Một cặp chim hồng tước. Ảnh: Ben Twist/Fotolia. |
ScienceDaily hôm qua đưa tin, nghiên cứu do các nhà sinh học ở Đại học Quốc gia Australia (ANU) tiến hành, có thể phục vụ công tác huấn luyện các loài vật trong môi trường nuôi nhốt nhận biết tín hiệu nguy hiểm trước khi thả vào tự nhiên.
Các nhà sinh học đã huấn luyện chim hồng tước bằng cách bật những âm thanh xa lạ cho chúng nghe, đồng thời ném mô hình một loài chim săn mồi như chim đồ tể hoặc diều hâu sượt qua chúng.
Chỉ sau 8 lần bật lại băng, những con chim đã biết cách chạy trốn. Ngược lại, khi bật âm thanh lạ khác, chúng vẫn ở nguyên tại chỗ.
""Con chim đầu tiên chúng tôi thử nghiệm sống trong sân trường ANU gần văn phòng của tôi. Nhiều người không thể tin nổi và rất thích thú khi thấy chú chim hoàn thành nhiệm vụ,"" Robert Magrath, Giáo sư ở Trường nghiên cứu sinh học của ANU, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết.
Nhiều loài động vật thu thập thông tin về sự nguy hiểm bằng cách nghe lỏm lẫn nhau, nhưng cách chúng thực hiện việc này vẫn còn là một câu hỏi.
""Nhận biết tiếng kêu của các loài khác là một khả năng đáng chú ý, bởi có nhiều loài trong môi trường tự nhiên và nhiều loại tiếng kêu khác nhau. Điều này cũng tương tự như việc hiểu nhiều ngôn ngữ khác nhau.""