Dấu hiệu nhận biết bệnh tiêu chảy ở trẻ

GD&TĐ - Dựa trên các yếu tố về cơ chế, thời gian mắc bệnh, mức độ nghiêm trọng cũng như đặc điểm phân, tiêu chảy có thể được phân loại khác nhau.

Không nên xem nhẹ tình trạng tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Ảnh: shutterstock
Không nên xem nhẹ tình trạng tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Ảnh: shutterstock

Có thể dẫn đến tử vong

Tiêu chảy là một trong những bệnh lý tiêu hóa phổ biến nhất, xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em. Tình trạng được nhận biết dễ dàng bởi dấu hiệu đi ngoài nhiều lần, phân lỏng kèm nước bất thường.

Thông thường, tình trạng có thể phát triển từ nhẹ đến nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng nếu không được kiểm soát kịp thời.

Theo Bộ Y tế, bệnh tiêu chảy là một rối loạn tiêu hóa phổ biến, mỗi người có thể gặp phải ít nhất vài lần mỗi năm. Tuy nhiên nếu tình trạng kéo dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, người bệnh cần điều trị sớm nếu xuất hiện các triệu chứng tiêu chảy.

Cụ thể, người bệnh thường có biểu hiện đầy bụng, sôi bụng. Bệnh nhân tiêu chảy liên tục, nhiều lần, lúc đầu phân lỏng, sau toàn nước. Trong trường hợp bị bệnh tả, phân toàn nước đục như nước vo gạo. Thậm chí, người mắc tiêu chảy có thể bị nôn. Lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ nôn ra toàn nước trong hoặc màu vàng nhạt.

Bệnh nhân tiêu chảy thường mệt lả, có thể bị chuột rút, biểu hiện tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng như khát nước, da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ. Có khi không đo được huyết áp, tiểu tiện ít hoặc vô niệu, chân tay lạnh… và có thể dẫn đến tử vong.

Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo những đối tượng nằm trong nhóm nguy cơ cao gồm: Những người thường xuyên ăn uống, sinh hoạt gần với bệnh nhân ỉa chảy nhưng không áp dụng biện pháp phòng ngừa. Dân cư sống trong khu vực sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, phân đi thẳng ra cống, ao, hồ, sông, suối, mương,… Người sử dụng nguồn nước ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh.

Bên cạnh đó là những đối tượng có thói quen ăn uống thiếu vệ sinh, thường xuyên ăn rau sống, thủy hải sản chưa chín kỹ, sử dụng phân tươi, phân chưa được xử lý trong trồng trọt. Dân cư sống tại khu vực bị ngập lụt hoặc sau ngập lụt cũng có khả năng cao bị tiêu chảy.

Bác sĩ Nguyễn Đức Huy, Trung tâm Y tế quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, trong gia đình và đặc biệt là trường học, cần có những biện pháp giữ vệ sinh, phòng tránh cho trẻ mắc bệnh này. Bởi môi trường đông người, khi một trẻ bị nhiễm virus cũng có khả năng cao lây lan sang những trẻ khác. Cha mẹ học sinh cần lưu ý về chế độ ăn uống, vệ sinh cá nhân cũng như giữ gìn môi trường xung quanh cho trẻ.

Theo bác sĩ Huy, bệnh tiêu chảy được phân chia thành cấp độ khác nhau dựa trên các đặc điểm về thời gian mắc bệnh, cơ chế bệnh, độ nghiêm trọng của bệnh và đặc điểm của phân. Cụ thể, cần xem phân có nhiều nước, sủi bọt, nhầy máu hay có chất béo,… Hiện, bệnh tiêu chảy phân loại thành tiêu chảy cấp tính, mãn tính, thẩm thấu, xuất tiết, nhiễm trùng.

Nguyên nhân và triệu chứng bệnh tiêu chảy

Tiêu chảy nhiễm trùng còn được gọi là tiêu chảy nhiễm trùng đường ruột. Đây là một bệnh phổ biến do các tác nhân vi sinh gây ra. Biểu hiện ở những cơn tiêu chảy cấp tính dạng phân nước hoặc nhầy nhớt liên tục trong vài ngày. Bệnh tiêu chảy nhiễm trùng được phân thành những loại: Tiêu chảy do virus, tiêu chảy do vi khuẩn, tiêu chảy do ký sinh trùng. Bệnh chủ yếu lây qua đường ăn uống, khi tiếp xúc với thực phẩm hoặc nguồn nước vệ sinh kém. Mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng sẽ phụ thuộc vào loại mầm bệnh gây ra.

Bệnh tiêu chảy cấp tính thường gặp ở trẻ em lứa tuổi mầm non và những năm đầu cấp tiểu học.

Tiêu chảy xuất hiện đột ngột, trẻ đi phân lỏng nhiều nước. Số lần đi nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ, thường kéo dài 1 tuần. Bệnh tiêu chảy cấp tính thường có nguyên nhân do thức ăn không phù hợp hoặc do nhiễm khuẩn thực phẩm. Trong đó virus rota là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe dọa đến tính mạng của trẻ dưới 2 tuổi.

Ngoài ra, bệnh còn có nguyên nhân do thức ăn không phù hợp hoặc do nhiễm khuẩn thực phẩm. Do người mẹ thiếu sữa hoặc trẻ bị cai sữa sớm nên phải ăn đồ không thích hợp như ăn bột sớm, bột đặc, ăn nhiều hoặc các thành phần trong thức ăn không phù hợp với tuổi của trẻ.

Triệu chứng nôn thường xuất hiện đầu tiên trong trường hợp tiêu chảy do virut Rota hoặc tiêu chảy do tụ cầu. Nôn liên tục hoặc vài lần làm cho trẻ bị mất nước và chất điện giải. Biếng ăn có thể xuất hiện sớm hoặc sau khi trẻ bị tiêu chảy nhiều ngày. Trẻ hay quấy khóc, vật vã, đôi khi co giật, hoặc mệt lả nằm li bì. Có thể trẻ còn bị khóc do nhiễm khuẩn. Trẻ thường chán ăn, chỉ thích uống nước.

Mất nước do tiêu chảy là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tử vong. Có 3 biểu hiện của sự mất nước ở trẻ bị tiêu chảy cấp. Đó là mất nước nhẹ khi cân nặng của trẻ giảm dưới 5% trọng lượng cơ thể. Nhưng chưa có biểu hiện khát nước, môi chưa khô, mắt không bị trũng.

Mất nước vừa khi cân nặng của trẻ giảm từ 5% đến 9% trọng lượng cơ thể. Trẻ khát nước nhiều, người vật vã, mắt trũng, miệng khô, da mất tính đàn hồi, thở nhanh. Mất nước nặng khi trẻ khát nước nhiều, người lờ đờ, mệt mỏi. Mạch đập nhanh, hạ huyết áp.

Bệnh Tiêu chảy mãn tính thường kéo dài hơn 2 - 4 tuần được coi là dai dẳng hoặc mãn tính. Ở một người khỏe mạnh, tiêu chảy mãn tính có thể gây phiền toái hoặc trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nhưng đối với một người có hệ miễn dịch yếu, hoặc suy giảm miễn dịch thì tiêu chảy mãn tính có thể là nguyên nhân đe dọa đến tính mạng.

Đối với tiêu chảy mãn tính, các nguyên nhân gây bệnh có thể được nói đến như các hội chứng kém hấp thu như sụt cân, viêm dạ dày, bệnh Crohn, hội chứng ruột ngắn, tắc bạch mạch, viêm tụy mạn tính,…

Để điều trị tiêu chảy mãn tính hiệu quả, người bệnh cần phải giải quyết 3 vấn đề. Đó là điều trị triệu chứng, giảm số lần đi ngoài, điều trị đau bụng, nôn, buồn nôn nếu có. Điều trị nguyên nhân gây tiêu chảy, ở mỗi nguyên nhân, bác sĩ điều trị sẽ có định hướng, phác đồ điều trị phù hợp. Bên cạnh đó là phòng ngừa tái phát và biến chứng nếu có.

Tiêu chảy thẩm thấu do giảm hấp thu dịch, chất điện giải và dinh dưỡng được coi là tiêu chảy thẩm thấu. Mức độ tiêu chảy từ nhẹ đến vừa, khối lượng phân từ 250ml đến 1 lít/ngày. Sự không hấp thu được một chất dinh dưỡng đơn thuần như lactose thường gây ra triệu chứng trướng bụng hơn là tiêu chảy, trừ trường hợp nặng. Hiện tượng tiêu chảy thẩm thấu sẽ dừng lại khi chúng ta ngừng ăn những thực phẩm đó.

Tiêu chảy xuất tiết là sự rối loạn về chuyển tải ion trong các tế bào biểu mô của ruột làm tăng sự bài tiết và giảm hấp thu hoặc là cả hai. Đối với hiện tượng tiêu chảy này thì việc ngưng ăn không có tác dụng. Đối với trường hợp tiêu chảy xuất tiết, việc ngưng sử dụng thực phẩm hoàn toàn không có tác dụng. Vì thế, người bệnh buộc phải sử dụng đến các điều trị y tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ