Dấu hiệu nhiễm bệnh và cách điều trị Rubella

GD&TĐ - Rubella là một bệnh nhiễm trùng. Nó được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm vì có khả năng lây nhiễm cao. Trước đây, nhiều người cho rằng đây là bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhưng hiện nay, hầu hết các nhiễm trùng Rubella xuất hiện ở người trẻ tuổi và người lớn. Các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 10% người trẻ tuổi dễ mắc bệnh Rubella.

Đường lây bệnh

Bệnh Rubella (tiếng Anh) hay bệnh Roubéole (tiếng Pháp), còn gọi là bệnh Sởi Đức (German measles) hay bệnh Sởi 3 ngày (3-day measles). Do phát ban giống Sởi chỉ diễn ra 3 ngày, là một bệnh nhiễm trùng gây thương tổn chủ yếu ở da và hạch bạch huyết.

Bệnh do virus Rubella gây ra (khác với virus gây ra bệnh Sởi). Bệnh lây truyền do hít phải dịch tiết từ mũi, họng bệnh nhân. Virus có thể đi theo đường máu của phụ nữ mang thai gây nhiễm trùng cho thai nhi.

Nhìn chung, bệnh diễn ra nhẹ nhàng ở trẻ em, nhưng nghiêm trọng ở người đang mang thai vì có thể gây ra hội chứng Rubella bẩm sinh ở thai nhi đang phát triển.

Các biểu hiện

Thời gian ủ bệnh của Rubella từ 14 - 23 ngày (trung bình 16 - 18 ngày). Điều này có nghĩa là một người sẽ mắc bệnh sau 2 - 3 tuần tiếp xúc với nguồn lây là người bệnh Rubella.

Ban đỏ xuất hiện trên da được gọi là ban Rubellla. Ban này kéo dài điển hình trong 3 ngày. Các hạch lympho có thể sưng trong vòng một tuần hoặc kéo dài hơn và khớp đau có thể kéo dài hơn 2 tuần. Trẻ em mắc Rublla thường phục hồi trong vòng 1 tuần, nhưng người lớn có thể kéo dài hơn.

Nhiễm trùng Rubella có thể bắt đầu với sốt nhẹ (< 37,8°C) từ 1 đến 2 ngày và các hạch bạch huyết sưng đau, thường thấy ở sau cổ hoặc sau tai. Rồi ban đỏ xuất hiện ở mặt và lan dần xuống dưới. Khi lan đến thân thì ban ở mặt biến mất. Ở trẻ nhỏ, ban da là dấu hiệu đầu tiên của bệnh khiến cho ba mẹ chú ý và lo lắng.

Ban do Rubella có thể giống như nhiều ban do virus khác. Nó xuất hiện ở dạng chấm hồng hay đỏ nhạt. Ban da có thể hoà trộn nhau tạo thành các mảng màu đồng đều. Ban da có thể ngứa và kéo dài 3 ngày. Khi ban biến mất, vùng da bị ảnh hưởng đôi khi bong vảy rất mịn.

Các triệu chứng khác của Rubella thường gặp ở lứa tuổi 13 - 19 và người lớn. Các biểu hiện của bệnh gồm: Nhức đầu, ăn kém ngon, viêm nhẹ kết mạc mắt, nghẹt mũi hay chảy mũi, sưng hạch ở nhiều nơi khác nhau trên cơ thể. Đau và sưng khớp (đặc biệt ở phụ nữ trẻ). Nhiều người mắc Rubella có ít triệu chứng hoặc không có biểu hiện gì.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Người mang trùng và bệnh Rubella bẩm sinh

Rubella là bệnh gây sốt và phát ban thường gặp. Tác nhân gây bệnh là một loại virus lây truyền qua đường hô hấp. Nên bệnh có khả năng lây lan nhanh và bùng nổ thành dịch ở các địa phương. Mọi người đều có thể mắc bệnh này. Rubella xuất hiện lần đầu năm 1960, đến năm 1969 mới có vắc-xin phòng dịch. Trẻ 5 - 9 tuổi bị ảnh hưởng chủ yếu và nhiều trường hợp Rubella bẩm sinh cũng đã xuất hiện. Ngày nay nhờ tiêm chủng nên hạn chế được bệnh Rubella và Rubella bẩm sinh.

Virus Rubella lây từ người này qua người khác qua các giọt nhỏ của dịch tiết mũi họng. Bệnh nhân dễ lây nhất ở thời điểm một tuần trước và một tuần sau khi nổi ban da.

Một số người nhiễm trùng nhưng không có triệu chứng vẫn có thể lây lan virus. Trẻ mắc Rubella bẩm sinh có thể thải virus trong nước tiểu và dịch mũi họng trong một năm hoặc nhiều hơn nữa và có thể truyền virus sang người chưa có miễn dịch.

Khi bệnh Rubella xảy ra ở phụ nữ mang thai, có thể gây ra hội chứng Rubella bẩm sinh với những hậu quả nặng nề cho thai nhi đang phát triển. Trẻ bị nhiễm trùng Rubella trước sinh có nguy cơ chậm phát triển thể chất, tinh thần, dị dạng tim, mắt, điếc và những vấn đề khác ở gan, lách và tủy xương.

Hướng điều trị và chăm sóc

Bệnh Rubella không thể điều trị bằng kháng sinh, bởi vì kháng sinh không đáp ứng với các nhiễm trùng do virus. Trừ khi có biến chứng, bệnh Rubella sẽ tự khỏi. Mọi phụ nữ mang thai tiếp xúc với bệnh Rubella nên tham vấn bác sĩ ngay.

Chăm sóc tại nhà: Rubella điển hình là một bệnh nhẹ nhàng, đặc biệt là ở trẻ em. Trẻ em mắc bệnh thường có thể được chăm sóc tại nhà. Theo dõi nhiệt độ của trẻ và đi khám bác sĩ nếu sốt quá cao.

Để làm giảm khó chịu, có thể cho trẻ uống Acetaminophen hay Ibuprofen. Tránh cho Aspirin đối với trẻ mắc bệnh do virus, bởi vì việc sử dụng trong những trường hợp như vậy có liên quan đến sự xuất hiện của hội chứng Reye, dẫn đến suy gan và tử vong.

Khám bác sĩ nếu sốt cao hơn 38,9°C (38°C nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi) hoặc nếu xuất hiện đau lâu hơn thời gian trung bình của các triệu chứng mô tả như trên.

Phòng bệnh bằng vắc-xin

Bệnh Rubella có thể phòng bằng vắc-xin Rubella. Việc chủng ngừa rộng rãi là then chốt để kiểm soát sự lây lan của bệnh, do đó tránh được những dị tật gây ra do Rubella bẩm sinh.

Vắc-xin thường dùng cho trẻ từ 12 - 15 tháng tuổi như là một thành phần của việc chủng ngừa các bệnh Sởi - Quai bị - Rubella (MMR: Measles - Mumps - Rubella). Mũi tiêm thứ hai thường thực hiện lúc 4 - 6 tuổi. Nếu chủng ngừa theo lịch thì lưu ý các ngoại lệ quan trọng và những hoàn cảnh đặc biệt. Bác sĩ của trẻ sẽ cho những thông tin phù hợp nhất.

Vắc-xin accine Rubella không nên tiêm cho ở phụ nữ đang mang thai hoặc phụ nữ sẽ mang thai trong vòng một tháng. Nếu một phụ nữ nghĩ sắp mang thai thì phải đoán chắc rằng đã miễn dịch với Rubella qua việc thử máu hoặc đã chủng ngừa.

Nếu chưa có miễn dịch thì nên tiêm vắc-xin ít nhất một tháng trước khi mang thai. Phụ nữ mang thai chưa có miễn dịch nên tránh bất kỳ người nào đang mắc bệnh Rubella và nên tiêm vắc-xin sau khi sinh để có được miễn dịch trong những lần mang thai tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ