Dạy con trong “hoang mang”

GD&TĐ - Ngày  7/1, tại Hà Nội, Anbooks sẽ tổ chức buổi ra mắt sách Dạy con trong “hoang mang” 2 và giao lưu với TS Lê Nguyên Phương -  là người sáng lập tổ chức Liên Hiệp Phát triển tâm lý Học đường tại Việt Nam (Consortium to Advance School Psychology in Vietnam - CASP- V) vào năm 2009.

Bìa cuốn sách "Dạy con trong hoang mang" 2
Bìa cuốn sách "Dạy con trong hoang mang" 2

Dạy con trong “hoang mang” do Anbooks phát hành lần đầu tiên được ra mắt vào 23/6/2017, may mắn được bạn đọc Việt Nam đón nhận nhiệt thành. 12.000 bản Dạy con trong “hoang mang” đã được in trong vòng hơn 5 tháng kể từ ngày ra mắt. Đến nay, sách đã đến tay bạn đọc trên khắp cả nước, nhận được những phản hồi xúc động từ phía bạn đọc.

Với thông điệp “Chuyển hóa chính mình để giáo dục trẻ thơ”, bộ sách Dạy con trong “hoang mang” gửi đi một thông điệp khác biệt với những cuốn sách khác trên thị trường sách Việt Nam hiện nay: các bố mẹ cần chuyển hóa chính mình, “hòa giải” với quá khứ và những tổn thương của mình, để việc giáo dục con cái trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.

Đây chính là thông điệp chủ đạo xuyên suốt trong toàn bộ cuốn sách, và cũng chính là điều khiến bố mẹ Việt Nam đồng tình, chia sẻ giá trị của cuốn sách với nhiều người khác. Cuốn sách đã tạo nên một hiệu ứng xã hội tích cực trong 6 tháng cuối năm 2017.

Dựa trên những phản hồi của bạn đọc thông qua giải pháp Social Books của Anbooks và tác giả Lê Nguyên Phương, bao gồm những thắc mắc hỏi rõ thêm và gợi ý về những chủ đề mới, sau khi về Mỹ, TS. Lê Nguyên Phương đã bắt tay vào thực hiện Dạy con trong “hoang mang” 2.

Sách bao gồm 29 bài viết dựa trên trục các chủ đề được bố mẹ Việt Nam quan tâm, gửi thắc mắc và cần hỗ trợ. Có những chủ đề được phân tích, chia sẻ trong một bài viết, nhưng cũng có những chủ đề được chia sẻ thành nhiều bài liên tiếp.

Từ câu chuyện “Thiên đàng đổ vỡ”, chia sẻ về nỗi đau của những đứa trẻ phải chứng kiến bạo hành trong gia đình, những di chứng về tâm hồn mà chúng phải gánh chịu; ảnh hưởng rõ rệt của các di chứng này trong đời sống của con cái; đến “Sau lời chia tay” nói về những tổn thương trẻ có thể hứng chịu do quá trình ly hôn của cha mẹ và những diễn biến trong tâm lý, hành vi của trẻ theo tiến trình thời gian sau khi sự việc xảy ra; từ câu chuyện hiểu sao cho đúng về phương pháp “tâm bình an”, “nuôi con an yên” theo phong trào đang rộ lên thời gian gần đây, chính là “khả năng tự phục hồi cảm xúc” trong khoa học, đưa ra một cái nhìn thấu đáo nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra những “lỗ hổng” trong nhận thức của nhiều người về vấn đề này.

Các chủ đề trong Dạy con trong “hoang mang” 2 mở rộng từ gia đình đến nhà trường, từ gia đình đến xã hội. Nếu “Để con nhảy múa” đề cập đến hiện tượng các bố mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng và khuôn phép lên con mình, khiến con không được tự do sáng tạo và thoải mái như chính con đáng có, đến những câu chuyện lớn về nhân sinh quan của đời người như “Công ơn dưỡng dục”, nói về mối tương quan giữa con người với thế giới, với vạn vật, hay “Muối của đất công chính”, nói về ý thức liêm chính trong xã hội có thể bắt đầu từ khi trẻ còn rất nhỏ…

Nếu với Dạy con trong “hoang mang”, tác giả đã nỗ lực vượt qua được vai trò của một giảng viên đại học và chuyên gia tâm lý để đồng thời trở thành một nhà khoa học, người kể chuyện, người tư vấn, và người bạn đồng hành cùng độc giả, thì ở Dạy con trong “hoang mang” 2, tác giả đã sử dụng lối hành văn giàu nhạc điệu, giàu tình cảm hơn, ẩn chứa sự quan tâm sâu sắc của tác giả đối với độc giả của mình. Giờ đây, giọng văn và tác giả như đã hòa thành một.

Như tác giả chia sẻ:

Khi viết bộ Dạy con trong “hoang mang”, điều mong muốn duy nhất của tôi là thế hệ con cháu của chúng ta không phải gánh chịu những khổ đau mà chúng ta đã và đang trải qua. Khổ đau đó một phần vì những vô minh của thế hệ đi trước, nhưng “tiên trách kỷ, hậu trách bỉ”, nó cũng là hậu quả của những vô minh của chúng ta, những di sản mà với tinh thần trách nhiệm, chúng ta phải thừa nhận và cùng bắt tay nhau để giải quyết. Và chúng ta chỉ có thể giải quyết những di sản đó khi thân tâm chúng ta được chuyển hóa để có thể sống mỗi ngày mỗi “sáng suốt, định tĩnh, và trong lành” hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ