3 yếu tố để có một trò chơi đúng nghĩa
Để có một trò chơi đúng nghĩa và bổ ích phải hội tụ 3 yếu tố sau: Xây dựng bầu không khí vui tươi, sống động, thu hút tất cả mọi người cùng tham gia; Rèn luyện kỹ năng phản ứng nhanh, tháo vát, quyết đoán...; Giáo dục chiều sâu: Thông qua các trò chơi giúp cho các em học sinh nhận thức được tinh thần đoàn kết, tình đồng đội và kỷ luật tập thể, tính trung thực.
Để thực hiện trò chơi địa lý cần thực hiện những nguyên tắc sau: Tổ chức trò chơi địa lý phải phù hợp với đặc điểm tâm lý, trình độ nhận thức và hoàn cảnh học tập của học sinh, phù hợp với điều kiện vật chất và không gian, thời gian thực hiện; Nội dung trò chơi là nội dung địa lý hoặc có liên quan trực tiếp, giúp mở rộng, nâng cao kiến thức, kỹ năng địa lý; Trò chơi địa lý tuy mang tính tự nguyện tham gia nhưng phải đề cao tinh thần kỷ luật, ý thức tập thể của học sinh; đề cao được vai trò, tính tích cực, sáng tạo của các cá nhân học sinh.
Một số yêu cầu để thực hiện tiết dạy có trò chơi Địa lí
Để trò chơi tiến hành có kết quả mong muốn thì cần có sự kết hợp đồng bộ giữa giáo viên và học sinh. Giáo viên là khách thể nhưng trực tiếp chỉ đạo điều hành cuộc chơi, học sinh là chủ thể tham dự trực tiếp trò chơi. Vì vậy cần:
* Về phía giáo viên
Thứ nhất, chuẩn bị biên soạn: Nội dung trò chơi, hình thức chơi và cụ thể trò chơi nào sao cho phù hợp với hàm lượng kiến thức cần chuyển tải trong bài dạy. Đây là bước mở đầu hết sức quan trọng để đi đến thành công hay không.
Như vậy ngoài việc giảng dạy truyền đạt kiến thức, giáo viên còn là chủ biên tập tốt, gồm: Chuẩn bị một số phương tiện đồ dùng cần thiết thích hợp cho trò chơi như:
Các mảnh bản đồ cắt rời (bản đồ trống, tự nhiên kinh tế, tổng hợp hoặc từng yếu tố) và ghi sẵn các câu hỏi nêu dưới hoặc bên trên để học sinh trả lời đã đề ra nhằm củng cố các khái niệm địa lý.
Các phiếu có ghi sẵn các câu hỏi và hình vẽ mang nội dung kiến thức bản đồ, biểu đồ v.v...; Các phiếu có ghi sẵn nội dung mô tả các sự vật hiện tượng địa lý nhưng không định rõ câu trả lời về đối tượng đó (mô tả đủ điều kiện tự nhiên, dân cư hoặc kinh tế v.v...) của một quốc gia nhưng không biết tên và địa điểm; Các lược đồ và đồ thị vẽ sẵn; Bản đồ, lược đồ, tranh ảnh, đồ thị; Bảng phụ
Thứ hai, chuẩn bị các hình thức trò chơi: Hình thức trò chơi rất đa dạng, phong phú. Tùy vào quy mô, đối tượng học sinh, chương trình địa lý ở các khối lớp khác nhau, điều kiện cơ sở vật chất chúng ta có thể tổ chức được những trò chơi phù hợp với học sinh. Các hình thức có thể là là hình thức giải đố, đặt câu đố, bài đố, cả lớp, cá nhân.
* Về phía học sinh
Thứ nhất, chuẩn bị ở nhà: Đây chính là các thành viên tham gia trực tiếp cuộc chơi. Nếu các em chuẩn bị ở nhà chu đáo thì cuộc chơi diễn ra thuận lợi có hiệu quả.
Một khi đã trở thành thói quen, thì việc chuẩn bị ở nhà giáo viên không cần nhắc nhở vì bản thân các em đã ham thích, vì mình cần chiến thắng, gồm các việc sau: Nắm bắt nội dung kiến thức một cách kỹ càng. Nắm bắt kiến thức sắp và sẽ học đến (hoặc rộng hơn nữa). Sưu tầm sách báo, tranh ảnh, tài liệu v.v... có liên quan đến kiến thức mình học.
Thứ hai, trong giờ học các học sinh cần: Mạnh dạn và ham thích chơi trò chơi;Nhanh nhẹn chớp lấy cơ hội; Trả lời nhanh gọn, súc tích.
Dưới đây là trò chơi đuổi hình bắt chữ có thể áp dụng vào quá trình dạy - học môn Địa lý:
- Luật chơi: Giáo viên đưa ra một hình ảnh hoặc nhiều hình ảnh trong đó có ẩn chứa một từ, một cụm từ nào đó yêu cầu học sinh cả lớp độc lập suy nghĩ và trả lời thật nhanh.
- Áp dụng: Giáo viên nên tổ chức trò chơi đuổi hình bắt chữ ở đầu tiết để dẫn dắt vào bài mới với những hình ảnh đẹp, phù hợp sẽ gây hứng thú, kích thích trí tò mò của học sinh ngay đầu tiết học.
- Ví dụ:
Học bài Hoa Kì tiết đầu tiên giáo viên có thể cho học sinh quan sát các hình ảnh: Tượng Nữ thần tự do, hình ảnh toà tháp đôi, Tổng thống Mỹ đương nhiệm, nhà trắng.
Yêu cầu học sinh cho biết các hình ảnh trên gợi cho các em liên tưởng đến quốc gia nào? Sau đó giáo viên giới thiệu vào bài mới.
Những ưu điểm khi tổ chức trò chơi trong dạy học Địa lí
Trong quá trình nhận thức của con người sự hứng thú giữ vai trò hết sức quan trọng. Theo định hướng đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ thông, luật giáo dục có đề cập đến vấn đề là: “phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động sáng tạo của học sinh.
Tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh. Cốt lõi của việc đổi mới phương pháp dạy và học là hướng tới học tập chủ động, chống lại thói quen học tập thụ động”.Một khi các em đã có hứng thú, có niềm vui sẽ tạo cho các em tâm thế mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Do đó việc tổ chức trò chơi địa lý cho học sinh ở lớp là những hình thức phong phú hổ trợ tích cực cho học tập của học sinh. Nó gợi cho các em “óc tò mò” ham khám phá, ham hiểu biết, kích thích sự chủ động sáng tạo và giúp các em học tập tốt hơn.