Dạy học dự án: Thế mạnh trong bối cảnh

GD&TĐ - Dạy học dự án không chỉ phát huy hiệu quả trong bối cảnh dạy học trực tuyến, mà còn giúp hình thành, phát triển nhiều năng lực, phẩm chất theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Một hoạt động dự án của học sinh Trường Olympia.
Một hoạt động dự án của học sinh Trường Olympia.

Tăng cường năng lực hợp tác, giao tiếp

Trong học kỳ I vừa qua, thầy Trang Minh Thiên - giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ), đã triển khai dự án STEM: “Thiết kế hộp đựng đồ dùng học tập”.

Dù có không ít khó khăn, đặc biệt do tiến hành trong bối cảnh dạy trực tuyến (như khó quản lý học sinh, khó quan sát và đánh giá sát sao các hoạt động, đặc biệt là phương thức tổ chức hoạt động cho học sinh), nhưng dự án đã có thành công nhất định. Khi triển khai, học sinh được trao quyền trong việc quan sát, kiểm tra và tự đánh giá lẫn nhau.

Điều thầy Thiên tâm đắc là qua dự án này có thể đánh giá được kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin thông qua các bài báo cáo, video clip mà các em thực hiện. Cùng với đó, thấy rõ được tinh thần làm việc nhóm và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong các chuỗi hoạt động. Đặc biệt, dự án học tập cũng giúp thầy Thiên đánh giá rõ hơn kỹ năng phát hiện, giải quyết vấn đề của học trò.

Cô Nguyễn Diệu Hoa - Phó Bộ môn Ngữ văn, Trường Phổ thông Liên cấp Olympia (Hà Nội), với kinh nghiệm nhiều năm dạy học theo dự án, cho biết: Khi tham gia dự án, học sinh sẽ được làm việc nhóm và cá nhân trong khoảng thời gian dài để nghiên cứu và trả lời cho câu hỏi phức hợp, vấn đề có thật trong thực tiễn. Những câu hỏi, vấn đề này bám sát nội dung kiến thức trong chương trình đang học, có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành để tạo sản phẩm cụ thể.

Với việc vừa phải chủ động, vừa hợp tác nhóm trong lập kế hoạch, nghiên cứu, tạo ra sản phẩm và báo cáo, thuyết trình; tự kiểm soát, lên lịch trình của cá nhân để làm thế nào bảo đảm được lịch trình chung của nhóm và của dự án… học sinh đã rèn luyện, phát triển nhiều kỹ năng từ tư duy, nghiên cứu, tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề sáng tạo… Đây đều là các năng lực cốt lõi mà Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới hình thành cho học sinh.

Trong bối cảnh dạy học online, với yêu cầu cốt lõi là giải quyết vấn đề thực tế và sáng tạo ra sản phẩm, phương pháp dạy học theo dự án kích thích được trí tò mò, tinh thần ham khám phá và mong muốn được làm sản phẩm có thật để bạn bè, thầy cô ghi nhận… ở học sinh. Kho dữ liệu trực tuyến cung cấp nguồn tài liệu khổng lồ, phong phú để các em tham khảo, sử dụng cho việc giải bài toán của dự án.

Đặc biệt, khi học tập trực tuyến ảnh hưởng lớn đến hoạt động giao tiếp của người học, việc có một dự án với thời gian đủ dài cho phép học sinh làm quen, thảo luận, cùng nhau giải quyết vấn đề và tạo ra sản phẩm, chính là cơ hội tự nhiên và tích cực nhất để các em giao tiếp, tăng cường năng lực hợp tác.

“Với những giá trị thực tiễn đó, thời gian qua khi học trò phải học online kéo dài, giáo viên các bộ môn Khoa học xã hội, Trường Phổ thông Liên cấp Olympia vẫn nỗ lực triển khai những dự án học tập cho học sinh” – cô Nguyễn Diệu Hoa chia sẻ. 

Sản phẩm học tập của học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) trong dự án “Thiết kế hộp đựng đồ dùng học tập”.
Sản phẩm học tập của học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) trong dự án “Thiết kế hộp đựng đồ dùng học tập”. 

Chọn nội dung phù hợp, chuẩn bị chu đáo

Cũng công tác tại Trường Phổ thông Liên cấp Olympia, cô Trần Xuân Hương đề cập đến một góc độ khác. Cô Hương nhận định dạy học dự án có nhiều lợi thế khi thực hiện online, nhưng giáo viên, học sinh cũng phải đối mặt với một số khó khăn. Đối với giáo viên, đó là việc khó kiểm soát việc thực hiện dự án học tập của học sinh. Với người học, có thể gặp khó khăn trong vận dụng các phần mềm/ứng dụng trực tuyến để hoàn thành dự án. Học sinh tiểu học chưa có được sự tập trung, tính tự chủ trong học tập, nghiên cứu.

“Làm thế nào để học sinh bảo đảm được trách nhiệm trong chuỗi dự án và có đủ động lực theo đuổi đến cùng?” - Câu hỏi này được cô Nguyễn Diệu Hoa chia sẻ kinh nghiệm giải quyết. Đó là, cần thống nhất rõ ràng các nguyên tắc chung và lộ trình thực hiện ngay khi bắt đầu dự án; phân hóa cá nhân và nhóm để có những hỗ trợ kịp thời. Giáo viên cần thông tin rõ ràng đích đến học sinh phải đạt được và thống nhất các quy ước ban đầu của quá trình làm dự án.

Từ đó để các em ý thức được vai trò, trách nhiệm, giá trị của mình trong chuỗi các hoạt động của dự án. Các em hiểu được nếu một người hẫng nhịp không hoàn thành nhiệm vụ thì ảnh hưởng tới cả hệ thống ra sao; đồng thời biết lộ trình công việc cần đảm bảo… Cô Hoa đồng thời nhấn mạnh: Thầy cô với vai trò định hướng, hỗ trợ cần theo sát quá trình thực hiện của học sinh để có những gỡ rối, khích lệ kịp thời.

Còn theo thầy Trang Minh Thiên, để phát huy được hiệu quả của dạy học dựa trên dự án, đòi hỏi giáo viên phải lựa chọn nội dung gần gũi với thực tiễn, dễ học, dễ làm, thời gian phù hợp với học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần chuẩn bị chu đáo về nội dung, nhiệm vụ của từng hoạt động, từng nhóm học sinh, sao cho có thể phát huy tối đa năng lực mỗi trò.

Cũng có kinh nghiệm trong hoạt động này, cô Vũ Thị Dung - giáo viên Trường THPT Xuân Phương (Hà Nội) - cho rằng, điều quan trọng đầu tiên là dự án cần khả thi, tức có tính ứng dụng thực tiễn cao. Để thực hiện thành công dự án, sau khi chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh, giáo viên cần “ốp” sát quá trình thực hiện của người học, tích cực hỗ trợ người học giải quyết những khó khăn, vướng mắc (nếu có). Ngay cả khi dự án không thành công, thầy cô và học trò cũng phải phân tích được nguyên nhân vì sao để rút kinh nghiệm cho những dự án sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vườn thực nghiệm sâm cau tại huyện Củ Chi (TPHCM) của nhóm nghiên cứu.

Nuôi cấy sâm cau bằng công nghệ mô

GD&TĐ - Các nhà khoa học Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã nuôi cấy thành công giống sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô.