Đau mắt đỏ bi hài ký

Đau mắt đỏ bi hài ký

(GD&TĐ) - Dịch đau mắt đỏ trên cả nước kéo dài đã gần ba tuần và đang dần lắng xuống. Thế nhưng, vẫn khá nhiều dư âm đọng lại. Có lẽ, hiếm có dịch bệnh nào lại được phóng tác thành những mẩu chuyện tiếu lâm hay tranh vẽ hài hước trên các trang mạng nhiều như căn bệnh kỳ quái này…

Ăn theo dịch bệnh

c
Người dân hoang mang nhưng không biết dịch đau mắt đỏ nguy hiểm đến đâu

Giữ gìn gần hết đợt dịch đau mắt đỏ nhưng cũng không thoát, càng đen đủi hơn đối với anh Nguyễn Hồng An (Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi bắt đầu đau mắt cũng là lúc đang đi công tác ở một vùng nông thôn ở miền Trung.

Buổi chiều vẫn không có dấu hiệu gì, chập tối thấy mắt hơi cộm nhức, soi gương thấy đỏ và có rỉ. Biết là đau mắt đỏ như thế này, tra thuốc đặc trị càng nhanh càng tốt, anh An vội gọi cho người nhà ở Hà Nội, bảo gửi qua tin nhắn đơn thuốc của người trong gia đình trước đó cũng dính bệnh, đã đi khám bác sĩ chuyên khoa. Ba loại thuốc được kê ra là Sanlenin 0,1% 5ml, Maxitrol 5ml và thuốc mỡ Oflovid 0,3% 3,5g.

Sáng sớm hôm sau, anh An đánh xe lên thành phố, tìm khắp các hiệu thuốc ở trung tâm tỉnh lỵ này, không ở đâu có những loại thuốc anh cần. Nơi bảo hết, nơi bảo không nhập, nhưng các dược sĩ đều giới thiệu những loại thuốc khác có tính năng tương tự. 

Không yên tâm, anh An gọi điện ngược ra Hà Nội hỏi có loại thuốc nào khác không, được khuyên nên mua thuốc nhỏ mắt Tobrex, xuất xứ từ Bỉ, bán phổ biến hơn mấy loại thuốc đặc trị kia. Anh An ghé vào một cửa hàng thuốc, chìa điện thoại cho người bán xem tên thuốc.

Người bán đưa ra, kèm giá 35.000 đồng. Ra xe tra thuốc xong, anh An mới nhìn lại hộp thuốc vừa mua: Tobidex chứ không phải Tobrex, do một cơ sở trong nước sản xuất, dùng để chống nhiễm khuẩn tại chỗ cho mắt. Quay vào phản ánh với nhân viên bán hàng thì nhận được câu trả lời đầy khó chịu: “Giờ mà còn thuốc đó là tốt rồi, đang cháy hàng đến nơi rồi đây”.

Cực chẳng đã, đành hỏi thăm đến hiệu thuốc trung tâm. Ở đây, anh An tìm được loại thuốc mình cần với giá 60 nghìn đồng/lọ. Người dược sĩ đứng tuổi cũng phân trần: Giá cao có hơn mọi khi, đang cháy hàng. Anh An hỏi giá “mọi khi” là bao nhiêu, được trả lời 35 nghìn. Vui miệng hỏi luôn giá lọ thuốc mình mua không đúng ở cửa hàng ven đường, được biết chỉ có 20 ngàn đồng/lọ.

Về đến Hà Nội, việc đầu tiên anh An làm là đến ngay Viện Mắt Trung ương khám. Vẫn biết bệnh viện này không cần có dịch cũng luôn trong tình trạng quá tải, nhưng đông đến mức như anh chứng kiến thì thật phát ngán. Đang tính quay sang Viện Mắt Sài Gòn gần đấy thì mấy tay cò đã xúm lại, bảo đưa 300 nghìn vào xếp sổ khám ngay. Đúng là không phải xếp hàng thật. Bác sĩ cũng kê cho ba loại thuốc như người nhà anh đã nhắn hôm nọ; mua ngay tại cửa hàng thuốc trong bệnh viện, chỉ hết tròn 80 nghìn.

Vừa về nhà, ông bạn “cùng cảnh ngộ” gọi điện hỏi thăm, nghe anh An kể khổ phải nhờ cò đưa vào khám, ông bạn kêu trời: Bên ngoài đông thế thôi, chứ vào trong nhanh lắm. Đang có dịch nên Viện Mắt người ta bố trí thêm nhiều cửa nhận sổ khám và bác sĩ trực, cùng lắm đợi nửa tiếng là xong tất, cả tiền khám lẫn tiền thuốc chưa đến 200 ngàn. Ông bị cò quay rồi!

Không phải cứ dịch mới phòng

a1 tr8.jpg
Hai lọ thuốc na ná tên gọi, với tính năng khác nhau, được anh An gửi cho toà soạn

Những bi hài về sinh hoạt và làm việc trong dịch đau mắt đỏ, thiết nghĩ cũng chẳng phải kể thêm làm gì. Bố mẹ cách ly con, vợ cách ly chồng, ở cùng nhà nhưng cả tuần không dám ngồi ăn chung, nói chuyện cũng qua điện thoại. Ra đường, hay đến công sở, cứ ai đeo kính sùm sụp là y rằng bị hỏi: Đau mắt đỏ hả, thôi về nhà đi cha… 

Cái bi hài cần nói ở đây là bệnh chung của dân ta: Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Không có dịch thì vô tư, không để ý giữ gìn gì; đến lúc gặp phải mới nháo nhào cả lên, tưởng như đụng vào cái gì cũng có thể dính virut gây bệnh. Bản thân người bệnh, cũng chạy chữa và giữ gìn cẩn thận, nhưng vừa khỏi xong lại đâu vào đấy.

Theo bác sĩ Lê Xuân Thuỷ - Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế - đó chính là nguyên nhân khiến bệnh đau mặt đỏ khá phổ biến ở nước ta và dễ trở thành dịch, trong khi ở các nước phát triển rất hiếm có tình trạng này. Chưa kể suy nghĩ sai lầm là bệnh không tái phát. Nếu không giữ gìn, người vừa khỏi bệnh xong có thể bị lại ngay trong thời gian ngắn.

Cụ thể hơn, bác sĩ Thuỷ cho biết, đau mắt đỏ là một danh từ dân gian quen dùng để chỉ bệnh Viêm kết mạc cấp. Bệnh có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chỉ có nguyên do Adenovirus là dễ lây lan và có thể gây thành dịch. Bệnh có thể mắc ở mọi lứa tuổi, xuất hiện rải rác quanh năm ở mọi nơi, tăng lên vào mùa hè thu; khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều nhất là những nơi úng lụt.

Virus có từ người bệnh, nguồn nước ô nhiễm lây lan sang người khác thông qua vật dụng dùng chung, ruồi, tiếp xúc qua tay, đường hô hấp. Không phải chỉ khi đang có dịch mà ngay cả những lúc thông thường, bác sĩ Thuỷ khuyên đối với người mắc bệnh cần được nghỉ ngơi, điều trị cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc nhãn khoa. Nếu bệnh không thuyên giảm sau 5 - 7 ngày phải đến khám BS nhãn khoa (tốt nhất là đến ngay khi có các triệu chứng đầu tiên). 

Để giữ vệ sinh cho mắt, người bệnh nên đeo kính. Người chưa mắc bệnh cần hạn chế tối đa tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc nên có khẩu trang, đồng thời thường xuyên nhỏ mắt nước muối sinh lý. 

Đó cũng là lý do mà những thứ vốn rẻ rề này cũng lên giá vùn vụt theo bệnh dịch, với lý do đưa ra từ vùng nông thôn cho tới giữa các thành phố lớn là đều vì: Cháy hàng?

Lưu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ