Dạy bé cách cư xử lịch sự qua tấm gương bố mẹ

GD&TĐ - Trẻ sẽ bắt chước và quan sát người lớn tương tác với nhau, vì thế, cha mẹ cần có cách hành xử phù hợp để làm gương cho con.

Dạy bé cách cư xử lịch sự qua tấm gương bố mẹ
Trẻ nên được dạy những nguyên tắc cư xử cơ bản từ những năm đầu đời. Ảnh minh họa.

Trẻ nên được dạy những nguyên tắc cư xử cơ bản từ những năm đầu đời.

Dưới đây là một vài mẹo giúp cha mẹ dạy bé hiểu về cách xử sự.

1. Nhớ những điều cơ bản

Hãy bắt đầu dạy con nói "làm ơn" hoặc "cảm ơn" khi chúng bắt đầu học nói (giai đoạn khoảng một tuổi). Tạo dựng thói quen cho trẻ từ những năm đầu đời sẽ mang lại hiệu quả hơn bạn nghĩ.

Bố mẹ cũng có thể cho chúng ngồi vào bàn ăn với mọi người. Ở tuổi này, trẻ giống như những miếng xốp thấm hút. Chúng sẽ quan sát cách các thành viên gia đình tương tác với nhau trong giờ ăn và ghi nhớ toàn bộ thông tin.

Trẻ cũng sẽ hiểu những bộ phận cấu thành của cách cư xử và phép xã giao, như ngồi vào chỗ và nói "làm ơn" khi muốn thứ gì.

2. Bố, mẹ hãy là tấm gương cho con

Trẻ thích bắt chước người lớn. Thế nên, nếu muốn con lịch sự, bạn cần là người lịch sự trước. Mẹ có thể nói "làm ơn", "cảm ơn" hay "xin lỗi". Khi nghe những từ hay cụm từ lịch sự, chúng sẽ học tập và áp dụng theo. Nếu bạn có con lớn, cũng đừng quên nhắc bé, nhất là khi đang có mặt các em chúng ở đó.

3. Hãy chắc rằng bạn đang đặt ra những mục tiêu hợp lý

Đừng quá kỳ vọng và đặt mục tiêu lớn khi dạy con về cách hành xử, bởi không phải lúc nào trẻ cũng sẽ lắng nghe và vâng lời bạn. Hãy cho chúng không gian để tái phạm và đừng quá khắt khe với con. Những lời khen ngợi và khuyến khích từ cha mẹ sẽ làm trẻ thấy được thấu hiểu, thông cảm.

Cách hành xử của trẻ khi chơi cùng các bạn khác.

Khi con ra ngoài chơi với bạn, mẹ hãy tận dụng vì đó là thời điểm thuận lợi để dạy bé về chia sẻ. Phần lớn trẻ sẽ cãi nhau khi tranh giành đồ chơi. Mẹ cần hiểu trẻ không thích chia sẻ mọi thứ trừ khi chúng được dạy về điều đó.

Hãy đặt ra một số nguyên tắc. Chẳng hạn, yêu cầu chúng chơi theo lượt đồ chơi yêu thích và để chúng quyết định xem sẽ chơi món đồ đó ra sao. Trong trường hợp trẻ không tuân theo, hãy đưa ra cảnh báo. Và nếu chúng không nghe lời, đơn giản là dừng cuộc chơi.

Nếu con có một món đồ chơi yêu thích đặc biệt, tốt hơn hết là hãy cất nó đi trong khi bé đang chơi cùng các bạn khác để tránh một cuộc tranh giành ầm ĩ.

Theo Ngoisao.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ