Sáng 4/6, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề đầu tiên thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn.
Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục những hạn chế liên quan đến chất thải lây nhiễm, nước thải y tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) đề nghị Bộ có giải pháp quản lý tốt hơn tình trạng khai thác nước ngầm hiện nay cũng như công tác dự báo, dự phòng, nhằm chủ động ứng phó các biến động do ảnh hưởng của thiên tai.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh bày tỏ đồng tình quan điểm rất cần thiết quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống này xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải y tế tại các bệnh viện tuyến huyện như đại biểu nêu.
Bộ trưởng cũng thống nhất cần tăng cường công tác dự báo.
"Bộ cũng chỉ đạo cơ quan trực thuộc nâng cấp trang thiết bị, phối hợp với các tổ chức quốc tế tăng cường năng lực dự báo và hiện đã tiếp cận với trình độ quốc tế.
Điển hình như công tác dự báo hạn mặn được triển khai hiệu quả, cung cấp các bản tin thủy văn, cung cấp các bản tin cảnh báo thường xuyên theo chu kỳ 10 ngày, 1 tháng và theo mùa", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.
Theo Bộ trưởng, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung đầu tư hơn nữa cho công tác này dự báo. Qua đó, có thể dự báo, cảnh báo sớm và ngăn chặn các rủi ro của biến đổi khí hậu gây ra.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, cả nước chỉ có khoảng 17% nước thải sinh hoạt được xử lý, tỷ lệ rất thấp.
Hoạt động hợp tác công tư, xã hội hóa đầu tư các nhà máy xử lý nước thải đô thị rất quan trọng. Bởi, đầu tư công quan tâm đến công tác thu gom, còn xử lý cần được xã hội hóa, việc xử lý nước thải phải gắn với vận hành. Nếu làm được việc này sẽ tăng được tỷ lệ xử lý nước thải.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng thông tư, dự kiến cuối năm 2024 sẽ ban hành thông tư hướng dẫn để thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua.