Dạy học tích hợp, dạy học phân hóa ở trường trung học đáp ứng yêu cầu chương trình và SGK sau 2015

GD&TĐ - Đây là chủ đề hội thảo khoa học do Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức ngày 5/12, với sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, giáo viên của nhiều đơn vị giáo dục trong cả nước.

PGS.TS Ngô Minh Oanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TPHCM - phát biểu tại hội thảo
PGS.TS Ngô Minh Oanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TPHCM - phát biểu tại hội thảo

Cần thống nhất cách hiểu

Theo báo cáo đề dẫn của TS Phạm Thị Lan Phượng - Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TPHCM (Viện NCGD), vấn đề dạy học tích hợp (DHTH) và dạy học phân hóa (DHPH) ở bậc phổ thông mà Việt Nam đang mong muốn thực hiện hiện nay đó là triển khai DHTH và DHPH một cách đồng bộ và có hệ thống thay vì dựa vào những lựa chọn linh động của GV về nội dung và phương pháp dạy học. 

Điều này có nghĩa cần phải có một khung chỉ dẫn để giúp GV và HS biết được họ cần phải làm gì và được phép làm gì để thực hiện DHTH và DHPH một cách có hệ thống. 

Hay nói một cách khác, vấn đề DHTH và DHPH mà được coi là trọng tâm của xây dựng chương trình phổ thông giai đoạn sau năm 2015 không những đòi hỏi một sự thay đổi về chương trình (CT) học và sách giáo khoa (SGK) mà còn đòi hỏi một sự thay đổi về quan niệm và về kỹ thuật dạy học.

Nhiều đại biểu đồng tình, DHTH và DHPH là một quan niệm, một cách tiếp cận chứ không phải là một kỹ thuật dạy học. TS Võ Văn Duyên Em (Khoa Hóa học - Trường Đại học Quy Nhơn), TS Phạm Thị Kim Anh (Viện Nghiên cứu Sư phạm - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) và ThS Hoàng Ngọc Hùng (Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng) đều có cùng cách hiểu về DHTH giống TS Nguyễn Thị Kim Dung (Viện NCGD) là “DHTH nhằm hình ở học sinh những năng lực giải quyết hiệu quả các tình huốn thực tiễn dựa trên sự huy động nội dung, kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau”. 

Một vấn đề khác, thu hút sự quan tậm của nhiều tác giả là sự cần thiết phải thay đổi đào tạo và bồi dưỡng GV cho phù hợp với mục tiêu DHTH và DHPH trong chương trình phổ thông sau năm 2015. 

TS Phạm Thị Kim Anh (Viện Nghiên cứu Sư phạm - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), ThS Nguyễn Đắc Thanh (Khoa Tâm lý giáo dục – Trường Đại học Sư phạm TPHCM), GV Nguyễn Thị Ngọc Linh (Trường THPT Phan Văn Trị – Bến Tre) và TS Trần Thị Nâu (Khoa Sư phạm – Trường Đại học Cần Thơ), ThS Nguyễn Thị Cẩm Vân (Khoa Sư phạm kỹ thuật - Trường Đại học Sài Gòn) đã chỉ ra những tiêu chuẩn mới cần đặt ra về năng lực GV và nhận định cần nhiều thời gian để có thể đào tạo ra đội ngũ này. 

“Giải pháp khả thi có thể giải quyết những bất cập trên là các trường ĐHSP nhanh chóng sắp xếp, thiết kế lại chương trình đào tạo GV theo hướng tích hợp; tổ chức đào tạo SV theo chương trình đó để họ có khả năng dạy tích hợp một số môn học cùng lĩnh vực như: Các môn khoa học tự nhiên; các môn khoa học xã hội nhân văn và các môn ngoại ngữ, tin học và công nghệ. 

Các giáo viên đào tạo theo một trong các chương trình cử nhân trên có thể làm giáo viên đứng lớp cho tất cả các lớp của chương trình phổ thông” - TS Phạm Thị Kim Anh (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đề xuất.

Các đại biểu là chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo viên tham gia hội thảo
 Các đại biểu là chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo viên tham gia hội thảo

Giải pháp để giáo viên nắm được chính xác cách DHTH và DHPH 

Nghiên cứu sinh Trương Thị Thanh Mai và Thái Thùy Trang (Khoa Sinh – Môi trường, Trường ĐHSP Đà Nẵng) đề xuất: “Cần tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng về DHTH một cách qui mô, hiệu quả, tránh việc làm qua loa, đại khái. Ngoài việc làm rõ những vấn đề lí thuyết, cần tạo điều kiện cho GV được thực hành soạn giáo án và dạy học thử nghiệm. Phát huy tối đa sự tập trung của GV trong các buổi tập huấn, bồi dưỡng; 

Các trường Đại học, Cao đẳng Sư phạm cần nhanh chóng rà soát chương trình, thiết kế môn học, chuyên đề hoặc tổ chức các buổi seminar, workshop về DHTH nhằm cập nhật các kiến thức, kĩ năng DHTH, từ đó góp phần hình thành và phát triển năng lực DHTH cho sinh viên, tạo điều kiện tối ưu cho SV có thể thực thi nghề nghiệp ngay sau khi ra trường, nhằm tránh lãng phí kinh phí và thời gian đào tạo lại...”.

Chia sẻ về kinh nghiệm DHTH và DHPH của giáo viên Đoàn Thị Hải Lý (Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM) đã thể hiện cách triển khai dạy học đổi mới rất sâu sắc. Cô Lý đã thiết kế các bài học trong môn Ngữ văn THPT không theo cấu trúc kiến thức trong CT học phổ thông mà theo chủ đề được HS quan tâm và căn cứ vào yêu cầu về nội dung chương trình học. 

Cụ thể: Các chủ đề là các nhà thơ, nhà văn được HS yêu mến. Trong các dự án, cô Lý đã đặt ra các yêu cầu về năng lực tư duy, kiến thức môn học, các kĩ năng khác và đề xuất các hoạt động để HS tham gia tìm hiểu, đọc tài liệu, thu thập và xử lý thông tin và tạo ra sản phẩm. 

Chính trong quá trình tham gia dự án này, HS đã hình thành nên được năng lực giải quyết tình huống thực tế, chính là mục đích cuối cùng của quá trình dạy học. Đây cũng chính là cách tiếp cận và thực hành dạy học mà chương trình phổ thông sau năm 2015 muốn nhắm tới. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ