Ma túy - vấn nạn nhức nhối của xã hội - rất cần có sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cha mẹ, thầy cô, nhà trường để ngăn chặn, đẩy lùi. Do vậy, cần dạy trẻ hiểu về pháp luật cũng như những kiến thức bổ ích để phòng tránh.
Nâng cao vai trò của giáo viên
Giáo dục và giúp trẻ hiểu về Luật Phòng chống ma túy trong nhà trường có tác dụng nâng cao sức đề kháng của học sinh trước một tệ nạn xã hội vô cùng nguy hiểm và nhức nhối. Từ đó, giúp các em học sinh - sinh viên hiểu đúng và đủ về các tác hại khôn lường của ma túy, hình thành tâm thế đúng đắn trước vấn đề này.
Do đó, các gia đình, nhà trường và xã hội cần chung tay tạo môi trường sống lành mạnh, văn minh để ngăn ngừa thanh thiếu niên sa vào ma túy. Muốn vậy, mỗi gia đình cần quan tâm, giáo dục con phát triển toàn diện. Nhà trường cần tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh cho thanh thiếu niên, nhất là các chương trình tăng cường hiểu biết về Luật phòng chống ma túy.
Cô Lê Thị Nga – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Phúc (Hà Nội) chia sẻ, giáo viên là những người trực tiếp tiếp xúc với học sinh, sinh viên, là những người có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, định hướng cho các em. Do đó, thầy cô có trách nhiệm thực hiện tốt các nhiệm vụ trong công tác phòng, chống ma túy.
Giáo viên cần tích cực tuyên truyền, giáo dục cho các em hiểu về luật phòng chống ma túy, tác hại, những nguy cơ, hệ lụy và cần phối hợp với các đoàn thể, tổ chức để tạo môi trường học tập, sinh hoạt lành mạnh cho học sinh, sinh viên, giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội, trong đó có ma túy.
Theo chuyên gia, hiện nay thời đại công nghệ số 4.0, thế giới mạng rất khó kiểm soát. Các trang mạng đen quảng cáo, hướng dẫn cách sử dụng ma túy hay có cả các đối tượng bán ma túy trên đó. Ma túy dễ mua, dễ sử dụng hơn, ngụy trang dưới nhiều hình thức hơn… Chất gây nghiện ngụy trang qua mặt lực lượng chức năng, là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, trôi nổi ngoài thị trường.
Nhiều loại ma túy mới rất khó nhận biết, phát hiện như nước vui, trà sữa, bùa lưỡi hay như thuốc lá điện tử, shisha có thể tẩm tinh dầu cần sa, cỏ Mỹ. Các đối tượng cho tinh dầu cần sa, hóa chất cỏ Mỹ vào thuốc lá điện tử thì rất khó phát hiện. Nhìn bên ngoài như pod thuốc lá điện tử bình thường nhưng thực chất là sử dụng trái phép ma túy.
Ngoài ra, cỏ Mỹ là lá thuốc lá tẩm hóa chất được các đối tượng đóng gói rất đẹp, màu sắc sặc sỡ. Chúng sẽ cuốn và hút như thuốc lá hay như dùng thuốc lào. Thêm nữa, ma túy, cần sa cũng được dùng dưới dạng cuốn hút cũng là loại ma túy dễ xâm nhập vào học sinh vì khi sử dụng cũng không khác gì hút thuốc điếu.
“Gia đình là tế bào của xã hội là quan trọng nhất, bố mẹ dạy con các kỹ năng phòng tránh ma túy, không để bạn bè xấu lôi kéo rủ rê. Tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, tránh trò chơi điện tử, thế giới mạng ảo, không đi đêm về hôm tránh các quán bar vũ trường phức tạp”, cô Nga nhấn mạnh.
Ảnh minh họa. |
Tuyên truyền thiết thực, không giáo điều
Theo cô Nguyễn Thu Huyền, giáo viên Trường THPT Đại Cường (Hà Nội), để giúp trẻ hiểu về Luật phòng chống ma túy, mỗi nhà trường cần phối hợp với cơ quan công an, cơ quan phòng chống tệ nạn xã hội tuyên truyền cho học sinh sinh viên. Công tác tuyên truyền phải thực tế, thường xuyên liên tục, thiết thực, không giáo điều.
Gia đình và nhà trường phải kịp thời nắm được các dấu hiệu nghi vấn sử dụng ma túy của con em mình như: Sinh hoạt giờ giấc bừa bãi, luộm thuộm, cẩu thả, thức khuya ngủ muộn. Không tập trung vào việc gì cả, học hành chểnh mảng, lực học sa sút. Sức khỏe giảm sút, trí nhớ kém, tinh thần phờ phạc, uể oải. Thêm nữa là việc các em tiêu nhiều tiền, không rõ mục đích, thường xuyên tụ tập, đàn đúm bạn bè theo nhóm đặc biệt thích nghe các nhạc với cường độ âm thanh mạnh.
Khi nghi ngờ, cha mẹ hoặc thầy cô có thể dùng que thử nhanh nước tiểu hay thử máu, tóc tại các bệnh viện, trung tâm giám định… Trường hợp phát hiện thì cần hỏi rõ con em tình trạng sử dụng như dùng từ khi nào, loại ma túy gì, hình thức, mức độ sử dụng. Bình tĩnh, động viên, hỗ trợ con tự cai tại gia đình, từ bỏ ma túy hay đi cai tại trung tâm cai nghiện. Giúp đỡ con vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ngoài ra cha mẹ cần dạy con những kỹ năng để cảnh giác không để bị chuốc rượu say, bị người lạ hòa ma túy vào đồ ăn, thức uống. Nếu có biểu hiện khác thường khi sử dụng phải kiểm tra ngay, báo gia đình và cơ quan chức năng. Sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục thể thao, đọc sách nâng cao tri thức… Không sử dụng quá nhiều mạng Internet, mạng xã hội, tránh các trang web độc hại. Hạn chế đến các điểm bar, sàn, karaoke, café đèn mờ.
Đừng quên dạy con cách nói “Không” khi bị bạn bè rủ rê dùng thử ma túy. Hãy cùng con thảo luận để đưa ra một phương án tốt nhất nhằm giảm áp lực và sự tự ái trước bạn bè. Nếu con đang sử dụng các chất gây nghiện, người lớn cần phải bao dung nhưng vẫn cương quyết.
“Quan trọng hơn cả, cha mẹ cần làm gương cho con bằng cách tránh xa các chất gây nghiện, thậm chí cả rượu, bia và thuốc lá. Điều này giúp trẻ thực sự hiểu được sự nguy hiểm của chất gây nghiện không chỉ ảnh hưởng tới thanh thiếu niên, mà cả người trưởng thành”, cô Huyền nhấn mạnh.
Để ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các Sở GD&ĐT và hệ thống các trường học tổ chức các hoạt động thi sáng tác ca khúc về đề tài phòng chống ma túy; thi văn nghệ với chủ đề phòng chống tệ nạn ma túy; cắm trại, lồng ghép hoạt động phòng chống ma túy với các hoạt động văn nghệ, thể thao, tạo được sân chơi lành mạnh, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia...