Đến nay, đậu nành còn xuất hiện trên những bàn tiệc cao sang. Đậu nành được đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng và sức khỏe.
Giá trị dinh dưỡng của đậu nành và các thực phẩm từ đậu nành
Đậu nành có nhiều chất đạm tương đương với đạm sữa và lòng trắng trứng về thành phần các axit amin và khả năng tiêu hóa hấp thu. Ít chất béo no, không cholesterol, là nguồn cung cấp omega-3 và 6.
Là nguồn cung cấp sắt đặc biệt là đậu nành toàn phần và bột đậu nành. Canxi có nhiều trong pho-mát đậu nành, đậu phụ, sữa đậu nành bổ sung canxi... giúp xương và răng chắc khỏe và giảm nguy cơ loãng xương.
Kali giúp kiểm soát huyết áp. Chất xơ trong bột đậu nành, bã đậu lên men, quả đậu tươi và protein thô trong đậu nành giúp tiêu hóa tốt.
Các hoạt chất sinh học chính trong thực phẩm từ đậu nành: Isoflavones- phytoestrogens có cấu trúc giống như estrogen, có hoạt tính chống ôxy hóa (genistein, daidzein, glycetin).
Dùng thường xuyên đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành rất có lợi cho sức khỏe.
Giảm nguy cơ mắc bệnh khi thường xuyên sử dụng đậu nành
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim: Dùng đậu nành và các chế phẩm đậu nành thường xuyên làm giảm tổng lượng cholesterol và LDL (cholesterol xấu), không làm thay đổi HDL (cholesterol tốt) và triglycerit. Làm giảm huyết áp tâm thu (2,5 mmHg) và tâm trương (1,5 mmHg) do đó giảm 10% đột quỵ, 5% bệnh tim mạch, 4% tử vong.
Giảm nguy cơ mắc ung thư vú: Các isoflavones (giống như estrogen) không phải là nội tiết tố và có tác động đến sự ức chế tăng trưởng tế bào ung thư.
Các nghiên cứu từ sớm cho thấy, thực phẩm từ đậu nành có tác dụng chống lại ung thư vú hiệu quả thấy trên người châu Á mà không thấy ở người châu Âu. Qua các nghiên cứu thấy người châu Á ăn đậu nành từ rất sớm còn người châu Âu ăn đậu nành khi trưởng thành.
Điều này củng cố thêm giả thuyết ăn đậu nành từ sớm có khả năng chống lại ung thư vú về sau, những biến cố trong quãng đầu đời có ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú sau này. Còn đối với bệnh nhân K vú theo Hiệp hội ung thư Hoa kỳ thì “Thực phẩm từ đậu nành an toàn đối với bệnh nhân K vú” và theo phân tích sinh hóa gần đây “nên khuyến khích sử dụng thực phẩm từ đậu nành để giảm tỷ lệ tái phát và tử vong”.
Ung thư tiền liệt tuyến: Giảm nguy cơ cao nhất ở người châu Á. Không có ý nghĩa trên người phương Tây do tiêu thụ đậu nành ở người phương Tây quá thấp để thấy được hiệu quả sinh học.
Phòng chống loãng xương: 200 triệu phụ nữ trên thế giới bị loãng xương do nguy cơ bị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh cao tới 50%. Đậu nành có hiệu quả giống như estrogen giúp giảm nguy cơ loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh, đặc biệt đối với những năm đầu sau mãn kinh giảm được 1/3 nguy cơ.
Đậu nành là một trong những thực phẩm giàu chất isoflavones, chính là một dạng nội tiết tố estrogen thực vật, cung cấp lượng estrogen tự nhiên cần thiết cho cơ thể.
Đậu nành là một trong những thực phẩm có thể làm giảm các triệu chứng tiền mãn kinh, mãn kinh. Đậu nành cũng làm giảm lượng cholesterol và giảm bớt những cơn nóng bừng, bốc hỏa, đổ mồ hôi vào ban đêm.
Để estrogen phát huy được tác dụng, cần ăn ít nhất 20g đậu mỗi ngày. Một số loại thực vật khác cũng giàu estrogen (phytoestrogens) như rong biển, tảo... cũng là những sự lựa chọn tuyệt vời cho phụ nữ tuổi mãn kinh.
Với bệnh gout: Nghiên cứu dịch tễ và lâm sàng cho thấy, đậu nành không liên quan đến tăng axit uric máu hay gout. Không có lý do phải tránh thực phẩm từ đậu nành cho người bị gout hay có nguy cơ bị gout.
Đậu nành và tuyến giáp: Nghiên cứu trên người trưởng thành cho thấy, isoflavones ít ảnh hưởng đến hormon tuyến giáp. Cần làm thêm nghiên cứu để chứng minh đậu nành và isoflavones có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư tuyến giáp.
Đậu nành có khiến nam giới giảm khả năng sinh sản?
Nhiều người e ngại ăn nhiều đậu nành sẽ ảnh hưởng đến chức năng cũng như khả năng sinh sản. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nói dùng đậu nành giảm khả năng sinh sản của nam giới. Đậu nành không làm ảnh hưởng đến lượng testosterone, mức estrogen hay các thông số về tinh dịch/ tinh trùng.