Dạy học Giáo dục Kinh tế và Pháp luật với định dạng đề tốt nghiệp THPT 2025

GD&TĐ - Giáo viên lưu ý dạy học môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật với minh họa định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Cô trò Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên) trong giờ học.
Cô trò Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên) trong giờ học.

Theo cô Dương Thị Hằng, giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên), minh họa cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT 2025 môn Giáo dục kinh tế và pháp luật gồm 2 phần.

Phần 1 là dạng câu hỏi trắc nghiệm với bốn phương án lựa chọn. Phần này chiếm 60% đề thi. Đây là dạng câu hỏi đã và đang được áp dụng trong kiểm tra, đánh giá học sinh.

Phần 2 là dạng câu hỏi đúng/sai, đề đưa ra các thông tin, học sinh đọc thông tin và vận dụng kiến thức đã học để đưa ra lựa chọn đúng/sai. Dạng câu hỏi này chiếm 40% đề thi, đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức, kĩ năng toàn diện mới được điểm tối đa đồng thời với dạng câu hỏi này giúp phân loại được học sinh rõ rệt.

Cô Dương Thị Hằng đánh giá, các câu hỏi và thông tin đưa ra trong đề gắn với bối cảnh thực tiễn đời sống giúp đề thi sinh động, hấp dẫn hơn; giúp đánh giá được các năng lực chung và năng lực điều chỉnh hành vi; tìm hiểu, tham gia hoạt động kinh tế - xã hội; năng lực giải quyết vấn đề, sáng tạo của học sinh.

Với cấu trúc đề minh hoạ như trên, cô Dương Thị Hằng cho rằng, giáo viên và học sinh cần điều chỉnh việc dạy và học cho phù hợp.

Theo đó, dạng câu hỏi nhiều phương án lựa chọn học sinh đã được làm quen. Tuy nhiên khi thiết kế đề kiểm tra, giáo viên cần tăng cường độ “nhiễu” trong các phương án lựa chọn sẽ giúp đánh giá, phân loại học sinh chính xác hơn.

Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở các chủ đề bài học lớp 10, 11 hiện nay, việc dạy và học của giáo viên, học sinh đang được tiếp cận theo hướng từ việc khai thác các thông tin, nghiên cứu các trường hợp điển hình… để đưa ra quan điểm, ý kiến trả lời liên quan đến nội dung bài học.

Hướng tiếp cận này không chỉ giúp học sinh phát triển được các năng lực, phẩm chất của người học mà còn hoàn toàn phù hợp với việc kiểm tra, đánh giá học sinh theo dạng câu hỏi đúng/ sai mà Bộ GD&ĐT đã đưa ra trong đề minh hoạ.

“Tuy nhiên, tôi nhận thấy thấy khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn của học sinh còn thấp, cần phải rèn luyện nhiều ở cả phần học và trong đề kiểm tra, đánh giá.

Đối với giáo viên trong quá trình dạy và ra đề kiểm tra cần cập nhập các kiến thức thực tiễn để làm tư liệu đồng thời giúp phát huy được phẩm chất, năng lực của học sinh”, cô Dương Thị Hằng chia sẻ.

Xem đề minh họa môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật TẠI ĐÂY.

Minh họa cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT 2025 môn Giáo dục kinh tế và pháp luật gồm 28 câu hỏi với 40 lệnh hỏi làm trong thời gian 50 phút. Tỷ trọng câu hỏi nhận biết và thông hiểu trong đề minh họa là khoảng 70%, nhưng sẽ chỉ chiếm khoảng 6/10 điểm trong đề thi. 4/10 điểm vẫn là các câu hỏi vận dụng. Các trường đại học, cao đẳng hoàn toàn có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển vào trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

luật hôn nhân luật hôn nhân và gia đìnhgiá cà phê đắk lắkTìm hiểu thi tiếng anh ielts năm 2024