Trào lưu hát ca khúc người lớn
Gần đây, xu hướng “nhí hóa” những chương trình truyền hình thực tế nở rộ. Trong làn sóng đó, những chương trình ca hát dành cho thiếu nhi cũng xuất hiện khá ồ ạt, nổi bật là “The Voice Kids - Giọng hát Việt nhí” và “Đồ rê mí”... Và điều khán giả dễ nhận thấy là những cô bé, cậu bé vẫn còn run khi đứng trước hàng ngàn khán giả đã phải gồng mình hát ca khúc người lớn.
Trong game show “Người hùng tí hon” - chương trình tìm kiếm tài năng dành cho trẻ em từ 4 - 13 tuổi trong các lĩnh vực ca hát, khiêu vũ và biểu diễn tài năng, có một cô bé mới 9 tuổi nhưng lại hát mấy bài hát của người lớn khá điệu nghệ như bài Tàu anh qua núi của Phan Lạc Hoa, rồi là Ngẫu hứng lý ngựa ô của Trần Tiến.
Chương trình “Thần tượng âm nhạc nhí” (Vietnam Idol Kids) vừa kết thúc nhưng câu chuyện về cậu bé Hồ Văn Cường hát mộc bài dân ca và câu vọng cổ cho BGK nghe, lại nóng trên các diễn đàn. Giọng hát của em trong sáng thanh tao, ngọt ngào và cao vút truyền đẩy cảm xúc vào tận đáy lòng người.
Tuy nhiên, đa số những bài hát mà Hồ Văn Cường thể hiện đều là những bài hát người lớn, sự hoàn hảo của tác phẩm trình diễn khó có thể so sánh với ca sĩ “người lớn”. Còn xét ở lĩnh vực thiếu nhi, chẳng ai có được cảm giác đây là một giọng ca “thiên thần”.
Cần lấp đầy khoảng trống
Nếu như các thế hệ nhạc sĩ đi trước đã làm nên thời kỳ hoàng kim của âm nhạc thiếu nhi Phạm Tuyên, Hoàng Lân, Hoàng Long, Phong Nhã, Hàn Ngọc Bích... thì ở thế hệ nhạc sĩ đi sau, hầu như không có ai chuyên tâm cho nhạc thiếu nhi. Một số ca khúc mới vẫn xuất hiện nhưng phần lớn không tạo được điểm nhấn, ca từ khó hiểu, giai điệu khó hát, khó nhớ nên ít tìm được sự đồng điệu với trẻ nhỏ.
Để tìm kiếm ca khúc mới, thời gian qua đã có nhiều cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi. Đây được coi là cách làm hiệu quả để tìm kiếm ca khúc mới. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, những cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi những năm gần đây không mang lại kết quả tích cực.
Ban tổ chức cuộc thi “Giọng hát Việt nhí” cho biết, họ từng vận động sáng tác ca khúc thiếu nhi bằng cuộc thi để có bài hát phù hợp cho các bé tham gia tranh tài. Thế nhưng, số lượng ca khúc gửi về không nhiều và phần lớn không phù hợp với tiêu chí chất lượng của chương trình, nhiều tác phẩm có ca từ chỉ phù hợp với các bé 5 - 7 tuổi.
Chia sẻ về “khoảng trống” của lĩnh vực sáng tác ca khúc thiếu nhi, nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, sẽ là điều đáng tiếc nếu các em không được hát những ca khúc theo đúng lứa tuổi của mình. Thiếu nhi hát nhạc người lớn thì tác động không tốt đến thị hiếu và ý thức thẩm mỹ, trẻ em bị già trước tuổi, ảnh hưởng rất xấu đến việc hình thành nhân cách sau này. Cần phải tạo cho các bé môi trường âm nhạc lành mạnh để phát triển khả năng âm nhạc của mình.
Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, để lấp đầy khoảng trống về sự thiếu ca khúc dành cho thiếu nhi, cần sự quan tâm, vào cuộc của cả xã hội. Đã đến lúc chúng ta phải đầu tư một cách nghiêm túc để có thêm những ca khúc thiếu nhi chất lượng và điều quan trọng nhất là phải động viên, khích lệ được lớp nhạc sĩ trẻ, kể cả những nhạc sĩ không chuyên quan tâm đến mảng đề tài này. Bên cạnh đó, công tác quảng bá ca khúc cũng cần phải được đầu tư, chú trọng trên mọi phương diện. Nếu không có được ca khúc mới thì tình trạng trẻ con hát những ca khúc không phù hợp với lứa tuổi sẽ vẫn còn tiếp diễn.