Ca khúc cho thiếu nhi vẫn còn khoảng trống

GD&TĐ - Thời gian gần đây, những gameshow, chương trình thực tế dành cho trẻ em xuất hiện ngày càng dày đặc. Và câu chuyện thiếu nhi hát nhạc người lớn là câu chuyện không mới nhưng lại “nóng” trên diễn đàn âm nhạc, đồng thời gióng lên hồi chuông báo động về vùng trũng trong sáng tác ca khúc cho thiếu nhi.

Ca khúc cho thiếu nhi  vẫn còn khoảng trống

Sự “già hóa” trong ca khúc

Mới đây, “thần đồng bolero” 4 tuổi Mai Nguyên Hoàng khiến ban bình luận và khán giả thích thú khi thể hiện giọng hát rất ngọt ngào qua ca khúc bolero Chuyện tình không dĩ vãng trong chương trình Biệt tài tí hon. Đây là tác phẩm nổi tiếng từng được nhiều giọng ca hàng đầu thể hiện như Hương Lan, Đan Nguyên, Quang Lê…

Ngoài ra, các tài năng nhí khác cũng có những phần thi thú vị như hình ảnh cậu bé Dương Công Tuyển xuất hiện trong chương trình với bài hát Ông bà anh làm khán giả thích thú. Đây không phải là lần đầu tiên một đứa trẻ hát ca khúc người lớn gây xôn xao trên mạng và tạo nên “cơn sốt” như vậy. Thực tế, hình ảnh đó xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội, chương trình giải trí truyền hình. Trong nhiều chương trình khác như Giọng hát Việt nhí (The Voice Kids), Người hùng tí hon... các em nhỏ cũng “gồng mình” thể hiện nhiều ca khúc của người lớn.

Gần đây nhất, việc Phương Mỹ Chi hát nhạc tình cùng với Trung Quang đã trở thành đề tài tranh cãi gay gắt của dư luận. Việc cô bé 13 tuổi mà đã hát những bản tình ca khiến nhiều người cho là không phù hợp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc Phương Mỹ Chi “phải” hát ca khúc của người lớn bởi… thiếu các ca khúc dành cho lứa tuổi của cô bé. Tình trạng này thật đáng báo động và gióng lên một hồi chuông về tình hình sáng tác ca khúc cho thiếu nhi hiện nay.

Cần có sự định hướng âm nhạc

Nếu như các thế hệ nhạc sĩ đi trước đã làm nên thời kỳ hoàng kim của âm nhạc thiếu nhi như Phạm Tuyên, Hoàng Lân, Hoàng Long, Phong Nhã, Hàn Ngọc Bích... thì nay, số người dành tâm huyết cho nhạc thiếu nhi lại quá ít. Lực lượng các nhạc sĩ trẻ được đào tạo bài bản hiện nay không mấy mặn mà với việc sáng tác cho thiếu nhi. Họ dành thời gian hơn cho việc sáng tác những ca khúc theo dòng nhạc thị trường, đáp ứng thị hiếu của khán giả.

Theo nhạc sĩ Văn Ký, với những cuộc thi ca hát dày đặc như hiện nay, thì kho dự trữ ca khúc thiếu nhi của nước ta bỗng trở nên ít ỏi. Để không phải trùng nhau ca khúc trình diễn giữa thí sinh nhí nọ với thí sinh nhí kia, người lớn đang hướng các em đến sự “già hóa” trong ca khúc và phong cách trình diễn. Trong khi các nhạc sĩ trẻ chưa mặn mà với việc sáng tác các ca khúc dành cho thiếu nhi thì người lớn cần có sự định hướng để các em có thể phát huy năng khiếu, sở trường của mình.

PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai, giảng viên Trường ĐHSP Nghệ thuật T.Ư cho rằng, một vấn đề hết sức quan trọng phải đặc biệt quan tâm là giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho giới trẻ, cần tạo mọi điều kiện phổ biến rộng rãi những tác phẩm có chất lượng cao cùng sự biểu diễn của những ca sĩ tài năng thật sự. Lớp trẻ phải được thường xuyên tiếp cận với âm nhạc dân tộc và âm nhạc thính phòng để các dòng âm nhạc không loại trừ nhau mà bổ sung hoàn thiện cho nhau, góp phần làm cho đời sống âm nhạc đa dạng, phong phú và lành mạnh. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có một sự quản lý chặt chẽ các chương trình thiếu nhi để tạo ra sân chơi thực sự lành mạnh, phù hợp lứa tuổi, để âm nhạc thực sự là cầu nối tâm hồn, giúp các em phát triển tự nhiên.

Thời gian qua đã có nhiều cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi. Đây được coi là cách làm hiệu quả để tìm kiếm ca khúc mới. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, những cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi những năm gần đây không mang lại kết quả tích cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nam Định FC thua đáng tiếc Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Nam Định thua sốc Thể Công Viettel

GD&TĐ - Xuất sắc đánh bại Nam Định trên sân nhà, Thể Công Viettel cải thiện đáng kể vị trí trên bảng xếp hạng sau vòng đấu thứ 19.