Xác định việc đầu tư nguồn nhân lực đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ là yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng dạy và học, những năm gần đây, được sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện và phòng GD-ĐT, các nhà trường đã tích cực đổi mới công tác quản lý; khuyến khích CB,GV tự rèn luyện, nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm và phát huy tối đa năng lực, sở trường trong các hoạt động chuyên môn.
Với phương châm: “Mỗi đơn vị nhà trường là một trung tâm tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, các nhà trường thường xuyên tổ chức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học, bồi dưỡng Tiếng Anh, tin học; bảo quản, khai thác và sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học, tự bồi dưỡng, đăng kí nội dung tự bồi dưỡng theo điểm yếu và thiếu của bản thân; khuyến khích ứng dụng CNTT trong soạn giáo án điện tử, thiết kế bài giảng E-learning...
Để giúp các nhà trường có kế hoạch xây dựng chất lượng đội ngũ, giáo viên, xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phòng GD-ĐT huyện thường xuyên tổ chức các cuộc thi khảo sát giáo viên ở các bậc học và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động giáo dục của mỗi nhà trường, lấy kết quả đánh giá giáo viên và học sinh làm tiêu chí đánh giá công tác cán bộ quản lý.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về đổi mới hình thức đánh giá đối với học sinh tiểu học; tiếp tục đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng phát triển năng lực; chú trọng kết hợp đánh giá trong quá trình giáo dục và tổng kết; từng bước nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn, hướng dẫn học sinh nhận xét góp ý và biết tự đánh giá, phòng GD-ĐT đã hướng dẫn các trường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh.
Theo đó, các đơn vị đều thực hiện nghiêm túc chương trình mỗi cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện ít nhất một nội dung đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong một học kỳ. Đây được coi là một trong các tiêu chí để đánh giá xếp loại các tập thể và cá nhân trong năm học.
Việc sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách chi thường xuyên để tổ chức các hội thảo đổi mới phương pháp giảng dạy, hội thảo chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi; bồi dưỡng học sinh đại trà để nâng cao chất lượng tuyển sinh vào lớp 10; các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ các thầy cô giáo; tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy... được thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả cao.
Đặc biệt, việc tổ chức các Hội thi giáo viên dạy giỏi ở các cấp học, bậc học; cuộc thi giáo viên dạy giỏi theo chủ đề tích hợp, thiết kế bài giảng điện tử Elearning và thực hiện chế độ khen thưởng, động viên kịp thời đối với CB,GV, học sinh đạt thành tích cao trong giảng dạy và học tập đã tạo được khí thế và sự khích lệ đối với giáo viên, học sinh, cũng như thúc đẩy phong trào dạy và học trong các nhà trường.
Bằng các hoạt động nêu trên, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn của ngành GD-ĐT huyện Sông Lô ngày càng tăng và đạt nhiều thứ hạng cao trong các kỳ thi giáo viên giỏi cấp tỉnh.
Toàn huyện, hiện có 45/54 trường học các cấp đạt chuẩn Quốc gia, tăng 32 trường so với năm đầu tách huyện (2009). Bậc học Mầm non có gần 400 cán bộ quản lý, giáo viên có tỷ lệ chuẩn, trên chuẩn đạt 97,8%; 100% cán bộ quản lý, giáo viên bậc tiểu học và THCS đạt chuẩn, trên chuẩn.
Hàng năm, qua việc kiểm tra, phân loại, đánh giá công tác tự bồi dưỡng, kết quả 100% giáo viên và cán bộ quản lý được tập huấn đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh, phương pháp sử dụng và quản lý đồ dùng dạy học.
Năm học 2016-2017, thực hiện việc đổi mới đánh giá học sinh theo Thông tư 22, ở bậc tiểu học, toàn huyện có 1.354 giải cấp huyện, 73 giải cấp tỉnh, 6 giải Quốc gia trong các kỳ thi, hội thi: Tiếng Anh, Violympic Tiếng Anh, Toán Tiếng Anh, Tiếng hát dân ca... ; bậc THCS, có 66 giải trong kỳ thi HSG tỉnh lớp 9; 132 giải trong cuộc thi KHTN - KHXH lớp 8; 9 giải thi Tiếng Anh trên Internet cấp tỉnh… Chất lượng học sinh giỏi của huyện tiếp tục ổn định và phát triển với 39 giải cấp Quốc gia. Điển hình là các trường THCS: Sông Lô, Đồng Thịnh, Đôn Nhân, Đồng Quế; các trường Tiểu học: Tam Sơn, Tân Lập, Đồng Thịnh, Yên Thạch.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, đúng hướng, đến nay, các trường học trên địa bàn huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những bước chuyển tích cực về mọi mặt; nhất là chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học được nâng cao; môi trường, cảnh quan sư phạm được hoàn thiện theo hướng đồng bộ...
Từ một huyện nghèo, nhiều khó khăn, với sự nỗ lực không ngừng của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý trong các nhà trường, sự nghiệp GD của huyện miền núi Sông Lô đã có nhiều khởi sắc. Từ năm học 2014-2015, Sông Lô đã vươn lên đứng trong tốp đầu các huyện, thành thị trong tỉnh về chất lượng giáo dục.
Với khí thế mới, động lực mới, năm học 2017-2018 và những năm tiếp theo, chắc chắn, sự nghiệp GD-ĐT Sông Lô sẽ đạt được những thành quả cao hơn, góp phần tạo nền tảng nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng và phát triển KT- XH của địa phương.