Vẫn còn khó khăn
Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh Bình Phước có 430 trường học, trong đó 388 trường công lập, 42 trường ngoài công lập, với trên 247 nghìn học sinh. Về cơ sở vật chất, Bình Phước có gần 7.800 phòng học, hơn 1.000 phòng bộ môn, 800 phòng phục vụ học tập, 601 phòng chức năng. Để đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị phục vụ chương trình giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2021 -2025 theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tỉnh Bình Phước dự kiến đầu tư trên 5,1 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, vốn đầu tư công trung hạn của tỉnh trên 1,2 nghìn tỷ đồng; vốn chương trình nông thôn mới 1,2 nghìn tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển từ ngân sách tỉnh dự kiến tiếp tục hỗ trợ khoảng 200 tỷ đồng; vốn đầu tư công trung hạn cấp huyện khoảng gần 2,5 nghìn tỷ đồng; số còn lại do ngân sách các địa phương hỗ trợ.
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Bình Phước, cơ sở vật chất trường lớp tại các huyện khó khăn, biên giới được đầu tư, xây dựng từ lâu nên xuống cấp. Một số trường sau khi sáp nhập gặp khó khăn trong việc công nhận trường chuẩn quốc gia, thiếu quỹ đất. UBND tỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị chủ động trong việc chăm lo, nâng cao chất lượng giáo dục. Đối với phòng học quá tải, phòng học tạm, bán kiên cố sẽ xóa bỏ hướng đến xây dựng trường học thông minh.
Tại tỉnh Trà Vinh, theo bà Tăng Thị Ngọc Mai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, hiện chi đầu tư cho giáo dục vào khoảng 17%; thậm chí có giai đoạn ở mức 13% – 14%. Việc chi đầu tư cho giáo dục không đủ 20% có nhiều lý do, trong đó có yếu tố ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nên nguồn lực được tập trung nhiều hơn cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Mặt khác, Trà Vinh chưa tự chủ nên vẫn hưởng từ ngân sách Trung ương; do đó, việc tự cân đối ngân sách gặp khó.
Bà Mai cũng cho rằng, thực tế trên là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Nguồn chi không đủ thì không có kinh phí để tuyển đủ giáo viên; biên chế bị thu hẹp lại. Hiện nay, giáo viên mẫu giáo thiếu trầm trọng, việc phổ cập trẻ mầm non 3 - 4 tuổi không dễ dàng.
Cũng theo bà Mai, 20% ngân sách chỉ đủ trả lương cho giáo viên và các hoạt động thường xuyên, còn đầu tư cho cơ sở vật chất thì lấy từ vốn vay, trái phiếu Chính phủ hoặc những nguồn xã hội hóa khác. Phần chi các đề án xây dựng, hoạt động đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới cần có nguồn riêng, do Chính phủ phê duyệt thông qua các đề án hoặc chương trình mục tiêu khác...
Các chính sách cho giáo dục nên được mở rộng. Ảnh minh họa: TG |
Để nhà giáo sống được bằng lương
Nhấn mạnh, giáo dục là quốc sách hàng đầu, ông Nguyễn Văn Cảnh - đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định - nhấn mạnh: Chính sách phải gắn liền với ngân sách. Theo quy định chi cho giáo dục tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách. Nhưng thực tế chi ngân sách cho toàn ngành Giáo dục năm 2021 chỉ đạt 17,3%.
Nếu lương tăng để đảm bảo thầy cô sống được bằng lương mà chất lượng đầu vào của ngành sư phạm không nâng lên sẽ không thuyết phục được các ngành khác. Vì vậy, ông Cảnh đề nghị “nếu chế độ cho giáo viên được ưu tiên hàng đầu thì đầu vào của sư phạm phải là những em học giỏi hàng đầu ở trường phổ thông, có hạnh kiểm tốt”. “Tôi đề nghị, trong nghị quyết của Quốc hội cần có nội dung đảm bảo chi ngân sách cho giáo dục tăng hằng năm để cải thiện các chính sách cho thầy, cô giáo và đến năm 2028 thực chi ngân sách cho giáo dục đạt tỷ lệ 20% tổng chi ngân sách”, ông Cảnh trao đổi.
Bà Bùi Thị Quỳnh Thơ - đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh - nhìn nhận, dự thảo báo cáo tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 cũng như tất cả kế hoạch kinh tế - xã hội đều xác định: Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện ưu tiên cho giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, thời gian qua, tỷ lệ chi ngân sách cho các lĩnh vực trên hầu như chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Theo bà Thơ, chi cho giáo dục, đào tạo là chi đầu tư. Vì thế, các chính sách cho lĩnh vực này nên được mở rộng, như chính sách nuôi dưỡng, đào tạo nhân tài, chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng của Nhà nước, chính sách đổi mới sáng tạo… Các khoản chi ngân sách Nhà nước cần tập trung vào chất lượng và sản phẩm đầu ra. Hy vọng, Quốc hội sẽ giám sát chặt chẽ hơn vấn đề phân bổ ngân sách cho các lĩnh vực quan trọng này.
Việc chi đầu tư cho giáo dục mỗi nơi một kiểu. Ảnh minh họa: TG |
Cần giám sát chặt chẽ
Ông Lê Tuấn Tứ - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa - viện dẫn: Theo phản ánh của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, mức chi cho hoạt động giáo dục tối thiểu 20% so với tổng chi ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Giáo dục chưa bao giờ đạt. Năm 2021 chỉ đạt 17,3%, con số này ở giai đoạn 2016 - 2020 trong khoảng 17,4% - 18,5%. Có rất nhiều tỉnh chi cho hoạt động giảng dạy, học tập chiếm tỷ lệ rất thấp, thậm chí dưới 10%.
Ông Tứ nhìn nhận: Thực tế cho thấy, có hiện tượng chi đầu tư cho giáo dục mỗi nơi một kiểu; cá biệt có địa phương ngân sách chi đầu tư cho giáo dục nhưng lại chuyển sang chi cho hạng mục khác, khiến giáo dục đã khó khăn lại càng thiếu nguồn lực. Do đó, cần đẩy mạnh việc giám sát việc chi tiêu, tránh hiện tượng chi sai mục đích, dẫn đến dàn trải, không mang lại hiệu quả, gây lãng phí ngân sách.
Cùng với đó, các địa phương cần rà soát quy chế hoạt động, tăng cường ủy quyền, phân cấp theo đúng quy định, trên tinh thần: Việc đáng làm thì cần phải làm, nhất là trong giáo dục và đào tạo. Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương. Điều này, không những đổi mới trong quản lý, mà còn tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các tỉnh, thành, tạo động lực để lãnh đạo địa phương xử lý các vấn đề nhanh và chất lượng hơn.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của các công tác giải ngân, ông Tứ nêu quan điểm, cần tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất tiến độ các dự án đầu tư cho giáo dục; đồng thời có chế tài mạnh mẽ đối với dự án chậm hoặc muộn. Trong bối cảnh mới, tư duy mới đòi hỏi các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần thực hiện nghiêm túc phương châm: Trách nhiệm, quyết liệt, sâu sát, kịp thời và hiệu quả; trong đó nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thường xuyên báo cáo, tăng cường kiểm tra để kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Ông Tứ cũng kiến nghị xây dựng cơ chế giám sát hữu hiệu đối với các nguồn chi cho giáo dục và đào tạo. Cơ chế này không chỉ áp dụng riêng với nguồn chi từ ngân sách, mà cả nguồn vốn viện trợ và vốn xã hội hóa thông qua tiêu chí phù hợp.
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu – Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng, xã hội hóa giáo dục hiện nay có những mặt cần xem xét lại bởi có nội dung không cần thiết phải xã hội hóa; thậm chí gây phản tác dụng. Kinh tế học công cộng nói rằng, giáo dục là dịch vụ công có ngoại ứng tích cực nên nguyên lý là Nhà nước cần phải trợ cấp (trợ cấp Pigou) để khuyến khích sử dụng.
“Đầu tư công cho trang thiết bị trường học đối với một số ngành nghề kỹ thuật, y dược... còn khá thấp so với nhu cầu. Bằng chứng là khi cho phép các trường tự chủ kinh phí và được ban hành các chương trình đào tạo theo định mức kinh tế kỹ thuật thì học phí tăng rất cao mới có thể bù đắp chi phí đào tạo. Trong khi đó định mức chi tiêu hiện nay có xu hướng cào bằng. Vì vậy, cần phải thay đổi cách thức phân bổ kinh phí cho các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề sát với thực tế hơn” - PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu nêu ý kiến, đồng thời nhấn mạnh: Trong khâu quản lý cần chặt chẽ hơn. Thời gian qua ghi nhận nhiều vụ thất thoát, lãng phí trong khâu đấu thầu thiết bị trường học, đó là một kẽ hở lớn về quản lý, công khai, minh bạch, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Thực tế, nếu cộng tất cả nguồn vào thì cũng đủ 20% chi cho giáo dục. Trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, mọi ngành, mọi nhà cần chia sẻ để cùng nhau vượt qua, từng bước ổn định và phát triển. - Bà Tăng Thị Ngọc Mai