(GD&TĐ) - Thông thường trẻ con không làm việc nhà, chính chúng mới là nguyên nhân khiến chúng ta phải dọn dẹp. Dạy cho trẻ biết tầm quan trọng của việc dọn dẹp và gọn gàng là một việc rất khó. Tuy nhiên, bạn có thể bắt đầu gieo những hạt giống đầu tiên vào đầu chúng bằng những cách đơn giản nó sẽ khiến việc nhà trở nên thật vui vẻ.
Đừng coi là chuyện nhỏ:
Việc nhà thường được coi là không quan trọng và được gán cho những cái tên như việc vặt, việc không tên… và cũng được coi là xa lạ với trẻ em. Tuy nhiên, dạy trẻ biết làm việc nhà là điều quan trọng và cần thiết vì những nguyên nhân sau đây:
- Trẻ tham gia làm việc mới biết lao động là vất vả như thế nào và hình thành ý thức coi trọng thành quả của lao động, ví dụ: lau nhà không đơn giản vì vậy bé phải luôn giữ cho nhà sạch sẽ, không vứt rác bừa bãi.
- Niềm vui trong lao động khiến trẻ thêm hào hứng với các hoạt động thể lực và tự hào vì mình làm được những việc có ích.
- Cha mẹ dạy con làm việc nhà tức là đã chia sẻ được sự vất vả của mình để các thành viên trong gia đình cùng nhau gánh vác.
- Khi cùng con làm việc nhà là lúc mà cha mẹ có cơ hội khám phá thêm nhiều đặc tính của con mình mà bình thường chưa phát hiện ra như sự khéo léo, tính kiên nhẫn, tính sáng tạo...
Chọn việc cho trẻ
Khi quyết định kết hợp những việc vặt trong nhà với cuộc sống của bé, trước tiên bạn phải cân nhắc xem công việc nào phù hợp với lứa tuổi. Trẻ từ 3 đến 5 tuổi có thể tự thu dọn đồ chơi vào giỏ sau khi chơi xong, tự dọn giường ngủ cho gọn hơn, cho vật nuôi ăn...; Trẻ từ 6 đến 8 tuổi có thể giúp mẹ lau dọn bàn ăn, phơi quần áo cùng mẹ hoặc đổ rác; Trẻ từ 9 đến 12 tuổi có thể rửa xe, rửa bát, hút bụi, quét dọn vườn tược, nhổ cỏ; Trẻ lớn hơn có thể giặt là, nấu ăn, cọ phòng tắm. Những sự phân chia này chỉ mang tính tương đối, nên căn cứ vào điều kiện cụ thể để áp dụng, miễn sao việc nhà mang lại niềm vui, sự thư giãn cho trẻ mà không ảnh hưởng đến việc học tập của các em.
Các bước dạy con làm việc nhà
1.Biến việc nhà thành trò chơi
Hãy biến việc nhà thành một trò chơi và bọn nhỏ thậm chí sẽ không nhận ra chúng đang làm việc nhà. Chẳng hạn bạn cho bé đóng vai robot hoặc siêu nhân khi dọn đồ chơi. Hoặc bạn có thể tìm những bài hát vui nhộn khi bé làm việc.
2. Thử sức cùng các bé khác
Sàn nhà ngổn ngang đồ chơi do hai hoặc nhiều hơn hai bé bày bừa, giải pháp lúc này là bạn nên tâm lý. Trước tiên, bạn đưa cho mỗi bé một chiếc giỏ rỗng, đặt chuông báo thức sau 2 phút. Tiếp đến, bạn kích thích các bé: “Cho mẹ xem ai sẽ nhặt được nhiều đồ chơi nhất nào?”. Bạn sẽ phải ngạc nhiên vì sàn nhà sạch sẽ nhanh hơn bạn mong đợi.
3. Chia nhỏ phần việc
Bạn nên đưa cho bé những lời chỉ dẫn càng ngắn gọn, đơn giản càng tốt. Bởi vì, bé sẽ bắt đầu chán nản khi phải nghe: “Con hãy dọn phòng ngủ, sắp xếp đồ gọn gàng trong phòng tắm, nhặt rác vào thùng rác”. Tốt nhất, bạn chỉ nên nhờ bé một việc cụ thể với những chỉ dẫn rõ ràng như: nhặt vỏ kẹo trên mặt bàn vào thùng rác.
4. Tìm ra hoạt động bé yêu thích
Cho dù bé 7 tuổi nhà bạn đòi rửa bát, bạn cũng nên hướng dẫn và động viên bé thực hiện điều này thường xuyên (ngay cả khi bạn vẫn phải rửa lại đống bát cho bé). Nếu bé muốn cầm chổi quét nhà, bạn nên để bé được thoải mái. Bạn cũng có thể làm cùng bé nếu bé đồng ý.
5. Nói lời cảm ơn
Đừng quên cám ơn con khi con hoàn thành việc giúp đỡ bạn. Hãy cám ơn hoặc khen ngợi một cách tự nhiên khi trẻ làm những việc hữu ích. Như vậy đứa trẻ sẽ hiểu rằng đây là những việc làm tích cực và sẽ lặp lại trong lần sau.
Thủy Linh