Lúng túng và a dua trong việc đầu tư cho con
Hết học kỳ I năm học 2017 - 2018, chị Linh (Trưởng ban phụ huynh của tại một trường tư thục có tiếng ở Hà Nội) cho biết có khá nhiều phụ huynh vẫn còn mơ màng với việc học tiếng Anh của con, mặc dù đầu năm phân lớp theo trình độ tiếng Anh thì lớp con chị Linh là lớp có số HS trình độ tiếng Anh tốt đầu khối.
“Học tiếng Anh 7 tiết/tuần với GV người nước ngoài, nhưng chủ yếu là học theo giáo trình luyện IELTS - một mục tiêu lấy điểm “hot” nhất hiện nay với HS - tôi lo ngại tiếng Anh nền tảng của phần đông HS trong lớp chưa đủ tốt để tập trung vào việc luyện IELTS như vậy” - Chị Linh nhận xét.
Điểm tiếng Anh khi học ở trung tâm của HS được báo về điện thoại của phụ huynh có vẻ khả quan, nhưng điểm tiếng Anh trên lớp không cải thiện. Đóng tiền học tiếng Anh thì không hề rẻ, nhất là với những trung tâm tiếng Anh luyện IELTS thường thu tiền nhiều tháng và cả khóa học tới vài chục triệu đồng, phụ huynh không khỏi lo lắng.
“Mặc dù hầu hết các trung tâm đều có chiêu giảm giá cho từng đợt đóng tiền cho mỗi khóa học, nhưng chung quy mức tiền cho con học thêm tiếng Anh không hề rẻ”- Chị Nhung (phụ huynh của một học sinh lớp 8 và một học sinh lớp 10 ở quận Cầu Giấy) đã kinh qua việc cho con theo học nhiều kiểu trung tâm tiếng Anh nhận xét: “Thực tế học tiếng Anh ở trung tâm không bao giờ tốt như quảng cáo đâu các mẹ ạ”.
Coi chừng mắc bẫy "hớt váng mỡ"
Chị Minh Anh, một phụ huynh trực tiếp tham gia việc xây dựng chương trình cho một trung tâm tiếng Anh theo chuẩn quốc tế chia sẻ: “Tôi cũng băn khoăn về việc học tiếng Anh trong một lớp học chính khóa, sau một học kỳ thấy rõ sự chênh lệch về mặt bằng trình độ của các học sinh, nhưng lớp vẫn dạy tiếng Anh theo một giáo trình, theo một phương pháp chung cho tất cả các học sinh trong lớp.
Điều này có thể dẫn tới việc những HS học tốt hơn vẫn có thể tiến bộ với 7 tiết học với giáo viên nước ngoài ở trường tư thục, nhưng lại vẫn có những HS học kém hơn cảm thấy ngày càng đuối so với top đầu và các HS này không chừng càng chán nản với việc học tiếng Anh. Trong khi có một thực tế là nhiều trường tư thục dù đã đầu tư giáo viên, giáo trình tiếng Anh để HS có thể luyện học IELTS, nhưng nhiều HS theo học giáo trình như vậy lại chưa đủ trình độ tiếng Anh nền (tiếng Anh học thuật) đã luyện ngay IELTS thì rất khó để học sinh nắm bắt được kiến thức và học hiệu quả”.
Chị Minh Anh cho rằng hiện nay có những trung tâm tiếng Anh đang thực hiện “chiến dịch hớt váng mỡ” để có được học sinh, họ đánh vào tâm lý các phụ huynh muốn có cam kết “học tập trọn đời”, HS không có được kết quả thi đầu ra như mong muốn thì có thể học lại miễn phí. Trong khi với tiếng Anh HS muốn học giỏi cần chút năng khiếu và có niềm yêu thích, học sinh phải có cảm hứng về môn học thì mới “học vào” được.
Một số trung tâm tiếng Anh để cạnh tranh và thu hút HS đã gây chú ý với phụ huynh và HS bằng việc lồng ghép vào chương trình dạy cả kỹ năng học tập, kỹ năng sống, kỹ năng mềm và kỹ năng làm bài thi IELTS.
Tuy nhiên, chất lượng thực sự của việc học tiếng Anh ở trung tâm để bổ trợ cho việc học tiếng Anh ở trường, hay nhằm đạt một mục tiêu nào đó của HS và phụ huynh ở môn tiếng Anh thì chắc hẳn phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng, dựa trên chính mong muốn và năng lực thật sự của mỗi HS.