Tác giả cuốn sách “Giáo dục ứng xử - dạy con bản lĩnh” đã đưa ra giải pháp dùng cách “ám thị” để nói khác đi với con, nhằm đạt mục đích giáo dục con tốt hơn.
Sáng 20/9, tại TP Vinh (Nghệ An) diễn ra lễ ra mắt sách “Giáo dục ứng xử - Dạy con bản lĩnh”. Cùng dự có nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cùng nhiều phụ huynh, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành, thị tỉnh Nghệ An.
Về ý tưởng viết sách, tác giả Đinh Anh Tuấn chia sẻ, qua quan sát hàng ngày, nhiều phụ huynh thiếu kỹ năng trong nuôi dạy con. Bậc làm cha mẹ thương yêu con, kỳ vọng vào sự phát triển, trưởng thành của con. Nhưng giữa lời nói và mong muốn của bố mẹ về con cái có sự đối lập nhau, thường tập trung vào điều tiêu cực như: Con phải..., con không bằng góc con nhà người ta, sao con dốt thế, con không được chơi với nó!
Cách sử dụng ngôn ngữ của phụ huynh, đối khi để thỏa mãn, giải tỏa bức xúc, tức giận của bản thân mà vô tình xúc phạm, tổn thương đến con. Điều đó dẫn đến sự đồng điệu giữa phụ huynh và học sinh ngày càng hạn chế.
Tác giả Đinh Anh Tuấn từng là giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện đã mở công ty chuyên về giáo dục.
Theo tác giả, trẻ con trải qua 3 giai đoạn: Ích kỷ - Ngang bướng - Nổi loạn, đây là 3 giai đoạn phát triển bình thường. Tuy nhiên, để trẻ vượt qua được cuộc khủng hoảng trưởng thành này, phụ huynh cũng cần phải được hướng dẫn, học cách làm cha mẹ.
Với trăn trở đó, Đinh Anh Tuấn đã chia sẻ với TS. Nguyễn Vinh Hiển - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT và anh Hà Đình Hoàn (từng giảng dạy và quản lý trường phổ thông). Với sự tham gia của 2 cố vấn giàu kinh nghiệm, sau 2 năm, tác giả đã hoàn thành 2 cuốn sách Dạy con bản lĩnh (dành cho cha mẹ) và Giáo dục ứng xử (dành cho cha mẹ và các con.
Tại buổi ra mắt sách, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng chia sẻ với đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành thị tỉnh Nghệ An, các bậc phụ huynh: Việc nuôi dạy trẻ tưởng chừng có thể kiểm soát, nắm trong lòng bàn tay, nhưng thực tế không như vậy. Hãy lắng nghe để chia sẻ, giáo dục con tốt hơn.
Sách được viết dựa vào nguyên tắc “không có đứa trẻ nào không thể dạy dỗ, chỉ có cha mẹ chưa biết phương pháp dạy con”. Trong đó khuyến khích các bậc cha mẹ nói khác đi, dùng cách “ám thị” để đạt được mục đích giáo dục con.
Nội dung sách đưa ra câu nói thường ngày của bố mẹ mà làm tổn thương con, lấy dẫn chứng những câu chuyện thực tế, giúp có cách xử lý phù hợp khi xảy ra tình huống tương tự. Đồng thời đưa ra giải pháp để áp dụng hiệu quả cơ chế ám thị, thay đổi cách nói ở các hoàn cảnh khác khác nhau.