Mỗi trường mỗi cách, phương thức và hiệu quả có thể khác nhau nhưng đích chung là nỗ lực bảo đảm thời lượng học tập cho sinh viên với kết quả tốt nhất trong những ngày chống dịch Covid-19.
Đẩy mạnh dạy trực tuyến
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến nhà trường phải ngưng đón sinh viên trở lại học. Trước tình huống này, nhiều trường tổ chức dạy online cho dù xác định vẫn còn nhiều hạn chế từ phía nhà trường lẫn sinh viên. Bởi phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm triển khai, hạ tầng đáp ứng cũng như khả năng sinh viên tiếp cận với công nghệ. Nhìn chung, một số trường đang triển khai đào tạo từ xa có thuận lợi hơn vì hoạt động này quá quen với giảng viên, cũng như hạ tầng công nghệ có sẵn. Tuy nhiên, với sinh viên chính quy theo học dài hạn tập trung đây là điều mới mẻ.
TS Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho biết: Chúng tôi có sẵn hệ thống công nghệ phụ trợ đào tạo từ xa cùng đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm về dạy học trực tuyến nên triển khai học online với trường gần như không có khó khăn gì. Trường đã nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ đào tạo tiên tiến, đồng bộ với 3 trường quay, hệ thống điều khiển theo tiêu chuẩn Hàn Quốc; 2 phòng phát triển nội dung với hệ thống phần mềm bản quyền và đội ngũ chuyên viên được đào tạo tại Hàn Quốc; 7 server với các thiết bị mạng, 18 phòng công nghệ với hơn 100 máy tính bảng, camera chuyên nghiệp và gần 500 máy tính đồng bộ cấu hình cao được trang bị tại các địa điểm học tập.
Lường trước diễn biến xấu của dịch bệnh, trường đã triển khai sớm hoạt động dạy - học trực tuyến. Các phòng ban chức năng nhanh chóng vào cuộc, giảng viên thực hiện bài giảng và được phát trực tuyến trên website của trường.
Nhưng không phải trường nào cũng có điều kiện tổ chức sớm hoạt động dạy học online như Trường ĐH Mở Hà Nội. Thực tế cho thấy, nhiều trường thực sự lúng túng và khó khăn khi triển khai nhưng vẫn cố gắng. Như Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) dạy online từ cuối tháng 2. Trường ĐH Tài chính – Marketing (TPHCM) cũng sớm tổ chức dạy online nhưng mục đích chính là củng cố kiến thức, giúp các em ôn tập chứ không đặt nặng việc dạy học nội dung mới vì sinh viên ở khu vực xa xôi không lắp đặt Internet sẽ không thể tiếp cận được.
Khó cũng phải làm
Nhiều trường đã đưa ra thông báo từ tháng 3, việc dạy học trực tuyến trở thành hình thức bắt buộc với giảng viên và sinh viên.
Trường Đại học Công nghệ Thông tin TPHCM bắt buộc dạy và học trực tuyến 100% môn học. Việc dạy học trực tuyến trước mắt sẽ triển khai hết tháng 3, nếu dịch bệnh được khống chế, sinh viên trở lại trường, hình thức học tập sau đó là tập trung trên lớp. Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cũng triển khai dạy học trực tuyến trên diện rộng từ tuần cuối tháng 3 với các học phần lý thuyết. Tất cả đều khẳng định quyết tâm là vừa chống dịch vừa bảo đảm tiến độ học tập cho sinh viên.
PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh chia sẻ: Giảng viên được tập huấn cách xây dựng khóa học E-Learning và video bài giảng và được đội ngũ bán chuyên trách E-Learning hỗ trợ. Hạ tầng mạng được nâng cấp, đáp ứng tốt các yêu cầu cho việc triển khai đồng bộ. Tuy nhiên cũng có những yếu tố khách quan khác là sinh viên chưa sẵn sàng về mặt tâm lý và chưa có thói quen tự học qua mạng. Nhiều em do hoàn cảnh gia đình, chưa có laptop cá nhân, không có Internet tại nhà để tham gia vào hình thức đào tạo này. Giảng viên còn nhiều bỡ ngỡ do chưa có sự chuẩn bị. Nhưng cả thầy và trò đều nỗ lực cùng nhau vượt khó trong những ngày chống dịch.
Bài học từ Covid
Có thể thấy, các trường đều bất ngờ trước việc phải cho sinh viên nghỉ học lâu dài. Mặc dù giải pháp dạy học onlione, dạy học truyền hình trực tuyến được đưa ra hết sức đa dạng, nhưng ghi nhận chung là mang tính đối phó với thời cuộc hơn là nhập cuộc. Cứ nhìn trên cả nước, có bao nhiêu trường thực sự đáp ứng được yêu cầu đào tạo trực tuyến với số sinh viên hệ đào tạo chính quy. Có bao nhiêu trường có hệ thống học liệu mở giúp sinh viên có thể truy cập trực tuyến trong học tập và nghiên cứu. Trong khi đó, chúng ta đã và đang trong thời 4.0, công nghệ hỗ trợ hết sức tích cực cho các hoạt động đào tạo.
Quan điểm của nhiều nhà giáo dục cho rằng, thời 4.0 gặp Covid-19 chắc chắn sẽ giúp cho nhiều trường đại học tự đánh giá lại mình. Hoạt động đào tạo cần nhanh chóng thoát ly với cách thức mòn cũ thầy giảng, trò chép mà cần khuyến khích năng lực tự học trong mỗi người. Hơn ai hết, các trường phải thấy rằng đổi mới trong hoạt động đào tạo để thích ứng với thời cuộc là việc cần làm, trong đó nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu là việc cần được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Cùng với đó là xây dựng môi trường đào tạo theo đúng nghĩa tích cực của 4.0 – tận dụng tối đa ưu thế của công nghệ vào hoạt động đào tạo. Điều này cần phải hiểu là mệnh lệnh nhưng cũng là trách nhiệm của nhà trường với người học.
Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các cơ sở đào tạo ĐH, trường CĐ và trung cấp sư phạm triển khai công tác đào tạo từ xa ứng phó với dịch Covid-19. Để thống nhất thực hiện, Bộ yêu cầu các trường sử dụng phương thức đào tạo từ xa với một số học phần phù hợp, áp dụng cho các khóa đào tạo chính quy, vừa làm vừa học.