Nghiên cứu từ Đại học California ở Berkeley (Mỹ) đã phát hiện ra những dấu hiệu lạ ở hệ thống sao HD 139139. HD 139139 là một cặp sao đôi, đóng vai trò như cặp "mặt trời" của hệ hành tinh cùng tên. Nó còn có tên gọi khác là "Random Transiter".
Sử dụng dữ liệu từ Kính viễn vọng không gian Kepler, các nhà khoa học ghi nhận được tới 28 lần mờ đi khó hiểu của cặp sao chỉ trong vòng 87 ngày.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Research Notes of the American Astronomical Society, có 2 lý do chính dẫn tới hiện tượng lạ nói trên.
Đầu tiên, đó là có một số mảnh vỡ không gian hoặc một trong số hành tinh đông đảo đang quay quanh cặp sao đã vô tình bay ngang khoảng không gian giữa trái đất và các ngôi sao.
Các nghiên cứu trước đó cho thấy, cặp đôi HD 139139 có tới 14-28 hành tinh quay xung quanh.
Lý do thứ 2 ít khả năng hơn, nhưng không phải là không thể: đó là do tác động từ một phương tiện công nghệ cao nào đó do một nền văn minh ngoài hành tinh sản xuất. Bởi lẽ các lần mờ đi quan sát được có vẻ hoàn toàn ngẫu nhiên, không theo quy luật.
Đây không phải là nhóm khoa học gia đầu tiên cho rằng người ngoài hành tinh là thủ phạm của các ngôi sao bị mờ đi thất thường.
Thông thường các ngôi sao có thể bị mờ đi chút ít do yếu tố tự nhiên, nhưng mờ đi quá nhiều như HD 139139 hay một hệ hành tinh khác được quan sát trước đó là KIC 8462852 thì quá bất thường.
Một nghiên cứu công bố năm 2017 đã khẳng định nguyên nhân khiến hệ KIC 8462852 mờ đi tới 20% trong một số thời điểm là dấu hiệu của việc xây dựng một đại đô thị hoặc do người ngoài hành tinh đang khai thác năng lượng của ngôi sao mẹ.
Năm ngoái, chính loài người chúng ta, cụ thể là nhóm khoa học gia từ 2 trường đại học Mỹ danh tiếng là Harvard và Yale đã đề xuất ý tưởng làm mờ đi ngôi sao mẹ của chúng ta – mặt trời – để chống lại biến đổi khí hậu.
Một phương án thực tế đã được đưa ra là kỹ thuật phun khí dung tầng bình lưu (SAI), nhằm đưa sunfat vào khí quyển bằng khí cầu và máy bay tầm cao. Sunfat sẽ giúp phân tán ánh sáng mặt trời.