Đâu rồi ca khúc hấp dẫn tuổi thơ?

GD&TĐ - Lứa tuổi măng non luôn mong chờ được cất lên những giai điệu, lời ca viết về tình yêu thương gia đình, mái trường, bạn bè và những ước mơ tươi đẹp bằng ngôn ngữ âm nhạc tươi vui, hồn nhiên, trong sáng. 

Lứa tuổi măng non luôn mong chờ ca khúc dành riêng cho các em
Lứa tuổi măng non luôn mong chờ ca khúc dành riêng cho các em

Để viết được các ca khúc hay, các nhạc sĩ cần phải đổi mới tư duy trong sáng tác cũng như tìm tòi đề tài và nguồn chất liệu thì tác phẩm mới giàu sức lan tỏa và có chỗ đứng lâu bền trong lòng các bạn nhỏ.

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Nhắc đến thời hoàng kim của âm nhạc thiếu nhi, có nhạc sĩ nhận định đó chính là giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ thống nhất xây dựng đất nước. Đã có nhiều tên tuổi nhạc sĩ thành danh gắn với thể loại nhạc này, như Phạm Tuyên, Hoàng Long, Hoàng Lân, Phong Nhã, Hàn Bích Ngọc, Vân Dung, Hoàng Vân…

Ba - bốn mươi năm trước, thời các cây đa cây đề làng nhạc thiếu nhi còn sung sức thì Hội Âm nhạc Việt Nam mới có khoảng 300 hội viên, thế nhưng lại không thiếu những nhạc sĩ dành tâm huyết chuyên tâm viết ca khúc cho trẻ em. Hiện tại Hội Nhạc sĩ đã có gần 1.800 hội viên chính thức cùng với rất nhiều người viết nhạc không chuyên, thế nhưng số lượng ca khúc sáng tác cho thiếu nhi lại vừa thiếu vừa nhạt nhòa.

Không chỉ các nhạc sĩ mà ngay cả những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc đều thừa nhận trong những năm qua và hiện nay, việc tìm ra bài hát hay cho trẻ em là rất khó. Vẫn có những bài hát dành cho thiếu nhi và tuổi học đường ra đời song số lượng không nhiều. Những tác phẩm đó cũng không đủ sức lan tỏa hoặc đọng lại ấn tượng trong tâm hồn tuổi thơ.

Các nhạc sĩ do tuổi tác cao thì điều kiện sức khỏe không cho phép, cảm hứng sáng tác cũng đã cạn. Còn các nhạc sĩ trẻ thì bị thực tế cơm áo gạo tiền chi phối, không thể toàn tâm toàn ý vì trẻ em được. Cơ chế thị trường tác động đến doanh thu của các nhà sản xuất âm nhạc. Các nhà sản xuất cũng vì sức ép từ thị trường mà phải gạt phăng nhạc thiếu nhi để thực hiện những sản phẩm dễ làm, ít bị kiểm duyệt mà dễ dàng thu lợi nhuận hơn. 

Cần lắm những tấm lòng

Thành danh từ những bản tình ca, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khiến khán giả và người trong giới bất ngờ khi rẽ sang hướng viết nhạc thiếu nhi. Sau ba năm chuẩn bị công phu, quyển sách nhạc “100 bài hát thiếu nhi” ra đời gồm các ca khúc do chính anh sáng tác và biên soạn.

Hóa ra, lý do anh sáng tác ca khúc thiếu nhi và lựa chọn ngã rẽ của mình cũng giống như nhạc sĩ Phạm Tuyên khi xưa. Ban đầu, cũng vì muốn các con mình được nghe và hát những bài hát có ý nghĩa, giàu nhạc cảm và muốn các con được sống trong một môi trường âm nhạc thiếu nhi đúng nghĩa, đúng độ tuổi, vui tươi, hồn nhiên trong sáng mà anh quyết định xây dựng khu vườn âm nhạc tươi đẹp cho con. Và khi cùng con tìm hiểu thế giới xung quanh để học về điều hay lẽ phải thì anh ngộ ra nghĩa vụ của một nhạc sĩ và quyết định đầu tư tâm huyết và tình yêu mở hướng đi mới cho mình.

Quyết định này cũng là một sự bứt phá dũng cảm của anh. Và cao hơn cả là một tấm lòng cống hiến, thể hiện sự yêu nghề và nghiêm túc với sự nghiệp sáng tác của mình!

Viết nhạc cho thiếu nhi, không hề dễ dàng dù ngắn đơn giản trong cấu tứ, tiết tấu, và như nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tâm sự: “Đúng là viết ca khúc thiếu nhi có vẻ dễ nếu cố tình viết bài hát với ca từ ngô nghê, đơn giản… nhưng để viết cho hay, có ý nghĩa khiến các em thích và cả các bậc phụ huynh cũng thích thì là một đòi hỏi thử thách lớn. Để ca khúc tìm được chỗ đứng trong trái tim thiếu nhi và được các em yêu thích, tôi đã phải rèn luyện rất nhiều… Nhưng hạnh phúc mà người nhạc sĩ được bù đắp cũng lớn lao vô cùng. Một ca khúc thành công và đi vào lòng khán giả, trở nên quen thuộc với những đứa trẻ thì các con sẽ nhớ những bài hát đó suốt cả cuộc đời”.

Có thể nói, quá trình chuyển hướng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thật đáng quý trọng bởi trong khi nền âm nhạc Việt Nam đang còn thiếu hụt mảng ca khúc thiếu nhi thì sự đóng góp của anh mang giá trị khích lệ và tiên phong, dù mới chỉ bù đắp phần nhỏ những thiếu hụt hiện nay. 

Phải chăng giải pháp thiết thực và lâu dài đối với các nhà quản lý văn hóa và các cơ quan chức năng là song hành với việc tổ chức các cuộc thi viết ca khúc thiếu nhi hàng năm, hãy tìm đầu ra cho những ca khúc đoạt giải để trẻ em được nhận trọn vẹn giá trị món quà tinh thần của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ