Sởi , Quai bị và Rubella là ba loại bệnh gây ra bởi siêu vi trùng và rất dễ lây lan. Trẻ có thể bị mắc bệnh khi tiếp xúc với dịch tiết bắn ra từ người bệnh lúc người bệnh ho, hắt hơi, nhảy mũi. Với ba loại bệnh này, hầu hết trẻ khi mắc bệnh đều hồi phục hoàn toàn sau một thời gian ngắn. Tuy vậy, ở những trẻ có sức đề kháng kém, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, bệnh xảy ra có thể diễn tiến nặng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Trẻ cần tiêm vaccin để phòng ngừa sởi, quai bị, rubella. Ảnh minh họa
Dễ lây lan và biến chứng nguy hiểm
Thực tế, nhiều người còn thiếu hiểu biết và rất chủ quan với căn bệnh này nên dẫn tới những trường hợp bệnh nặng, thậm chí tử vong đáng tiếc. Điển hình gần nhất là trường hợp một bé trai hơn 2 tuổi trong tình trạng toàn thân nổi ban đỏ, sốt cao và bé rất mệt mỏi. Mẹ bé cho biết bé bị bệnh sởi, vì gia đình sợ bé ra gió sẽ nặng thêm nên lúc nào cũng ủ kín bé. Sau khi được tư vấn gia đình mới hiểu do chăm sóc sai nên bé mới bị nặng thêm.
Hiện nay sởi , quai bị và rubella là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ em vì khả năng lây nhiễm khá cao trong cộng đồng và có khả năng tạo thành dịch lớn. Khi nhiễm bệnh thì sẽ có nhiều tác động bất lợi trên sức khỏe trẻ. Nguy hiểm nhất là những biến chứng các bệnh này để lại như viêm não, viêm phổi, viêm tinh hoàn ở trẻ nam, viêm buồng trứng ở bé gái, viêm khớp hoặc hội chứng rubella bẩm sinh làm trẻ sinh ra bị rất nhiều dị tật trên cơ thể như điếc, mù, bệnh tim bẩm sinh và kém phát triển. Ngoài ra, sởi được xem là nguyên nhân phổ biến gây tử vong cho trẻ em, quai bị có thể gây vô sinh ở nam giới.
Nhận biết bệnh
Hầu hết khi trẻ mắc bệnh sởi, quai bị và rubella có triệu chứng giống nhau như sốt, ho, đau nhức. Bệnh sởi sẽ xuất hiện ban dạng sẩn đầu tiên là ở sau tai sau đó lan đến mặt rồi lan dần xuống bụng và toàn thân. Sau khi hết sẽ để lại vết thâm trên da. Nổi ban dày và màu nhạt hơn ban sởi là bệnh rubella, bên cạnh đó kèm theo tình trạng sưng hạch, đau khớp. Quai bị thường bị sưng tuyến mang tai, gây đau nhức khi nhai và sưng tinh hoàn.
Riêng đối với trẻ có hội chứng rubella bẩm sinh thường có những dấu hiệu như đục thủy tinh thể và giảm thính giác nhưng chỉ có thể nhận thấy từ 2 - 4 năm sau.
Tiêm ngừa phòng bệnh
Khi trẻ nhiễm bệnh có dấu hiệu sốt trên 38,5 độ C nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Nếu trẻ ho có thể cho uống thuốc giảm ho. Về chế độ ăn uống, phải đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, mềm và có thể chia nhỏ khẩu phần ăn làm nhiều lần trong ngày giúp trẻ dễ tiêu hóa. Nên cho trẻ uống thêm nhiều nước đặc biệt là các loại nước ép trái cây giàu vitamin C. Hạn chế cho trẻ vận động thể lực mạnh như chạy nhảy, đùa giỡn. Ngoài ra, phải giữ vệ sinh tốt cho trẻ để tránh nhiễm thêm vi trùng, tuyệt đối không nên ủ kín hoặc kiêng tắm khi trẻ bị sởi bởi sẽ làm cho tình trạng bệnh thêm trầm trọng. Bên cạnh đó cần chú trọng việc vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh, giữ gìn phòng ốc thông thoáng, sạch sẽ và cách ly trẻ lành với người bệnh.
Cách phòng ngừa bệnh sởi, quai bị và rubella cho trẻ hiệu quả nhất là tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh. Hiện nay đã có vắc-xin 3 trong 1 (một mũi tiêm chứa cả 3 thành phần sởi, quai bị và rubella) giúp phòng ngừa các bệnh này. Trẻ từ 12 - 15 tháng tuổi có thể tiêm ngừa để phòng tránh hiệu quả các bệnh này.
ThS. BS. ĐINH THẠC