Vì vậy, nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ để gỡ khó và thúc đẩy hiệu quả từ buổi học thứ 2.
Thành quả
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Lào Cai, giai đoạn 2015 - 2020 quy mô giáo dục tiểu học của tỉnh tiếp tục phát triển, điều kiện học tập của học sinh (HS) thuận lợi hơn. Nhiều điểm trường được kiên cố hóa, trường lớp khang trang, sạch đẹp, thân thiện, hấp dẫn HS.
Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 223 trường có HS tiểu học (185 trường tiểu học) với 3.606 lớp, 81.021 HS. Tỉ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 duy trì hàng năm đạt 99,9%. Số lượng HS từ lớp 3 học tiếng Anh đạt 83%, Tin học đạt 76%. Tỉ lệ HS hoàn thành về phát triển phẩm chất, năng lực đạt trên 99%. Toàn tỉnh duy trì vững chắc kết quả phổ cập GD tiểu học và đạt mức 3 ở 164/164 xã, phường, thị trấn.
Đặc biệt, trong những năm qua số HS giao lưu các sân chơi tiếng Anh, Toán và khoa học bằng tiếng Anh trong và ngoài nước tăng về số lượng và chất lượng. Các sân chơi tiếng Việt cấp tỉnh và toàn quốc HS Lào Cai đều có HS tham gia…
Thầy Dương Xuân Chính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sa Pa (huyện Sa Pa, Lào Cai) khẳng định: Dạy học 2 buổi/ngày giúp giãn cách các môn chính, HS không bị gò bó nặng nề về kiến thức, được vừa học vừa chơi. HS đồng thời có thời gian học tập và trải nghiệm, học đâu chắc đó.
Tuy nhiên, bên cạnh “thành quả” đạt được, vẫn còn một số “nút thắt” cần tháo gỡ để buổi học thứ hai tiếp tục phát huy hiệu quả. Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Phó phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Lào Cai), Lào Cai còn hơn 600 điểm trường lẻ, chủ yếu thực hiện mô hình lớp ghép 1+2 nên chất lượng HS vùng dân tộc thiểu số học tiếng Việt còn nhiều khó khăn.
Quá trình tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tồn tại những bật cập: Toàn tỉnh còn thiếu 165 GV tiểu học (theo Thông tư 16). Thiếu GV là rào cản không nhỏ trong quá trình triển khai buổi học thứ 2 và tăng cường chất lượng giáo dục trong trường tiểu học.
Kinh nghiệm thực hiện
Thầy Chính cho biết: Để dạy học 2 buổi/ngày, nhà trường phải bảo đảm tỉ lệ 1,5 GV/lớp song hiện tại mới đạt mức 1,3 GV/lớp. Khắc phục khó khăn, nhà tăng cường thêm số tiết cho GV. Do chênh lệch số tiết thực dạy và theo quy định không đáng kể nên GV vẫn đáp ứng được và việc dạy học 2 buổi/ngày tại Trường Tiểu học Sa Pa vẫn bảo đảm.
Bà Nguyễn Thị Thúy chia sẻ kinh nghiệm của ngành GD-ĐT Lào Cai trong thực hiện 2 buổi/ngày. Trước hết, Sở GD&ĐT Lào Cai tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 279 về xây dựng mô hình trường tiểu học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế giai đoạn 2018 - 2025.
Trong đó, cho phép một số trường được tăng cường tiếng Anh, giáo dục kĩ năng sống để các trung tâm trả tiền cho phần thời gian còn lại của GV ở trường. Đồng thời chỉ đạo và kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục, xã hội hóa giáo dục theo đúng quy trình, quy định.
Đặc biệt, sở chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục bám sát hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học các cấp, phù hợp với điều kiện của địa phương theo 2 phương án: Buổi học thứ 1 dạy học theo kế hoạch giáo dục nhà trường và thực hiện Chương trình GDPT được ban hành. Với lớp 1 thực hiện theo Thông tư 32; Lớp 2, 3, 4 theo Quyết định số 16, thời lượng 4 tiết/buổi. Riêng lớp 1, số tiết còn lại sắp xếp sang buổi hai.
Buổi học thứ 2 tập trung vào các nội dung thực hành, ôn tập kiến thức đã học; Dạy học các môn học và nội dung tự chọn được quy định trong chương trình; tăng cường tiếng Anh; giúp đỡ HS yếu vươn lên hoàn thành yêu cầu học tập; bồi dưỡng HS có năng khiếu; tự học; tổ chức câu lạc bộ; HS tham quan, tham gia hoạt động cộng đồng; hoạt động ngoài giờ lên lớp, thời lượng 3 tiết/buổi.
Phương án 2, khuyến khích các trường tiểu học sắp xếp nội dung giáo dục đan xen phù hợp giữa môn học bắt buộc với tự chọn hoặc hoạt động giáo dục, nội dung tăng cường trong một ngày với thời lượng 7 tiết/ngày. Một giải pháp khác là các nhà trường quyết định lựa chọn nội dung, thời lượng và hình thức tổ chức dạy tăng tiết và tự chọn cho việc dạy học 2 buổi/ngày phù hợp với vùng khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Thúy cho rằng: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cha mẹ HS hiểu, đồng hành cùng nhà trường để thực hiện các mục tiêu giáo dục là vô cùng cần thiết.
Trong thực tế, nhà trường chưa đủ cơ sở vật chất, đội ngũ GV để đáp ứng nhu cầu HS được học tăng cường ngoại ngữ, kĩ năng sống, các câu lạc bộ nghệ thuật, thể dục thể thao…, nhiều trường đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân hỗ trợ phát triển giáo dục nhà trường bằng hình thức xã hội hóa giáo dục. Quản lí thu, chi tài chính, các khoản xã hội hóa giáo dục được thực hiện theo quy định hiện hành, công khai, minh bạch…