Đầu năm học 2021 - 2022: Chủ động, linh hoạt trong dạy học

GD&TĐ - Ghi nhận sau gần 1 tháng triển khai năm học 2021 - 2022, có thể thấy, việc tổ chức dạy học được thực hiện linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh của từng địa phương.

Các cơ sở giáo dục triển khai nhiều phương án bảo đảm an toàn cho học sinh tới trường học trực tiếp. Ảnh minh họa: Hồ Lài
Các cơ sở giáo dục triển khai nhiều phương án bảo đảm an toàn cho học sinh tới trường học trực tiếp. Ảnh minh họa: Hồ Lài

Linh hoạt hình thức tổ chức dạy học

Báo cáo nhanh tình hình triển khai năm học 2021 - 2022, Bộ GD&ĐT cho biết: Tính đến ngày 20/9, cả nước có 25 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả HS trên địa bàn; 14 tỉnh kết hợp vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến, qua truyền hình; còn 24 tỉnh, thành phố vẫn phải dạy học hoàn toàn trực tuyến, qua truyền hình để phòng dịch Covid-19.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022; chủ động xây dựng kịch bản sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong trường hợp HS chưa được đến trường hoặc đang học mà phải tạm dừng đến trường.

Tại địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, các nhà trường đã chuyển sách giáo khoa (SGK) đến từng HS thông qua tổ dân phố, hội phụ huynh; các nhà xuất bản cung cấp SGK bản điện tử, gửi qua mạng đến nhà trường để kịp thời chuyển đến HS. Đến nay, cơ bản HS đã có SGK để học tập.

Tại Cần Thơ, chia sẻ của ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, trong bối cảnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, sau lễ khai giảng, cấp trung học bắt đầu năm học bằng hình thức học trực tuyến (lớp 9, 12 học từ 6/9; lớp 6, 7, 8, 10, 11 học từ 13/9/2021); trẻ mầm non và tiểu học tạm thời chưa tổ chức học tập.

Học sinh học trực tiếp cũng bắt nhịp được với năm học mới. Ảnh minh họa
Học sinh học trực tiếp cũng bắt nhịp được với năm học mới. Ảnh minh họa

Với tiểu học, khi HS chưa được đến trường, nhà trường được giao quyền chủ động về thời gian tổ chức làm quen HS lớp 1, tổ chức ôn tập đối với các lớp còn lại và hướng dẫn HS tự học tại nhà các môn học theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT phù hợp với tình hình thực tế của trường, lớp, giáo viên (GV), HS. Với trung học, Sở GD&ĐT đã xây dựng kịch bản tổ chức dạy học gồm 5 phương án để ứng phó với tình hình dịch Covid-19.

Hiện các cơ sở giáo dục trung học tại Cần Thơ thực hiện dạy học trực tuyến theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT. Các phần mềm, ứng dụng được sử dụng chủ yếu trong nhà trường là MS Teams, Zoom, Shub Classroom, K12online, Vioedu,… Mỗi trường chỉ sử dụng một ứng dụng dạy học trực tuyến. Tỷ lệ HS học trực tuyến trung bình khoảng 92,93%; trong đó cấp THPT 98,25%, cấp THCS 90,05%.

Với Quảng Trị, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Hiện chỉ có TP Đông Hà là vùng đỏ, đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, nên 100% HS học trực tuyến. Các địa phương còn lại, tùy tình hình thực tế để triển khai vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến; trong đó có nơi đang dạy trực tiếp cho 100% HS.

“Cụ thể, Quảng Trị có 34 đơn vị trường học dạy trực tuyến hoàn toàn; 55 đơn vị vừa dạy học trực tuyến và trực tiếp; 28 đơn vị chưa tổ chức dạy học - chủ yếu ở thành phố Đông Hà với các cơ sở giáo dục mầm non. Còn lại 282/399 đơn vị tổ chức dạy học theo hình thức trực tiếp. Ngành Giáo dục đồng thời phối hợp với Đài truyền hình địa phương để tiếp sóng và tổ chức dạy học trên truyền hình” - bà Lê Thị Hương làm rõ thêm.

Chương trình học online buổi tối giúp phụ huynh có thể kèm cặp con. Ảnh minh họa
Chương trình học online buổi tối giúp phụ huynh có thể kèm cặp con. Ảnh minh họa

Nhiều giải pháp khắc phục khó khăn

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Phúc Tăng, tại Cần Thơ có gần 5,8% HS cấp THCS (4.020 HS), 1,24% HS cấp THPT (400 HS) ở vùng khó khăn thiếu thiết bị học tập, không có đường truyền Internet nên chưa thể tham gia học trực tuyến; đường truyền Internet còn chậm do sử dụng đồng loạt với số lượng lớn.

Khắc phục khó khăn với HS không thể trang bị điều kiện học trực tuyến, các nhà trường phân công GV chuyển tài liệu học tập đến tận nhà cho HS. Những HS gần nhà có thể dùng chung thiết bị để tham gia học tập (bảo đảm công tác an toàn phòng chống dịch).

Các trường trung học tổ chức vận động nhà hảo tâm, cựu HS, cha mẹ HS xây dựng “Thư viện thiết bị điện tử” nhằm thu nhận thiết bị thông minh mới hoặc đã qua sử dụng để cho HS mượn, giúp các em có điều kiện học trực tuyến. Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, công ty viễn thông hỗ trợ sim điện thoại, lắp Internet, bán thiết bị thông minh với giá ưu đãi, trả góp cho GV, HS.

“Hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em” của Thủ tướng Chính phủ phát động, Sở GD&ĐT tham mưu UBND thành phố kêu gọi các nhà hảo tâm, cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hỗ trợ cho ngành Giáo dục, HS khó khăn có điều kiện học tập trực tuyến. Phòng GD&ĐT, trường trung học phối hợp với địa phương (chính quyền địa phương, đoàn thanh niên) hỗ trợ giao bài, tài liệu học tập; SGK; máy tính; các phần quà hỗ trợ khác đến tận nhà HS” - ông Nguyễn Phúc Tăng cho biết thêm.

Tại Thanh Hóa, thông tin từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tạ Hồng Lựu, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học chủ động, linh hoạt qua hình thức dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến phù hợp với diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở các địa phương.

Theo đó, với địa phương kiểm soát được dịch bệnh, cơ sở giáo dục tận dụng thời gian vàng thực hiện các nội dung bài học, hoạt động giáo dục, chủ đề theo hướng tinh giản (xây dựng kế hoạch và dạy nội dung cốt lõi); tranh thủ dạy tăng tiết, tăng buổi, tùy từng điều kiện của cơ sở nhằm sớm về đích các mục tiêu yêu cầu cần đạt của từng môn học, lớp học, cấp học trong thời gian sớm nhất. Ngoài họcs trên lớp, GV hướng dẫn HS học trên truyền hình VTV7 truyền hình Việt Nam, truyền hình các địa phương và dạy online… nhằm củng cố bài, hướng dẫn HS tự học, hướng dẫn HS làm bài tập.

Với địa phương đang thực hiện giãn cách theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg, HS không thể đến trường, Sở GD&ĐT hướng dẫn cơ sở giáo dục tổ chức dạy học bằng các phương án phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm “tạm dừng đến trường, không dừng học”…

Tổng hợp của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục, GV có nhiều sáng tạo trong dạy học để HS không có đủ thiết bị học trực tuyến cũng có thể học tập được, như: Thiết lập hệ thống điều phối viên ở tất cả trường và điều phối viên tại 100% xã, phường, thị trấn để chuyển Phiếu học tập cho HS không thể tham gia học tập trên Internet do phải thực hiện giãn cách xã hội; quay video một số hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non gửi cha mẹ trẻ (qua Zalo, messenger, Viber, YouTube)…

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ