Dạy con học tại nhà: Đừng nặng nề thành tích

GD&TĐ - Theo chuyên gia, các bậc cha mẹ cũng cần thay đổi suy nghĩ, điều chỉnh hành vi của bản thân trong việc dạy con học bài.

Để giúp trẻ tự học, tự chủ là cả một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên trì và vun đắp từ gia đình. Ảnh minh họa: INT.
Để giúp trẻ tự học, tự chủ là cả một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên trì và vun đắp từ gia đình. Ảnh minh họa: INT.

Con cần hiểu rõ trách nhiệm

Soạn sách vở hộ con, nhắc con đi học, ngồi cùng con khi học…, lâu dần hình thành thói quen chỉ khi có cha mẹ bên cạnh trẻ mới tập trung được. Thói quen này khiến cho trẻ gặp nhiều khó khăn trong học tập.

Ngoài ra, nhiều cha mẹ có tâm lí ép con học thật nhiều, đặc biệt là các môn học trên trường nhằm đạt được kết quả cao nhất. Có những buổi học kéo dài tới tận khuya.

Cha mẹ thường nghĩ rằng, càng học nhiều thì kiến thức của trẻ sẽ càng phong phú, đa dạng, kết quả sẽ cao hơn. Nhiều gia đình thường có thói quen nhắc con học bài hoặc thậm chí là ép thúc.

Ban đầu có thể là cách làm hiệu quả để con nhớ tự giác học, nhưng lâu dần điều này vô tình khiến con cảm thấy học là việc của bố mẹ, bố mẹ nhờ con làm chứ không phải việc của con. Theo thời gian, nếu con không hiểu rõ được học tập là trách nhiệm của bản thân, con sẽ sinh ra tính ỷ lại, hạn chế chủ động không chỉ trong học tập mà còn trong các hoạt động cá nhân khác.

Ngược lại, một số quan điểm cho rằng, học là vấn đề của trẻ, hãy để chúng tự giải quyết. Các kiến thức trong nhà trường sẽ được nâng cấp từ dễ đến khó tùy theo năng lực của trẻ. Vì thế, không cần gây sức ép, con vẫn có thể học tốt.

Thực tế, rất nhiều phụ huynh đã giác ngộ rằng không ép con học, không so sánh con cái mình với bạn bè. Nhưng điều trăn trở đằng sau là làm sao nuôi dưỡng cho con tinh thần ham học, tự học.

ThS Nguyễn Thị Minh Hằng - Chủ nhiệm bộ môn Kỹ năng sống, Trung tâm Trí tuệ Việt cho biết, trẻ không muốn học luôn là một vấn đề khiến nhiều bậc cha mẹ phiền lòng. Và đây cũng là nguyên nhân chính khiến trẻ không có kết quả tốt. Ham học chính là nguồn động lực để học tập có kết quả, đặc biệt là đối với những bé ở cấp Tiểu học. Muốn vậy, trẻ cần tự giác trong mọi việc.

“Sẽ chẳng có phương pháp nào tốt bằng hình thành thói quen giáo dục tại gia đình. Cha mẹ chỉ nên hỗ trợ con về điều kiện học tập, tạo thêm cho con động lực để trẻ dành thời gian tập trung hơn. Cha mẹ nên dạy những kỹ năng mà nhà trường ít có thời gian dạy, như làm việc nhà, ý thức về môi trường sống và cách ứng xử trong giao tiếp... Như vậy con trẻ mới tiếp nhận những kiến thức song hành” - ThS Nguyễn Thị Minh Hằng nhấn mạnh.

Cũng theo ThS Hằng, trong bất cứ lĩnh vực nào, sự điều độ và hợp lý cũng là yếu tố quan trọng. Trong học tập cũng vậy, ép trẻ học quá nhiều môn học khi trẻ không muốn có thể gây ra tác dụng ngược lại. Trẻ sẽ cảm thấy chán nản, áp lực, từ đó bỏ bê chuyện học hành. Thậm chí một số trẻ còn bị ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe.

con-tu-hoc-cha-me-tu-do.jpg
Ảnh minh họa: INT.

Đừng nặng nề thành tích

Cô Lê Hằng Nga, nguyên giáo viên Trường THCS Thống Nhất (Hà Nội) cho biết, cha mẹ hãy coi việc học thật nhẹ nhàng. Rất nhiều người đang tự gây áp lực theo kiểu con mình phải nổi trội, giỏi, hoặc nếu không, ít nhất cũng không thua con nhà hàng xóm. Thói quen luôn coi trọng điểm số khiến bố mẹ phải gồng mình trong cuộc chạy đua thành tích. Học kiến thức là việc cả đời. Ở độ tuổi còn nhỏ, cái trẻ cần hơn là các kỹ năng xã hội và kỹ năng giao tiếp.

Cô Hằng Nga gợi ý, khi học cùng con hãy chuẩn bị thật kỹ, có thể thử áp dụng các phương pháp giảng dạy bằng hình ảnh, dễ tiếp cận với trẻ và tăng hứng thú trong học tập.

“Học mà chơi, chơi mà học” là nguyên tắc cha mẹ tuyệt đối không được quên trong cách dạy con. Trẻ con dễ dàng tiếp thu mọi thứ nếu chúng được vui vẻ và thoải mái. Cách dạy con tự học không chỉ là con tập trung ngồi học mà rộng hơn là trước bất kỳ vấn đề hay hoạt động nào, trẻ luôn biết mình cần làm gì, tại sao lại làm, nếu không làm việc đó sẽ có hệ quả như thế nào, rút được kinh nghiệm gì cho lần sau…

Cũng theo cô Nga, cha mẹ cần có phương pháp để hướng trẻ đến suy nghĩ “con có thể làm được” bằng chính sự kiên trì, nỗ lực, thay vì “con không biết” hay “con không thể làm được”. Hơn thế nữa, khi thấu hiểu thì phụ huynh có thể giúp con kết nối với cuộc sống rộng lớn ngoài kia.

Bên cạnh đó, một số bậc phụ huynh có thói quen kiểm tra bài vở của con một cách bất ngờ. Nguyên nhân có thể xuất phát từ sự nghi ngờ, không tin tưởng độ trung thực trong quá trình học tập của con. Điều này có thể khiến trẻ rơi vào tâm lý bị giám sát, không thoải mái. Cha mẹ nên dành thời gian quan sát và nếu nhận thấy con có những “biểu hiện” không trung thực thì hãy khéo léo trò chuyện “gỡ rối” cùng con.

Sự đồng hành hiệu quả của cha mẹ chỉ đạt được khi tìm ra phương pháp chỉ dạy đúng, phối hợp cùng sự giáo dục của thầy cô, học hỏi từ bạn bè.

“Để giúp trẻ tự học, tự chủ là cả một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên trì và vun đắp từ gia đình. Sự chuẩn bị của cha mẹ, bồi đắp niềm tin cho con là những bước khởi đầu cơ bản cho quá trình giúp con trẻ tự học được trong tương lai. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh cần có sự cởi mở trong nhận thức, sẵn sàng đón nhận cái mới nhưng không quên đồng hành cùng con”, cô Nga nhấn mạnh.

Theo cô Hằng Nga, điểm số kỳ này của con có thể thấp hơn nhưng nếu con lễ phép, biết kính trên nhường dưới, vui vẻ, hòa nhã với mọi người thì cũng đâu phải là vấn đề quá to tát. Con vẫn có thể cố gắng ở những kỳ tiếp theo. Chính cái nhìn tích cực của bố mẹ trong cách dạy con học sẽ ảnh hưởng tốt đến trẻ. Khi ấy, trẻ không coi học là việc bắt buộc, dần dần sẽ sớm coi việc học như một sở thích, thú vui và tự giác hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Góc phố Tết” của Trường Tiểu học Phú Thọ. Ảnh: MA

Cùng bạn nghèo đón Tết

GD&TĐ - Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học tại TPHCM tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, giúp học sinh hiểu thêm về Tết cổ truyền.

Nhóm sinh viên đoạt giải Nhất trong lĩnh vực Khoa học giáo dục Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học.

Bản đồ cho học sinh khiếm thị

GD&TĐ - Học sinh khiếm thị có thể học lịch sử và địa lý qua bản đồ nổi, dễ dàng hình dung, nhận biết, xác định được các vị trí cần thiết để phục vụ học tập.