* Cô Nguyễn Thị Bích Diệp – giáo viên Trường Tiểu học Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội): Cống hiến bằng cả tâm huyết
17 năm trong nghề, cô Diệp là tấm gương sáng về trí tuệ, sáng tạo và nhiệt huyết trong công tác giảng dạy, được nhiều người biết đến và trân trọng. Quá trình công tác, cô không ngừng tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Với lòng yêu nghề, tâm huyết và sự sáng tạo của tuổi trẻ, cô luôn là người thắp lửa, truyền nhiệt huyết đến học sinh. Cô đã phát hiện và bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi và tạo động lực cho các em tham gia các kỳ thi. Năm học 2018 - 2019, học sinh của cô đã đoạt 18 giải Toán quốc tế và viết chữ đẹp toàn quốc.
Không chỉ quan tâm đến việc bồi dưỡng học sinh năng khiếu, cô Diệp còn dành nhiều thời gian, tâm sức cho việc chăm sóc, dạy dỗ học sinh mắc chứng tăng động, giảm tập trung và học sinh tự kỷ. Cô tâm sự: Giáo dục chưa bao giờ là việc dễ dàng, với công việc dạy những trẻ đặc biệt lại càng thách thức hơn rất nhiều. Cô đến với trẻ đặc biệt không chỉ bằng tình thương, mà còn như một niềm đam mê. Càng gắn bó với các em, cô càng nhận ra ý nghĩa và hạnh phúc từ cuộc sống. Tình yêu ấy, không tự nhiên đến, mà nó được vun đắp từng ngày qua quá trình tiếp xúc với trẻ.
Năm 2004, cô tham gia Câu lạc bộ Hội Cha mẹ có con tự kỷ tại Hà Nội với 200 thành viên. Với vai trò là một giáo viên trẻ, cô sẵn sàng hỗ trợ trẻ. Ngoài thời gian giảng dạy tại trường, cô đã đến các trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ của tổ chức phi chính phủ, tham gia đủ các khóa học tập huấn của Mỹ, Australia và Trung Quốc để có thêm kinh nghiệm giảng dạy cho trẻ tự kỷ. Có những học sinh, cô kiên trì miệt mài dạy suốt 14 năm.
Bên cạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, cô luôn tâm niệm phải “lao động” bằng cả tâm huyết của mình, luôn phải đổi mới không ngừng để dạy học sinh có hiệu quả. Gần 20 năm dạy trẻ tự kỷ, cô đã sáng tạo ra phần mềm ISPRING SUITE 9.7, kết hợp với PowerPoint. Đây là phần mềm mới lạ, giúp học sinh chậm phát triển có thể tự giác học mà chơi, chơi mà học. Phụ huynh có thể giám sát con làm bài tập, sao lưu kết quả và tương tác được với giáo viên trên lớp. Phần mềm có hướng dẫn cụ thể từng bước.
Trải qua cả quá trình gian nan, vất vả, giờ đây, những học sinh đặc biệt trong lớp cô chủ nhiệm đã tiến bộ rất nhiều. Trong mỗi hoạt động ngoại khóa, các em đã mạnh dạn tự tin hơn. Các em không còn rụt rè, không còn sợ sệt khi đến trường mà chủ động tham gia hoạt động ngoại khóa, biết chơi cùng các bạn trong lớp. Cô luôn khát khao xây dựng những “Nhóm học sinh học tập hạnh phúc, Lớp học hạnh phúc và Trường học hạnh phúc”.
* Thầy Bùi Quang Huy - Trường THCS Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội): Nghiên cứu thành công bảng tương tác thông minh
Thầy Bùi Quang Huy trong một giờ lên lớp với bảng tương tác thông minh. Ảnh: NVCC |
Là một giáo viên Địa lý, thầy Bùi Quang Huy đã có gần 10 năm gắn bó với “phấn trắng, bảng đen”. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy không ngừng sáng tạo, hết lòng vì công việc, vì học sinh thân yêu. Thầy Huy luôn trăn trở, tìm tòi, sáng tạo ra các phương pháp để có những bài dạy hay.
Thầy chú trọng đến việc đổi mới và linh hoạt các phương pháp dạy học theo đặc thù của bộ môn Địa lý sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh của từng lớp học. Qua đó, nhằm khuyến khích tính chủ động, nâng cao năng lực tự học, nghiên cứu khoa học của các em. Đồng thời phát huy tính sáng tạo của học sinh trong việc tìm tòi kiến thức, tài liệu và các mối liên hệ địa lý của Việt Nam cũng như khắp nơi trên thế giới.
Bên cạnh đó, thầy Huy thường xuyên quan tâm chú trọng phát triển học sinh giỏi và bồi dưỡng học sinh chưa tiến bộ. Thầy luôn biết cách đổi mới phương pháp dạy học để tiết giảng thêm sinh động. Thông qua những buổi hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thầy đã cùng học sinh “du lịch” qua những dãy phố cổ của Hà Nội, viện bảo tàng lịch sử, khu du lịch sinh thái của Thủ đô…
Từ đó, giúp học sinh thêm yêu môn học, hình thành được lý tưởng và thế giới quan địa lý. Hơn nữa, thầy cùng với học trò của mình tự làm những đồ dùng để phục vụ công tác dạy học. Đồ dùng này được làm từ những vật liệu thủ công đơn giản, dễ tìm, thân thiện với môi trường. Nhờ đó mà những giờ lên lớp của thầy luôn sôi động và cuốn hút học trò.
Năm học 2018 - 2019, thầy Huy đã nghiên cứu thành công bảng tương tác thông minh áp dụng vào bài giảng “Môi trường hoang mạc - Địa lý 7” và tiếp tục áp dụng thành công sang một số bài dạy khác như: “Thiên nhiên châu Âu - Địa lý lớp 7”. Điều quan trọng, đây là phương tiện dạy học mới mà thầy tự nghiên cứu, tìm tòi cách sử dụng, vận hành và ứng dụng các phần mềm hỗ trợ với tính năng phù hợp, có thể tự truy cập tài liệu giảng dạy.
Điều đó giúp cho bài giảng trở nên hấp dẫn, lôi cuốn, nội dung sinh động. Nhờ sự nỗ lực đầu tư vào bài giảng cả về nội dung và phương pháp dạy học cùng với việc sử dụng hiệu quả bảng tương tác thông minh, thầy Huy đã đoạt giải Nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố và được Công đoàn ngành Giáo dục Thủ đô tặng Giấy khen.
Trong công tác chủ nhiệm, thầy Bùi Quang Huy luôn là tấm gương mẫu mực, nhiệt tình, tâm huyết, gần gũi, yêu thương học trò. Thầy cất công tìm hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh của từng học sinh. Thầy luôn hướng học sinh trong lớp chủ nhiệm tới các hoạt động để có thể hoàn thiện phẩm chất, năng lực. Thầy tạo ra những nhiệm vụ để kích thích khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh. Và trong mọi thời điểm, thầy luôn sát cánh bên học sinh của mình. Do đó, học sinh lớp thầy chủ nhiệm luôn nhiệt tình và có trách nhiệm trong mỗi công việc chung của nhà trường, của lớp, đặc biệt là luôn chăm ngoan, thi đua giành nhiều hoa điểm tốt.