Nhận biết sớm bạch hầu
Theo các bác sĩ chuyên khoa nhiễm, bệnh bạch hầu rất dễ lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết của người bệnh khi ho, hắt hơi hay qua các giọt bắn rơi ra tay chân, quần áo... Đặc biệt, nhiều người lành mang mầm bệnh nhưng không có biểu hiện bệnh là nguồn lây nhiễm nguy hiểm.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết: Bệnh bạch hầu rất dễ bị phát hiện muộn. Mọi người thường biết đến dấu hiệu kinh điển là: Cổ bạnh ra (sưng nhiều hơn quai bị, lan xuống cằm), họng trắng xóa nhưng trường hợp này bây giờ ít thấy. Hiện nay, bệnh thường diễn tiến âm thầm hơn nhưng độc tố vẫn phát tán làm viêm cơ tim.
Cũng theo bác sĩ Khanh, khởi phát bệnh bạch hầu không sốt cao, dễ khiến người ta không chú ý để đi khám bệnh sớm. Sau đó bệnh nhân vừa sổ mũi vừa loét mũi làm chảy máu, đây có thể là bạch hầu. Hoặc là bệnh nhân chỉ ho, đau họng mà không sốt thì người nhà cũng không chú ý đưa đi khám.
Nếu phụ huynh để ý và nói con há miệng ra để quan sát thì cũng không phân biệt được đó phải là giả mạc hay không (thời gian hình thành giả mạc khoảng 2-4 ngày).
Do đó, để phát hiện sớm bệnh này chúng ta phải để ý từ những triệu chứng nhỏ. Đặc biệt là những vùng có bệnh bạch hầu.
Cần đi khám ngay trong các trường hợp: Có đau họng, Khàn tiếng; Lở mũi chảy máu.
“Nếu bác sĩ nhìn trong họng bệnh nhân thấy có giả mạc thì sẽ phết họng và cho dùng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu để cứu bệnh nhân. Còn nếu phát hiện trễ, độc tố đã vào tim thì bệnh lý sẽ rất phức tạp”, bác sĩ Khanh lưu ý.
Với bệnh bạch hầu, quan trọng là phát hiện sớm để có hướng điều trị hiệu quả.
Cách hữu hiệu phòng bệnh bạch hầu
Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, để phòng ngừa bệnh bạch hầu, cách hữu hiệu nhất vẫn là tiêm chủng.
Bạch hầu có 2 nhóm biến chứng:
Thứ nhất, biến chứng tại chỗ: vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố tạo thành giả mạc lan ra bít đường thở, gọi là bạch hầu thanh quản làm tắc đường thở.
Thứ 2, ngoại độc tố phóng vào máu, tấn công tim và thận, nhiều nhất là tim (viêm cơ tim, chậm nhịp, đơ cơ tim). Biến chứng thần kinh diễn ra rất muộn nhưng nếu bệnh nhân không khó thở thì sẽ khỏi.
Hiện chúng ta đã có vắc xin 3 trong 1: bạch hầu - uốn ván - ho gà. Trong 3 bệnh này, khi ta có vết thương có nguy cơ nhiễm bệnh uốn ván thì mình biết mà đi chích ngừa, còn 2 bệnh bạch hầu và ho gà, mình không biết khi nào tiếp xúc với nguồn lây (người ta lây cho mình, mình không biết), cho nên việc chích ngừa 2 bệnh này quan trọng hơn rất nhiều.
Nước ngoài cũng khuyến cáo phải chích nhắc bạch hầu và ho gà.
Trong chương trình tiêm chủng mở rộng ngày xưa chỉ chích 3 mũi: 2 tháng - 3 tháng - 4 tháng. Sau này có điều kiện hơn thì chích thêm mũi 18 tháng.
Nếu trong cộng đồng, mọi người đều chích ngừa đầy đủ và đều khắp thì trẻ nhỏ không bị (vì được chích rồi), trẻ lớn cũng không bị (vì không có nguồn lây).
Trẻ nào chích 4 mũi sẽ ngừa được tới 3 tuổi là kháng thể giảm dần, mà lại sống trong cộng đồng có đến 30-40% không chích ngừa bạch hầu thì em bé đó sẽ có nguy cơ bị bệnh (dù đã chích 4 mũi).
Cách biện pháp phòng ngừa hỗ trợ:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Người có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Bạch hầu là bệnh nguy hiểm nhưng có thể đề phòng dễ dàng bằng cách tiêm chủng phòng bệnh. Trì hoãn việc tiêm phòng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh bạch hầu không có tính miễn dịch trọn đời, vì thế nếu đã mắc bệnh nguy cơ bị tái nhiễm các lần sau vẫn rất cao. Vì thế, để chủ động tạo miễn dịch với vắc xin là biện pháp an toàn, hiệu quả và kinh tế nhất.