Đẩy cái khó cho bạn

GD&TĐ - Đêm mùng 7 rạng sáng 8/7, hàng chục hành khách đi trên hai chuyến tàu SE4 và SE8 từ TPHCM đến Huế đã buộc phải đi thêm 70km nữa để xuống ga Đông Hà, tỉnh Quảng Trị chứ không thể xuống ga Huế.

Lý do được đưa ra là, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế trước đó đã có công văn gửi ngành đường sắt đề nghị không bán vé tuyến ga Sài Gòn - Huế để… chống dịch (!). Vì vậy, ga Huế không đón khách từ Sài Gòn về.

Số hành khách nói trên là người Huế, đang làm đủ các ngành nghề ở Sài Gòn, vì không có việc để làm lúc dịch dã, họ muốn về nhà vừa để lánh dịch, vừa đỡ phải đối mặt với đói kém nếu tiếp tục bám lại Sài Gòn. Việc không cho hành khách về từ Sài Gòn được xuống ga Huế khác nào đẩy cái khó cho bạn, cụ thể ở đây là tỉnh Quảng Trị.

Vì số hành khách này, sau khi đến ga Đông Hà, ngành y tế tỉnh Quảng Trị đã đưa họ lên Lao Bảo - nơi có khu cách ly tập trung dành cho những người từ vùng dịch trở về, theo quy định của ban phòng chống dịch, để cách ly 21 ngày như quy định. “Nếu chúng tôi cũng làm như Thừa Thiên - Huế thì số người này còn biết về đâu nữa?” - một lãnh đạo của Ban Phòng chống dịch tỉnh Quảng Trị nói.

Thực ra, ngay trong lúc dầu sôi lửa bỏng này mà bỏ Sài Gòn để về quê là một quyết định khó khăn. Những người này đã không có sự chọn lựa nào khác, dù họ biết về quê lúc này là phải đi cách ly 21 ngày, phải chịu các khoản phí theo quy định.

Nhưng thà như thế còn hơn trụ bám lại Sài Gòn, đã ở giữa tâm dịch lại phải  trả tiền nhà thuê mướn và không có việc gì làm nữa. Trong hai tình huống xấu, họ chọn cái xấu ít hơn.

Cũng nên biết điều này, dù là ở tâm dịch trở về nhưng những hành khách người Huế này đã tuân thủ tất cả những quy định về phòng dịch. Nghĩa là, họ đã làm xét nghiệm âm tính và thực hiện nghiêm ngặt “5 K” trước khi lên tàu cũng như trong suốt hành trình. Thế nhưng, chối bỏ họ là điều rất khó có thể chấp nhận. Nhất là số người này cũng là bà con người Huế của mình.

Ban Phòng chống dịch Trung ương và bản thân Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về tình trạng “chống dịch cực đoan” đã xảy ra ở một số tỉnh xung quanh TPHCM trong thời gian qua. Nhưng cực đoan theo kiểu Thừa Thiên - Huế thì chỉ có một.

Không thể viện lý do là chống dịch để từ chối tiếp nhận công dân của mình, trong khi chưa hẳn họ dương tính với SARS-CoV-2. Mà dẫu có dương tính đi nữa thì vẫn còn một giải pháp khác là đưa vào bệnh viện để điều trị! Hiện tại, tỉnh nào cũng có những khu cách ly tập trung dành cho người từ nước ngoài hay người từ những vùng dịch trong nước trở về.

Dịch Covid-19 đang lan nhanh ở nhiều tỉnh, thành phố. Việc cảnh giác để ngăn ngừa dịch là cần thiết nhưng không có nghĩa là chúng ta ngoảnh mặt với những khó khăn của người dân. Hơn lúc nào hết, lúc này mới cần sự cưu mang, đùm bọc và cần sự đoàn kết đồng lòng để vượt qua khó khăn.

Chưa lúc nào, lời nhắn nhủ của tiền nhân lại thấm thía như lúc này “trong cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.