoa tiếng Anh lớp 6, 7,8 và 9 thí điểm đúng là khá nặng so với học sinh tham gia chương trình và mới mẻ với giáo viên trực tiếp giảng dạy. 

Vì vậy, Sở GD&ĐT yêu cầu giáo viên dạy lớp cần phải nghiên cứu kỹ chương trình, nội dung dạy nhằm xoáy sâu vào nội dung trọng tâm bài dạy, sử dụng tối đa các trang thiết bị dạy học ngoại ngữ được Sở GD&ĐT cấp để đạt chuẩn kiến thức nội dung của chương trình tiếng Anh mới thí điểm.

Với chương trình tiếng Anh thí điểm cấp THPT, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, THPT chuyên Bến Tre và THPT Phan Thanh Giản phân công giáo viên đủ năng lực tiếng Anh (tương đương bậc 5/6 - Cl) theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam và phương pháp dạy mới (như TESOL, TKT...) tham gia dạy các lớp tiếng Anh 10 chương trình tiếng Anh thí điểm.

- Khi thực hiện tăng tiết đối với môn Tiếng Anh, các nhà trường sẽ phải điều chỉnh thời lượng dạy học như thế nào để không ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học chung?

Năm học 2015 - 2016, Sở GD&ĐT đã yêu cầu phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện tăng tiết cho năm học 2015 - 2016 cho chương trình tiếng Anh đại trà 7 năm và chương trình tiếng Anh thí điểm (cấp THCS) và chương trình tiếng Anh chính khóa hệ 7 năm (cấp THPT).

Khi thực hiện tăng tiết, phải điều chỉnh thời lượng dạy học hợp lý theo từng bài dạy và từng học kỳ; tập trung tăng tiết cho các đơn vị bài học có nội dung quan trọng và khó.

Đồng thời, khuyến khích xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp như giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, văn hóa - lịch sử - địa lý địa phương,... trong chương trình dạy tăng tiết, đồng thời đảm bảo thực hiện tốt dạy học phân hóa.

Không nhất thiết dạy theo bài, tiết trong sách giáo khoa

- Năm học trước, các trường THPT của Bến Tre khi dạy học chương trình tiếng Anh chính khoá (chương trình tiếng Anh 7 năm) đã thực hiện thiết kế lại các tiết dạy nghe và nói theo hướng đơn giản hoá, hoặc kết hợp 2 tiết nghe và nói thành 1 tiết. Năm nay, việc này có được duy trì? Sở GD&ĐT có thêm chỉ đạo gì đối với việc thiết kế các hoạt động dạy học, thời lượng dạy học tiếng Anh?

Năm học này, Sở GD&ĐT vẫn chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện thiết kế lại các tiết dạy nghe và nói theo hướng đơn giản hoá, hoặc kết hợp 2 tiết nghe và nói thành 1 tiết. 

"Trên cơ sở kế hoạch dạy học đã được phê duyệt, tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên có thể thiết kế tiến trình dạy học cụ thể cho mỗi chủ đề trong từng học kỳ mà không nhất thiết phải theo bài/tiết trong sách giáo khoa". 
Riêng với tiết dạy kỹ năng viết, giáo viên cần thiết kế chương trình dạy vừa đáp ứng chuẩn kiến thức, kỹ năng, vừa phù hợp với trình độ học sinh, đảm bảo học sinh có thể hoàn thành các yêu cầu của bài viết (tăng thời lượng dạy môn viết, sử dụng phương pháp linh hoạt các phương pháp giảng phù hợp cho môn viết...).

Về chương trình và thời lượng, các trường cần tạo điều kiện, hướng dẫn tổ bộ môn và giáo viên xây dựng chương trình dạy cho đơn vị. 

Trong đó, tổ bộ môn được chủ động lựa chọn nội dung, thời lượng cho từng đơn vị bài học theo hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyểt các vấn đề thực tiễn.

Việc xây dựng các chủ đề dạy học phải bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học và phù hợp với thời lượng dạy học, năng lực học sinh, điều kiện dạy học... 

Kế hoạch dạy học của tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên phải được lãnh đạo nhà trường phê duyệt trước khi thực hiện và là căn cứ để thanh tra, kiểm tra trong năm học, tuyệt đối không được sao chép một cách tuỳ tiện từ các đơn vị khác.

Trên cơ sở kế hoạch dạy học đã được phê duyệt, tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên có thể thiết kế tiến trình dạy học cụ thể cho mỗi chủ đề trong từng học kỳ mà không nhất thiết phải theo bài/tiết trong sách giáo khoa. 

Mỗi chủ đề có thể được thực hiện ở nhiều tiết học, mỗi tiết có thể chỉ thực hiện một hoặc một số bước trong tiến trình sư phạm của bài học.

Các nhiệm vụ học tập có thể được thực hiện ở trong hoặc ngoài giờ trên lớp. Ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, cần chú trọng giao nhiệm vụ học tập cho học sinh ở ngoài lớp học và ở nhà.

Tuy nhiên, việc thiết kế các hoạt động dạy học, thời lượng dạy học trong một tiết dạy phải bảo đảm chuyển tải tất cả các nội dung cần thiết và đáp ứng được kiến thức, kỹ năng mà học sinh cần nắm.

Thay đổi cách soạn giảng, đa dạng hóa kỹ thuật dạy

- Một lý do quan trọng khiến chất lượng dạy học ngoại ngữ tại nhiều trường hiện nay chưa được như mong đợi chính là bởi phương pháp dạy học của giáo viên chưa thực sự đổi mới. Vậy, theo ông, việc đổi mới phương pháp dạy học cần có những yêu cầu cụ thể như thế nào?

"Với học sinh lớp 12, tiếp tục duy trì phương pháp ôn tập: Đi từ những nguyên tắc cơ bản của một điểm ngữ pháp lớn, đến chi tiết, xong khái quát hóa lại kiến thức nhằm giúp học sinh yếu nắm được kiến thức trọng tâm, cơ bản và giúp học sinh dễ học".
Nói về đổi mới phương pháp dạy học, trước hết, giáo viên phải dần thay đổi cách biên soạn bài giảng theo hướng phát triển năng lực học sinh, tránh sao chép rập khuôn. Khuyến khích biên soạn giáo án theo hình thức từng hoạt động cụ thể.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hoá các kỹ thuật dạy cho từng khối lớp, phù họp từng kỹ năng ngôn ngữ: Nghe, nói, đọc hiểu, viết và Language focus phối hợp với các phương thức khuyến khích tính sáng tạo, học tập năng động, tích cực, khuyến khích sự tự tin của học sinh và quản lý một lớp học đông học sinh...

Ví dụ: Đối với lớp 6 chương trình Tiếng Anh chính khóa, giáo viên phải giới thiệu cho học sinh các khái niệm và hình thức viết tắt một số từ loại và các thành phần chính trong câu ở các tiết ôn tập đầu chương trình. Việc nhận ra từ loại và cách dùng cơ bản của từ loại rất quan trọng trong việc học tiếng Anh của học sinh đầu cấp.

Đối với chương trình tiếng Anh thí điểm và chương trình tiếng Anh tăng cường: Giáo viên cần đầu tư thời gian nhiều cho việc soạn giảng và nghiên cứu chương trình dạy, tập trung làm rõ mục tiêu cụ thể và rõ ràng, yêu cầu của từng đơn vị bài dạy và kết quả đạt được sau từng tiết dạy.

Đa dạng các phương pháp và kỹ thuật dạy từ vựng sao cho phù hợp với từng cấp lớp, và từng kỹ năng ngôn ngữ. Chú ý đến việc cung cấp các gốc từ, các tiếp đầu ngữ và tiếp vị ngữ phổ biến cho học sinh nhằm giúp học sinh tăng cường vốn từ vựng và sử dụng các từ một cách dể hiểu và nhớ lâu.

Cho ví dụ minh hoạ về cách dùng từ rất quan trọng trong dạy từ vựng. Tuy nhiên, ví dụ minh hoạ nên lấy từ nội dung bài dạy, hoặc có liên quan đến bài dạy dưới nhiều hình thức, như đơn giản hoá câu có chứa từ vựng nhằm giúp cho học sinh hiểu được nghĩa từ trong ngữ cảnh. Việc cho ví dụ có liên quan đến nội dung bài dạy giúp học sinh dễ hiểu bài và hoàn thành tốt những bài tập học sinh chuẩn bị thực hiện.

Giáo viên cũng cần khai thác hợp lý và tận dụng tối đa các tranh ảnh trong sách giáo khoa để dạy các kỹ năng ngôn ngữ cho học sinh. Việc sử dụng các trang thiết bị nghe, nhìn (tranh ảnh, vật thật, mô hình...) cần phải lựa chọn cẩn thận cả về mặt nội dung lẫn hình thức...

Với cấp THPT, cần xây dựng kế hoạch dạy chi tiết ngay từ đầu năm học. Đa dạng các kỹ thuật dạy và kết hợp với các đồ dùng dạy học như tranh, ảnh, trình chiếu powerpoint, máy nghe... một cách hợp lý để dạy các kỹ năng ngôn ngữ, ngữ pháp và từ vựng cho phù hợp với trình độ lĩnh hội của học sinh và môi trường học.

Giáo viên cũng cần mạnh dạn thiết kế lại các tasks ở các tiết dạy nghe, nói và viết nhằm giúp học sinh đạt kết quả tốt, tránh trình trạng dạy theo kiểu biểu diễn, chạy theo hình thức...

- Xin cảm ơn ông!

Sở GD&ĐT Bến Tre khuyến khích giáo viên tham gia soạn bài trực tiếp tại phòng học ngoại ngữ; đồng thời có những biện pháp cụ thể buộc các giáo viên ngoại ngữ thường xuyên sử dụng trang thiết bị này một cách thường xuyên và hiệu quả; có sổ nhật ký ghi nhận việc sử dụng và bảo quản các phòng học ngoại ngữ - TS Nguyễn Văn Huấn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ