Dạy bé yêu lao động sẽ giúp bé vượt qua thách thức tốt hơn

GD&TĐ - Một trong những kỹ năng mà đa số phụ huynh quên mất trong việc dạy trẻ, đó là lao động. Điều đó quả thật là thiếu sót, vì lao động là vinh quang cơ mà!

Dạy bé yêu lao động sẽ giúp bé vượt qua thách thức tốt hơn

Từ thói quen đến yêu

Ấn tượng lớn nhất khi gấp quyển “Em phải đến Harvard học kinh tế” với tôi đó là việc bà mẹ đã có ý thức dạy bé Lưu Diệc Đình yêu lao động ngay từ lúc mới hơn một tuổi. Ở độ tuổi này, không ít người vẫn còn cầm bát chạy theo con để mong bón thêm được thìa cháo hoặc tất tưởi dọn cả đống đồ chơi bé vứt vung vãi khắp nhà. Vô hình chung, trong tầm nhận thức non nớt của bé, lao động là “trách nhiệm” của người lớn và được phục vụ là “đặc quyền” của trẻ con. Theo thời gian, đặc quyền này ngày càng được định hình một cách mạnh mẽ, và như thế, trẻ không lao động không phải vì lười, mà vì đó là điều đương nhiên phải thế.

Khi trẻ đã lớn, đòi hỏi của chúng ta ở trẻ ngày càng nhiều, không dừng lại ở mức “biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan” nữa. Trẻ cần phải biết quét nhà giúp mẹ, biết gấp quần áo của mình, biết rửa bát sau khi ăn, thậm chí là biết nấu cơm cho bố mẹ. Đây hoàn toàn là những việc mà trẻ không cần phải đủ lớn, đủ khéo hay đủ khỏe mới làm được. Nhưng nếu trẻ không được hình thành ý thức lao động ngay từ bé, tất cả những công việc này sẽ trở thành gánh nặng. Làm việc ngay từ bé, dù chỉ là những việc vô cùng nhỏ như cất đồ chơi hay tự vứt rác, sẽ khiến trẻ dần hình thành thói quen lao động. Từ thói quen, trẻ sẽ thấy lao động không còn là điều gì gây mệt mỏi hay nhàm chán. Đạt đến mức độ đó, cha mẹ đã thành công một nửa.

Một nửa còn lại, đó là từ thói quen lao động để dẫn đến yêu lao động.

Mọi đứa trẻ đều cảm thấy rất vui vẻ và hăng say với việc làm tay chân, đó là bản chất của trẻ nhỏ. Làm việc cũng giống như một cách để trẻ được tiếp xúc và khám phá thế giới bằng toàn bộ trí tò mò và lòng háo hức. Chúng luôn sẵn sàng lao vào giành lấy cây lau nhà trên tay của mẹ, say sưa tự giặt quần áo của mình và cực kỳ thích thú với việc nhặt rau hay đập trứng. Toàn bộ những công việc vốn rất nhàm tẻ đó với người lớn lại là một thế giới vô cùng mới mẻ và lạ lẫm với trẻ nhỏ. Vì thế, có thể nói, trong mọi đứa trẻ đều có sẵn tình yêu lao động rồi, việc của bạn chỉ là khơi dậy tình yêu đó mà thôi.

Rèn thói quen “sai trẻ”

Nếu bạn nghĩ rằng, muốn trẻ yêu lao động thì cần phải dạy, nghĩa là việc này rất khó. Mọi việc sẽ trở nên đơn giản nếu bạn coi như đó là một điều hiển nhiên. Đừng quá nặng nề, hay áp đặt, hoặc đặt mục tiêu gì quá to tát. Hãy coi như lao động là một trong những kỹ năng sống cần phải có của trẻ giống như vô vàn kỹ năng bất kỳ nào khác như học ăn, học nói, học đi lại, học giao tiếp…

Để tạo thói quen làm việc cho trẻ, cha mẹ cũng cần rèn luyện thói quen “sai trẻ”. Chúng ta luôn có bản năng chăm sóc thật chu dáo cho chúng, đặc biệt là khi chúng còn quá bé bỏng. Chính vì bản năng này mà đôi khi bạn làm việc thay chúng một cách không có ý thức. Chẳng hạn, chúng ta nhanh chóng lấy khăn lau miệng trẻ sau khi ăn thay vì sai chúng tự lấy giấy lau miệng; chúng ta đợi bọn trẻ ngủ say rồi mới dọn dẹp đống đồ chơi còn vương vãi của chúng thay vì sai chúng cất đồ chơi xong mới được đi ngủ; chúng ta lấy quần áo cho chúng thay vì để chúng tự vào tủ chọn đồ cho mình… Đó hoàn toàn là những việc chúng có thể làm rất tốt, chỉ cần bạn đừng làm tranh mất phần việc của chúng.

day tre nau an

Cuối cùng, bọn trẻ là chúa vụng về. Bạn không bao giờ hi vọng chúng có thể làm tốt mọi việc như bạn đã làm, đó là lý do vì sao bạn thà mất chút thời gian để làm còn hơn là sai chúng. Đó là sai lầm mà phần lớn các bậc cha mẹ mắc phải. Bạn sợ chúng làm vỡ bát, sợ chúng quét nhà không sạch, sợ chúng sẽ ướt sũng sau khi giặt một bộ quần áo, sợ chúng sẽ làm rối tung tủ đồ nếu để chúng tự chọn đồ để mặc…, tất cả các nỗi sợ đó khiến bạn chỉ muốn chúng tránh càng xa càng tốt mỗi khi bạn làm việc nhà. Vậy là, chúng không có cơ hội để thử làm, chúng cũng không có thói quen làm, và đương nhiên lớn lên chúng sẽ trở thành những kẻ vụng về.

Hãy cứ để chúng làm bất cứ việc gì chúng muốn ngay từ lúc chúng mới bắt đầu biết giao tiếp với bạn – đó là cách tốt nhất để bạn có một đứa trẻ yêu lao động và có khả năng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống sau này.

Theo Giadinhtre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.